05/08/2019 07:41 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm giữa vùng Kinh Bắc, tranh dân gian Đông Hồ mang giá trị văn hoá, lịch sử to lớn nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhằm lưu giữ, phát huy di sản mỹ thuật này, hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được hoàn tất để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nằm giữa vùng văn hiến Kinh Bắc, dòng tranh này đã hội tụ tâm thức ngàn năm của người Việt chất phác, với những ước vọng nho nhỏ quanh cuộc sống bình dị… Từ lâu, câu thơ của nhà thơ Hoàng Cầm đã nói lên vẻ đẹp, giá trị riêng của dòng tranh dân gian này: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Chính cái “màu dân tộc” và “giấy điệp” đã làm nên thần thái của dòng tranh này và cùng với các dòng tranh dân gian khác làm giàu cho kho tàng di sản mỹ thuật của Việt Nam.
Tại buổi ra mắt giới thiệu sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (chủ biên), diễn ra sáng 31.7 tại Hà Nội, theo tác giả tranh Đông Hồ vượt thời gian, từ buổi bình minh của nó đã chứng tỏ có sức sống mãnh liệt, kinh qua mọi thăng trầm để tồn tại cho đến ngày hôm nay. Đây là dòng tranh dân gian lâu đời nhất, đa dạng nhất và có số lượng sản phẩm nhiều nhất của Việt Nam. Còn theo PGS.TS Trịnh Sinh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: “Nền mỹ thuật Việt Nam có một kho báu là tranh Đông Hồ. Đi vào khai thác di sản này đã cho các thế hệ làm mỹ thuật một hướng đi vững bền và đậm đà bản sắc dân tộc.
Trải qua bao thăng trầm, dòng tranh này vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Tranh Đông Hồ đã được nhà nước xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hiện đang hoàn tất hồ sơ trình lên tổ chức UNESCO để được xếp hạng di sản văn hóa thế giới. Đảm nhiệm việc xây dựng hồ sơ này, GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ sẽ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản thứ 3 của Việt Nam đề nghị UNESCO đưa vào danh mục này. Cho đến nay hồ sơ đang trong giai đoạn hoàn tất”. Theo GS.TS Nguyễn Quang Thanh, hồ sơ đề nghị UNESCO đưa tranh dân gian Đông Hồ vào danh mục di sản cần bảo vệ khẩn cấp, bởi dòng tranh này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, mang giá trị to lớn, nhưng lại đang mai một. Từ lúc cả làng nhộn nhịp làm tranh, nay chỉ còn 3 gia đình cố gắng duy trì vì niềm say mê với nghề.
Tranh của làng Đông Hồ đa dạng về đề tài, nguyên vật liệu sử dụng cũng độc đáo và theo kỹ thuật riêng. Cũng theo thống kê, hàng nghìn bản khắc đang được lưu trữ tại 3 gia đình nghệ nhân đang gắn bó với nghề tranh tại làng Đông Hồ, nhưng phần lớn để phủi bụi, bởi đặc điểm chung của làng nghề Việt Nam, trong đó có tranh dân gian, là đang gặp thách thức lớn về đầu ra. Thế hệ nghệ nhân có năng lực chạm khắc càng ngày càng ít đi, số người chạm khắc bản mới rất ít, nguyên liệu làm tranh ngày càng hiếm. “Hiện nay ở làng Đông Hồ chỉ còn 3 gia đình các nghệ nhân say mê với nghề và chỉ có 34 người. Nghề làm tranh có những bí quyết, nhiều công đoạn, không phải mở lớp là đào tạo ra được lớp kế cận”, GS Nguyễn Quang Thanh cho biết.
Tuy nhiên, gần đây nghề làm tranh đã nhận được sự quan tâm của tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ lên tới 91 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2018 – 2020. Theo đó, Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ và xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) với diện tích sử dụng đất 19.282m2, gồm nhà truyền thống, nhà giới thiệu quy trình làm tranh, tu bổ nhà thờ, mở lại chợ tranh ngay tại đình... Nghệ nhân tranh dân gian cũng tự thân vận động tham gia hội chợ, triển lãm trên toàn quốc... Nhờ đó, khách du lịch trong và ngoài nước đến làng tranh ngày một tăng lên.
“Tháng 12 năm nay, hồ sơ sẽ trình ra Hội đồng di sản quốc gia thẩm định, xét duyệt, trước khi hoàn thiện và trình lên Thủ tướng. Tuy nhiên, hồ sơ này hiện đang phải “xếp hàng”, bởi tháng 12 năm nay, UNESCO sẽ bỏ phiếu cho hồ sơ Then Tày, Nùng, Thái; tháng 12.2020 là Nghệ thuật Xoè Thái; rồi Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm; sau đó mới đến Tranh dân gian Đông Hồ”, GS.TS Nguyễn Thanh Quang cho biết. Hy vọng, với sự nhận thức rõ giá trị của dòng tranh dân gian Đông Hồ, sự quan tâm của nhà nước, giới nghiên cứu và nỗ lực của các nghệ nhân, nếu được UNESCO ghi danh thì tranh Đông Hồ có thể vượt qua tình trạng “ốm yếu”, phục hồi và phát triển mạnh mẽ, khẳng định được giá trị và sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống.
Nguyễn Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất