Nghệ nhân chèo tàu đi tìm...chèo tàu

18/06/2009 19:15 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH) - Hiện nay, người biết hát, hiểu và nắm trong tay nhiều tài liệu nhất về chèo tàu ở Tân Hội chỉ còn ông Đông Sinh Nhật và bà Nguyễn Thị Thu. Tuy nhiên, do luật hát chèo tàu quy định chỉ nữ được tham gia nên dù hát hay, múa giỏi đến đâu, ông Nhật cũng chỉ là “ông cố vấn, người ngoại đạo”. Còn bà Thu, ngoài việc biết hát và dạy hát chèo tàu cho lớp kế cận cũng không biết gì nhiều về cách thức tổ chức hội chèo tàu cổ ra sao để mà phục dựng cho “đạt chuẩn”…

Từng hát chèo tàu ở Trung Quốc, Liên Xô

Ông Đông Sinh Nhật nổi tiếng khắp làng là một “nhà viết kịch” cho các hội diễn văn hóa văn nghệ quần chúng của xã, liên tục đoạt giải thưởng, bằng khen qua những vở kịch ngắn có tính tuyên truyền, giáo dục. Gặp chúng tôi, ông giở cuốn Thơ Đường Đan Phượng mà ông vừa in chung cùng các tác giả trong CLB thơ Đường Đan Phượng, chỉ vào phần tiểu sử của mình đọc nhanh gọn: “Họ tên: Đông Sinh Nhật, sinh năm 1946. Quê Thúy Hội, Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội. Hết. Nếu được nói thêm, tôi chỉ dám nhận: làm thơ, hát và dạy chèo tàu! Không tin, xin mời nhìn lên bằng khen của cụ Tô Ngọc Thanh tặng tôi vì có công lao với chèo tàu đó”. Vừa nói ông Nhật vừa chỉ lên tấm bằng khen mà ông được Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng năm 2005 cho thành tích “sưu tầm, biểu diễn và truyền dạy chèo tàu ở Hà Tây (cũ)”.


Cổng làng Tân Hội

Thoát ly năm 16 tuổi, đi bộ đội, sau đó ông Nhật được tuyển đi Trung Quốc học ngành cơ khí ô tô năm 1965. Ông kể: “Ngày tôi sang bên đó học, thi thoảng vẫn hát chèo tàu đấy. Người Tàu nghe chèo tàu cũng thích lắm, hỏi tôi đủ chuyện về điệu hát mà không chắc gì họ đã hiểu ấy. Tôi “quảng cáo” luôn: Dân tộc các bạn có Kinh kịch thì dân tộc Việt Nam tôi có quan họ, có chèo... mà riêng chèo tàu thì ở Việt Nam chỉ có ở Tổng Gối thôi. Điệu hát hầu thánh này chúng tôi chỉ được tổ chức hội 25 năm một lần, không “sân khấu hóa kinh kịch” như các bạn đâu. Ái chà, các bạn người Tàu nghe xong mang thắc mắc vì sao 25 năm mới được tổ chức hội một lần vặn hỏi tôi. Thú thực, ngày ấy, tôi chỉ biết hát vài làn điệu do học lỏm các cụ cho đỡ nhớ quê, chứ con giai làm gì được hát chèo tàu. Thế nên, tôi chỉ nói, xin thánh thần bỏ quá, đó là bí mật, nếu tiết lộ sẽ bị Thành hoàng làng Văn Dĩ Thành vật chết. Thế các bạn tôi mới không thắc mắc nữa đấy”.

Học bên Trung Quốc được một năm, ông Nhật trở về nước, tình nguyện đi lính, công tác tại đội giao thông vận tải ở tuyến lửa Quân khu IV. Sau một thời gian ông tiếp tục được cử đi Liên Xô học lớp đào tạo cán bộ chủ chốt. Tại Liên Xô, ông vẫn “chứng nào tật ấy”, mỗi khi nhớ làng quê, không còn thú gì giải khuây, ông lại... hát chèo tàu. Ông nhớ lại: “Bên Liên Xô mỗi lần nhớ quê hương, đất nước, nhớ Tổng Gối, tôi lại lôi mấy bài chèo tàu ra hát. Vài người bạn Liên Xô chung khu học xá không hiểu ca từ nhưng có lẽ âm hưởng của làn điệu làm họ cũng thấy quyến rũ hay sao ấy mà có rất nhiều lần tôi được bạn bè bảo hát lại cho nghe. Thật, ngày ấy, và cả ngày bên Trung Quốc nữa, tôi đâu có ý thức được rằng chèo tàu là vốn văn hóa quý giá của làng đâu”.


Ông Đông Sinh Nhật - người vẫn đang đi tìm nghệ nhân chèo tàu

Nghệ nhân khắc khoải đi tìm… nghệ nhân

Theo lời ông Nhật thì ông, bà Thu cũng như nhiều người khác nữa trong CLB rất may mắn khi gặp được ba cụ là cụ Lục, cụ Mạch và cụ Nhung. Các cụ biết được nhóm ông Nhật, bà Thu đang muốn phục dựng lại Chèo tàu thì mừng lắm, sẵn sàng chỉ bảo từng ly, từng tí. Sau nhiều tháng học hành chăm chỉ, tất cả những làn điệu chèo tàu cổ của các cụ được ông Nhật và bà Thu thuộc lòng, ghi chép lại cẩn thận. Tuy vậy, cũng tương tự như hát Dô, điệu hát hầu thánh này 25 năm mới được tổ chức một lần và lần cuối cùng được tổ chức là từ... năm 1922, lúc đó, ngay cả cụ Lục và cụ Mạch cũng chỉ là khán giả, biết hát là nhờ học lỏm qua bờ rào, nên khi hỏi làm thế nào để tổ chức hội hát chèo tàu đúng với bản nguyên xa xưa thì các cụ cũng thú thực là không biết!

Ông Nhật cho biết, năm 1977 nhạc sĩ Khắc Tuân, Phó Giám đốc Nhà văn hóa Trung tâm Hà Tây (cũ) về Tân Hội dựng cho một sắc chèo tàu gồm có các ca khúc lời mới nhưng thiên về múa hơn. Tuy nhiên, dưới sự nhìn nhận của ông Nhật thì: “Mặc dù cụ Khắc Tuân nhiệt tình trong việc phục dựng lại chèo tàu nhưng tôi thấy tất cả dường như không gắn với chèo tàu là bao nhiêu, tất nhiên là vẫn có quản tượng, bắn cung, gái thôn đi ra mời trầu, có chèo đò dọc, chèo đò ngang nhưng tất cả chỉ là mô phỏng và bị cách điệu rất nhiều”.

Chúng tôi hỏi ông có phải vì thấy hát chèo tàu sau khi phục dựng “bị lệch chuẩn”, thậm chí có người nói chèo tàu đã bị biến thành “nộm múa”, bị “tàu hóa”, nên mới quyết định thân chinh đi điền dã tìm cho ra ngọn nguồn điệu chèo tàu cổ, ông Nhật bình thản: “Tôi chỉ không muốn chèo tàu quê tôi bị sân khấu hóa như các loại hình khác. Nghĩa là, chèo tàu chỉ được phép hát ở lăng Văn Sơn. Đó là thực địa của chèo tàu. Tuy nhiên, qua mấy lần phá lệ tổ chức hội hát chèo tàu, tôi cảm thấy “bị hiện đại” quá nên chỉ đặt ra quyết tâm là tìm gặp các nghệ nhân để, thứ nhất sưu tầm tài liệu, những ca khúc còn chưa có trong văn bản. Thứ nữa là hỏi các cụ xem có ai biết hội hát chèo tàu cổ tổ chức ra sao không để cùng mọi người trong CLB phục dựng cho đúng với vốn cổ mà cha ông đã làm. Thế thôi...!”.

Vì nghe lời thầy, vì không muốn chứng kiến điệu hát cổ của làng bị biến tướng, cách tân vô lối chăng mà cho đến tận bây giờ, ông Nhật và cả bà Thu nữa vẫn chăm chỉ đi điền dã làm cái việc nhiều người cho là vác tù và hàng tổng. Dù đang làm gì, ở đâu, hễ nghe loáng thoáng ai đó bảo còn nghệ nhân chèo tàu là ông “bươn” đi ngay. Có lần nghe người ta kháo nhau, ngoài ba cụ Lục, Mạch, Nhung ra, còn một cụ nữa, nhưng đã chuyển ra Hà Nội sống với cháu dâu, đâu ở lối tập thể Trường cán bộ Trung ương. Rất mù mờ vậy nhưng ông đã đi tìm cụ, tìm mãi. Buồn thay, càng tìm càng bặt vô âm tín, không thể xác định được là cụ còn hay mất?!

Nhắc đến chuyện đó, ông Nhật buồn xịu mặt, ngồi xếp bằng gọn gẽ, thẳng người lên, mắt khẽ nhắm lại như thầy tu chuẩn bị bước vào buổi tụng kinh với lòng tôn kính hướng về đấng tối cao mong được ban phước. Nhìn ông, nghe lời “khấn” của ông, chúng tôi chỉ biết im lặng và ghi chép lại. Ông “khấn” rằng: “Cụ ơi! Cụ là ai? Nếu cụ còn khỏe mạnh xin hãy cho chúng con biết cụ đang ở đâu?” ...

Dù chưa biết “cụ là ai”, “cụ ở đâu”, ông Nhật và những người yêu quý chèo tàu sẽ còn nhiều chuyến đi tìm những nghệ nhân chèo tàu còn ở đâu đó. Dù đây là việc có phần muộn mằn, nhưng chưa hẳn đã tuyệt vọng. Những cuộc tìm kiếm ấy, cũng nên cần có sự tham gia nhiệt tình của các nhà nghiên cứu văn hóa. Bởi lẽ, những nỗ lực ấy không cho riêng ai, mà cho cả lớp hậu sinh, con cháu ở Tân Hội, cho cả cộng đồng, cho những ai yêu quý chèo tàu, một di sản văn hóa độc đáo đang ngắc ngoải kêu cứu chỉ duy nhất ở Tân Hội mới có...

Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam.

Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.

Yên Khương - Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm