Nghệ sĩ Linh Phượng: Giọng dân ca ngọt ngào nơi hải ngoại

04/12/2013 16:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ sĩ Linh Phượng liên tục có những hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Chị đã được đài VOA (Mỹ) ca ngợi là “một giọng dân ca Việt, mượt mà, truyền cảm, được khán giả khắp nơi đặc biệt ưu ái”.

Có mặt tại Việt Nam dự Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài (khai mạc ngày 19/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội ), Linh Phượng chia sẻ nhiều suy ngẫm của mình về việc quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài thông qua âm nhạc, ẩm thực.

Tiếng hát gợi về cội nguồn

Trong một chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam trong tháng “Di sản châu Á”, do kênh truyền hình 56 của Mỹ và Đài VOA tổ chức, Linh Phượng được mời tham gia thể hiện phần dân ca tiêu biểu 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chị biểu diễn đặc biệt thành công những bản dân ca vô cùng thân thương với người Việt Nam, nhất là với những ai đang ở xa quê, như: Người ơi người ở đừng về, Ngồi tựa mạn thuyền, Giận mà thương, Lý con sáo, Ru con…

Linh Phượng cho biết: “Qua nhiều năm tham gia các hoạt động nghệ thuật, tôi thấy các cộng đồng ở Hoa Kỳ chẳng những nhiệt liệt hưởng ứng mà còn rất thích thú tìm hiểu về nền dân ca, dân nhạc Việt Nam. Bởi qua đó, họ hiểu được văn hóa và ước vọng hướng tới cái hay, cái đẹp, cái thiện - hay nói một cách khác là cái ánh sáng lung linh, huyền ảo đặc biệt trong lành, thuần khiết của tâm hồn người Việt Nam chúng ta”.




Linh Phượng tâm sự rằng chị vô cùng tự hào về kho tàng dân ca, giàu có và phong phú mà ông cha đã để lại. Kho tàng quý báu đó tự nó đã có chỗ đứng và được tôn trọng trong nền văn hóa thế giới.

Chị kể rằng có một buổi biểu diễn đã để lại ấn tượng không bao giờ phai mờ trong chị. Đó không phải là những đợt sóng vỗ tay tán thưởng tưởng như chẳng bao giờ dứt của khán giả; cũng không phải là những giải thưởng hay những tôn vinh giành cho người nghệ sĩ. Đơn giản chỉ là một cụ già đã tìm tới chị sau buổi diễn. Cụ nắm tay chị và nói trong nước mắt: “Con ơi, già cảm ơn con. Tiếng hát của con dường như đã trả lại cho già những ngày xưa biết bao thân ái. Già như được trở lại với nếp nhà tranh, với dòng sông quê mẹ. Qua tiếng hát của con, già thấy lại những gì đã mãi qua đi: Quê hương, tuổi trẻ với những ước vọng vô bờ thuở ấy. Tiếng hát của con đã nhắc nhở già rằng chúng ta vẫn thuộc về cội nguồn. Dù thân tha phương nhưng tình cảm, tâm hồn ta vẫn thuộc về đất mẹ”.

Quảng bá văn hóa Việt - đừng quên ẩm thực

Ngoài hoạt động nghệ thuật, Linh Phượng còn trăn trở tìm những phương cách thuận tiện và hữu hiệu hơn để giúp duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam trong các thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài. Chị cho rằng có thể thông qua ẩm thực, tiếng Anh và Internet để thực hiện mục tiêu này.

Trong tham luận trình bày tại Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, chị cho biết: Kinh nghiệm tại nước ngoài cho thấy nghệ thuật ẩm thực của người Việt có hạng rất cao trên thế giới. Các bài viết trên các tờ báo du lịch thế giới như Lonely Planet đánh giá nghệ thuật ẩm thực Việt Nam cao hàng đầu thế giới. Năm 2010 CNN sắp hạng thức ăn Việt Nam tốt cho sức khỏe hạng 3 trên thế giới…

Có thể thông qua âm nhạc, ẩm thực, Internet để giúp duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam trong các thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài. Đó là thông điệp mà nghệ sĩ Linh Phượng, Việt kiều yêu nước tại Mỹ, đại biểu dự Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài diễn ra ngày 19/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhấn mạnh trong tham luận tại hội nghị.

Và con cái Việt Nam, dù lớn lên ở nước nào, cũng đều thích thức ăn Việt Nam hơn thức ăn bản xứ. Không những thích ăn, các em lại còn thích khoe các món ăn Việt Nam với bạn bè và mang cho các bạn ăn. Nói chung là các em rất hãnh diện về thức ăn Việt Nam.  Và đó thường là nét văn hóa Việt Nam đầu tiên mà các em đem ra giới thiệu với bạn bè bản xứ.

Vì vậy ở nước ngoài, nét văn hóa Việt Nam đầu tiên mà các em thích thú nhất, hiểu biết nhiều nhất, và mang ra giới thiệu rộng rãi nhất, là thức ăn Việt Nam. Các em tự hào về thức ăn Việt Nam, và từ đó tự hào về văn hóa và lịch sử Việt Nam nói chung. 

Từ ẩm thực, các em bắt đầu quan tâm đến áo dài và trang phục truyền thống Việt Nam, các ngày lễ hội Việt Nam, nghi lễ phong tục Việt Nam, lịch sử Việt Nam, những cuộc chiến thắng ngoại xâm, dân ca dân nhạc Việt Nam, triết lý Phật giáo…
Cho nên nếu chúng ta bắt đầu bằng ẩm thực để đưa các em sâu hơn vào văn hóa Việt Nam thì đó là một cuộc khám phá rất sâu sắc và đầy hứng thú.

Một website tiếng Anh chuyên về văn hóa Việt Nam

Đa số con em người Việt ở nước ngoài rành tiếng Anh, kể cả ở các nước ít nói tiếng Anh. Các thế hệ trẻ hiện nay ở trong nước cũng rành tiếng Anh hơn bất kỳ ngoại ngữ nào khác. Vì vậy chúng ta cần nghĩ đến việc dùng tiếng Anh để giáo dục văn hóa và lịch sử cho các em ở nước ngoài, đồng thời khuyến khích các em trong nước phát triển việc dùng tiếng Anh để kết nối với bạn bè quốc tế và để làm việc sau này. Tất cả các điều này chúng ta đều có thể thực hiện dễ dàng, ít tốn kém với Internet.

Nếu chúng ta có một số website chuyên về văn hóa và lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh, thì đó là những nơi mà các em nước ngoài có thể đến thường xuyên để học hỏi…

Những website như vậy có lẽ ai cũng có thể làm được. Nhưng để các website này có chất lượng và bền vững, thì đó là công việc mà các tổ chức nhà nước và các tổ chức NGO (tổ chức phi chính phủ, tổ chức tình nguyện tư nhân) nên quan tâm thực hiện.

Nguyễn Quỳnh Trang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm