(TT&VH) - Sự có mặt của nhiều nghệ nhân đến từ 15 quốc gia và lãnh thổ (Anh, Pháp, Đức, Canada, Campuchia, Trung Quốc...) với hàng trăm con diều đủ màu sắc đã làm nên một Festival Diều quốc tế Vũng Tàu 2009 khá đa dạng. Quy tụ nhiều nghệ nhân "thượng thặng" trong thế giới diều nhưng được cánh báo chí chú ý nhiều nhất là nghệ nhân người Canada gốc Việt: Lâm Hoắc.
Nghệ nhân người Canada gốc Việt Lâm Hoắc |
Không hổ danh là một trong 7 tay chơi diều hàng đầu thế giới, màn trình diễn diều thể thao: diều nhào lộn, diều lộn qua người, diều “tẩm quất”... của ông Lâm Hoắc đã làm mọi người phải trầm trồ thán phục. TT&VH đã có cuộc trao đổi với nghệ nhân Lâm Hoắc:
* Đại diện đoàn Canada ông đã mang đến loại diều nào cho Festival này?
- Diều của tôi là diều thể thao hiện đại nhỏ gọn, chất liệu bền khó xé, có 2 dây và 4 dây. Tôi có kết hợp âm nhạc vào màn trình diễn diều, để diều “khiêu vũ” trên nền nhạc, thể hiện được những chuyển động lúc uyển chuyển, lúc mạnh mẽ của cánh diều. Diều của nhiều nơi không cần nhạc, chỉ thả lên để xem, đua về độ cao thôi. Với tôi chơi diều không đơn thuần là một môn thể thao mà đó còn là nghệ thuật. Để hiểu được diều thì phải học, khi thả diều thì phải có cảm xúc và sự hứng khởi.
* Được xếp vào một trong những nghệ nhân chơi diều hàng đầu thế giới, ông còn được mọi người biết đến về khả năng thả diều trong không gian hẹp không cần gió. Ông có thể chia sẻ thêm về nghệ thuật chơi diều đặc biệt này?
"Diều sáo" - loại diều cổ truyền có khả năng phát ra tiếng nhạc là đặc trưng riêng mà chỉ diều Bắc Bộ Việt Nam mới có. |
- Thả diều không cần gió đến với tôi cũng tình cờ thôi. Có những hôm thời tiết không thuận lợi (mưa to, không gió, gió quá lớn), anh em chơi diều tụ tập trong nhà thấy chán quá không biết làm gì xách diều chạy vòng vòng thì thấy nó cũng có thể bay được. Từ
đó tôi cũng nghĩ cách cải tiến diều để có thể thả trong nhà chơi. Để thả trong không gian hẹp, trần nhà chí ít cũng phải cao 4 đến 5 mét, diều cần phải làm bằng chất liệu nhẹ (nếu đủ nhẹ thì diều hoàn toàn có thể tự đi mà không cần can thiệp nhiều), nhỏ gọn hơn, dây cũng ngắn hơn so với diều thả ngoài trời. Thả diều trong nhà đòi hỏi nhiều ở sự di chuyển của người chơi: phải biết hướng đi, bắt buộc phải đi lùi (đi về hướng đối nghịch cánh diều) để kéo diều lên; tay điều khiển phải đủ lực, nhanh và nhịp nhàng, kết hợp bước chân di chuyển hợp lý.
* Ông đã tham gia nhiều sự kiện quốc tế về diều, đã biết được nhiều loại diều của quốc tế. Ông có nhận định gì về diều Việt Nam?
- Mỗi nước có một truyền thống riêng, có kiểu chơi riêng phù hợp với văn hóa, điều kiện địa lý, thời tiết từng nơi nên không ai giống ai và cũng không ai hay hơn ai. Chúng ta có thể ngạc nhiên về những con diều hiện đại của các nước Âu, Mỹ thì họ cũng bị ấn tượng bởi diều sáo, loại diều cổ truyền có khả năng phát ra tiếng nhạc, đặc trưng riêng mà chỉ diều Bắc Bộ Việt Nam mới có. Với tôi chơi diều chủ yếu là để học hỏi thêm. Diều thả không bao giờ là đủ cả. Phải luôn tìm tòi, học hỏi ở khắp nơi.
Màn biểu diễn "diều đấm lưng" của nghệ nhân Lâm Hoắc
* Được biết lâu rồi ông không về Việt Nam. Ông thấy lần trở về này như thế nào?
- Đã 30 năm rồi tôi mới quay lại Việt Nam. Cảm giác hồi hộp lắm. Lâu rồi cũng không nói tiếng Việt nên phát âm, diễn đạt có phần lọng cọng và ngượng nghịu. Chắc vài ngày là sẽ quen thôi. Công việc chính của tôi hiện nay là đi thả diều. Tôi càng vui hơn khi lần này được mời về Việt Nam để tham gia một festival diều mang tầm quốc tế. Điều kiện tự nhiên ở Vũng Tàu rất tốt cho việc chơi diều.
* Sau Festival này, ông có kế hoạch gì ở Việt Nam không?
- Tôi đã nhận được nhiều lời mời về việc giúp đỡ, hướng dẫn áp dụng công nghệ hiện đại vào nghệ thuật chơi diều ở Việt Nam. Như đã nói, nghề của tôi là thả diều, nên tôi sẵn sàng thôi. Tôi cũng rất thích về Việt Nam. Mà không chừng sang năm tôi về Việt Nam ở hẳn cũng nên (cười).
Ngọc Tuyết (thực hiện)