Nghệ sĩ Lại Thị Diệu Hà: Tại sao bám vào “nuy” để phán xét?

15/09/2010 08:10 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Chương trình nghệ thuật trình diễn IN:ACT  diễn ra tại Nhà Sàn Studio (Hà Nội) vào trung tuần tháng Tám vừa qua hiện đang để lại dư âm “sục sôi” trên một số diễn đàn, mà tâm điểm là tác phẩm Bay lên của nghệ sĩ Lại Thị Diệu Hà. TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ này.

* Cảm giác của chị thế nào khi một loạt hình ảnh trong tác phẩm Bay lên “có mặt” trên một số web đen?


- Thông qua một trang mạng về nghệ thuật, hình ảnh trong tác phẩm của tôi đã được chụp lại và đưa lên. Sau đó những hình ảnh này bị các trang mạng khác sao chép lại, điều này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Khi biết tin hình ảnh của mình được sử dụng với mục đích không tốt, tôi chẳng có thái độ gì, bởi việc đấy không làm tôi quan tâm. Sau khi tác phẩm Bay lên kết thúc, tôi nhận được những chia sẻ của đồng nghiệp, bạn bè, thế là quá đủ. Khi tôi rời khỏi sàn diễn, đồng thời với việc cần phải quên nó đi để làm tác phẩm khác. Với tôi, nghệ thuật trình diễn hay ở chỗ mỗi tác phẩm chỉ được trình diễn một lần duy nhất, trong một khoảng thời gian và không gian duy nhất, không lặp lại lần thứ hai.


Cảnh kết thúc tác phẩm Bay lên.
* Tôi đã từng xem nhiều tác phẩm trình diễn của chị, ấn tượng bởi những màn “hành xác”, như dùng dao trổ rạch lên cơ thể, dí đầu thuốc lá cháy đỏ lên da, cho đến dùng dao cắt vào ngón tay và những vùng da nhạy cảm… vì vậy tôi rất ngạc nhiên khi xem Bay lên, một tác phẩm không giống với những gì chị làm trước đó?

- Tác phẩm trình diễn đầu tiên của tôi vào năm 2005, Gửi tin nhắn với cái quạt, tôi đứng trước một cái quạt công nghiệp đang quay vù vù, nói chuyện và đưa những lời nhắn cho cái quạt. Qua tác phẩm này, tôi biết mình có khả năng làm trình diễn. Khi còn bé, đọc một cái tin nhỏ trong cuốn Thế giới mới, tôi ấn tượng về một phụ nữ Mỹ, khi ấy, tôi chưa biết bà ấy làm nghệ thuật mà chỉ cảm phục về việc bà dùng cơ thể mình để giải phẫu thẩm mĩ lúc thì làm đẹp, lúc lại làm xấu đi, không gây tê, và cho quay trực tiếp toàn bộ cảnh tượng đó. Những hình ảnh trong ca giải phẫu đã tác động rất mạnh vào tâm trí tôi. Gần đây, tôi bắt đầu thử nghiệm sức chịu đựng của mình. Tác phẩm Rubbist tôi trình diễn ở Nhật, dùng dao cứa vào ngón tay để máu chảy và nuốt nó vào, ý tưởng khởi nguồn khi tôi sang Nhật vào năm 2009, cảm thấy rất cô đơn trộn lẫn căng thẳng. Với tôi, đây là tác phẩm giàu tính nữ, mang tính tuần hoàn. Tác phẩm tiếp theo Xin hair - cho một dự án sắp đặt của tôi. Để xin được hair của người khác, tôi dùng cơ thể lẫn sức chịu đựng của mình. Sau khi trình diễn, những vết thương làm tôi đau đớn suốt một thời gian dài nhưng tinh thần thực sự được thăng hoa. Gần đây nhất là tác phẩm Make up, một thử nghiệm cá nhân giữa ảo và thật, giữa vô vị của hình thức, sự thờ ơ của khán giả. Tôi đã bí mật rạch một đường nơi khóe mắt tạo ra những giọt lệ (máu) đỏ gây hiệu ứng phản cảm, tô vẽ sự ghê sợ ẩn chứa sau vẻ im lìm của bộ mặt.

Nhưng hành xác chỉ đem lại sự giật gân cho người xem thì cũng nhạt, tôi cũng chỉ thử xem sức chịu đựng của tôi sẽ đến đâu, ý tưởng đưa ra như thế nào mới quyết định được tác phẩm ấy là bề mặt trên, giữa hay chạm tới một tí cái đáy. Nhưng nghệ thuật trình diễn thú vị là trực tiếp diễn ra, nó phải đầy đủ trong sống động có im lìm, im lìm chứa cái gì đấy.

Lần này, trong IN:ACT mặc dầu trình diễn hai tác phẩm Kiss Bay lên không còn những màn hành xác nhưng nó vẫn nằm trong một chuỗi những thể nghiệm về bản thân của tôi suốt 5 năm nay. Kiss và Bay lên là những gì trung thực nhất về bản thân mà tôi muốn bày tỏ. Tôi muốn thành thật với bản thân tôi: có những vấn đề chúng ta không dám đối mặt thì chính chúng ta sẽ bị nó kéo xuống. Sau hai tác phẩm này, tôi sẽ kết thúc chuỗi tác phẩm nói nên những vấn đề của cá nhân.

* Vì sao chị quyết định trình diễn nuy? Chị có lường hết hậu quả của việc này không?

- Toàn bộ diễn biến và ý tưởng của Bay lên đã diễn ra đúng như tôi tưởng tượng, nó trộn lẫn lãng mạn, hài hước, và đau buồn. Sự thật được hé lộ ẩn ý tự nhiên nhất. Đó là tận cùng của cơ thể, bởi phải thế. Không có gì là gượng gạo hay phơi bày ở đây. Tôi thấy mình không còn rào cản nào ngăn cách. Khi tôi nằm xuống sự êm ái của đất lạnh, tôi nhẹ nhàng đưa nó (con chim nhỏ) vào miệng như một sự cảm nhận lần cuối và chia tay. Nó bay đi.

Nếu cứ bám vào "nuy" để mà phán xét thì tội cho những con vật bị thay lông quá, ví dụ như là con cừu. Nếu con người không cạo lông nó thì làm sao có sự tái sinh một bộ lông mới? Cơ thể hay nghệ thuật cũng vậy thôi, không thử làm sao biết mà cố gắng. Đôi khi sự thật hết sức bé nhỏ nhưng là mấu chốt quan trọng và định hướng để ta đi tiếp.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm