Nhưng chừng nào chúng ta còn tiếp tục bất lực trước tình trạng này thì nguy cơ nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng còn lơ lửng. Không phải ngẫu nhiên mà FIFA đã có hẳn một điều khoản để quy định các cá nhân hành nghề đại diện và môi giới cầu thủ trong phần Quy định về Đại diện cầu thủ (Player’s agent Regulation), rằng không được nắm giữ chức vụ hay là thành viên của một Liên đoàn, một CLB… nào đó.
Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu một ông Giám đốc Điều hành của một CLB đồng thời làm nghề môi giới cầu thủ, các khách hàng của ông ta sẽ là các cầu thủ không chỉ đến từ CLB ông ta đang điều hành mà còn từ rất nhiều các CLB khác nhau. Sự ràng buộc về mặt vật chất cũng như tinh thần ở đây giữa người môi giới và khách hàng có thể sẽ là yếu tố chi phối tới khả năng chơi bóng và tính trung thực của cầu thủ. Chẳng hạn, khi đội bóng của ông giám đốc điều hành A đá với đội B có vài cầu thủ X,Y,Z là nội binh và ngoại binh từng được ông ta môi giới, ai dám loại bỏ khả năng sẽ không có sự tác động nếu như đội bóng của ông giám đốc đó cần điểm để vô địch, trụ hạng hay thăng hạng?
Cá nhân đã không, công ty càng không
BĐVN gần đây nổi lên nhà môi giới Trần Tiến Đại, ông không có giấy phép hành nghề môi giới của FIFA, nhưng lại có một công ty chuyên về lĩnh vực này. Ông Đại khi trao đổi vấn đề này với người viết, đã nói: “Công ty của mình có chức năng giới thiệu việc làm cho người lao động. Cầu thủ cũng là người lao động nên đương nhiên hoạt động bình thường theo pháp luật quy định”. Xin nói thêm, giờ ông Đại là Giám đốc điều hành của V.Ninh Bình đang chơi ở giải hạng Nhất.
Ông Paul Mony, Tổng thư ký của AFC, đã từng giảng giải rất kỹ về cái gọi là những điều không thể với nghề đại diện, môi giới cầu thủ cho BĐVN, nhưng…
Nói thế cũng đúng, nhưng đó là từ góc độ của các cá nhân và doanh nghiệp. Nhưng với riêng lĩnh vực bóng đá thì khác. Như đã nói ở trên, không phải vô cớ FIFA lại xây dựng riêng cho mình một luật chơi và buộc cách thành viên tham gia ở mọi cấp độ phải tuân thủ. Bóng đá là một ngành lao động có nhiều đặc thù, đòi hỏi phải có những ngoại lệ và những quy định chi tiết để tránh những xung đột, chẳng hạn như việc một ông chủ không thể sở hữu cùng lúc 2 đội bóng chơi cùng ở một giải đấu, dù ở cuộc sống, một người có thể tham gia sở hữu nhiều doanh nghiệp khác nhau.
VFF cũng coi Quy định về Đại diện cầu thủ của FIFA như một văn bản có tính pháp lý, phổ biến Quy định này từ năm 2006 (dù chưa cập nhật và biên dịch bản sửa đổi của FIFA từ năm 2008), nên rõ ràng chúng ta cũng không thể tự tạo cho mình một ngoại lệ so với thế giới bóng đá. FIFA cũng có những điều khoản cụ thể để phạt cho hành vi vi phạm này, ở trong điều 36, từ cảnh cáo, phạt tiền cho tới loại (ĐTQG) ra khỏi giải đấu (của FIFA).
Trở lại với chuyện của SHB.ĐN mới đây thành lập Công ty Cổ phần thể thao với chức năng được giới thiệu trong buổi lễ ra mắt ngày hôm qua, trong đó có môi giới VĐV thể thao. Ý định để công khai hóa, minh bạch hóa các vụ chuyển nhượng, những bản hợp đồng là tốt, nhưng xem ra, nếu họ hoạt động trên thực tế chức năng này thì rõ ràng là không ổn nếu nó bao gồm cả các cầu thủ bóng đá.
Khi ấy, sẽ không thể vỗ tay hưởng ứng hay khen ngợi mà có lẽ VFF cần phải tuýt còi, cho tương lai của các CLB, của V-League và cả chính VFF nữa. Sẽ chẳng có gì có thể vượt khỏi tầm bao quát của FIFA cả!
Phạm Tấn