22/01/2023 17:35 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Mỗi khoảnh khắc đều là duy nhất, và ta cần phải biết trân quý điều đó, bởi thời gian không lặp lại.
Nhật Bản có đầy đủ các mùa. Và nền văn hóa Nhật Bản cũng đặc biệt hòa hợp không chỉ với các mùa, mà còn với sự chuyển tiếp giữa chúng. Ngoài ra, các mùa ở đây không chỉ đơn thuần là 4 mùa xuân, hạ, thu, đông theo tự nhiên, mà còn là mùa của lễ hội, mùa của văn hóa.
Ở khắp nơi trên thế giới, người ta vẫn thường đánh dấu các mốc thời gian bằng các sự kiện, nghi thức và nghi lễ. Và có lẽ Nhật Bản là nơi thể hiện điều này rõ ràng nhất.
Người Nhật đón nhận các ngày lễ từ phương Tây như Halloween và Giáng sinh — nhưng biến chúng thành một phiên bản Nhật với những ý nghĩa hoàn toàn khác.
Ở Nhật, Giáng sinh là dịp dành cho những cặp đôi yêu nhau, chứ không phải gia đình, và đối với những gia đình nào vẫn ăn mừng dịp lễ này, thì gà rán là món ăn được ưu tiên, chứ không phải gà tây hay thịt nướng.
Nhật Bản cũng có những nghi lễ và truyền thống cổ xưa đã được truyền qua nhiều thế kỷ. Lấy ví dụ, ngày thứ Hai thứ hai của năm mới - Seijin-no-hi - thường được gọi là Ngày trưởng thành. Đó là ngày chúc mừng cho những thanh niên bước sang tuổi 20 - những người trưởng thành một cách chính thức và hợp pháp.
Những bữa tiệc liên miên và những cuộc ăn chơi (bounenkai (忘年会)), kéo dài đến Giáng sinh, sau đó là năm mới, và tiếp theo là shinnenkai (新年会) là những dịp linh đình khiến người dân Nhật Bản chìm trong cảm giác hạnh phúc.
Ai cũng ước tiệc tùng mãi mãi và không cần phải quay lại làm việc. Nhưng điều này rõ ràng là bất khả thi.
Mỗi năm mới cũng đến với một cảm giác buồn vui lẫn lộn sâu sắc. Bởi khoảnh khắc này là duy nhất, không bao giờ trở lại, là lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng thời gian sẽ không ngừng trôi; mỗi chúng ta đều đang già đi với mỗi Ōshogatsu (Ngày đầu năm mới) trôi qua và cho đến một ngày, ta sẽ không còn thời gian nữa.
"Ichi-go, Ichi-e" (一期一会)
Câu thành ngữ Nhật Bản truyền đạt lời răn dạy rằng mỗi khoảnh khắc đều quý giá. Câu này không thể dịch từng chữ, mà phải nắm bắt đại ý bên trong.
Nghĩa đen của câu là "mỗi thời điểm, một lần gặp gỡ", cụm từ này nhấn mạnh một cách sâu sắc rằng mỗi cuộc tụ họp và gặp gỡ— dù chỉ thoáng qua — cũng là duy nhất, và do đó rất quý giá.
Bài học mà câu thành ngữ muốn truyền đạt chính là: hãy trân trọng từng khoảnh khắc, và trân quý mọi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời, bởi vì những khoảnh khắc đó sẽ không bao giờ lặp lại.
Câu thành ngữ này có thể bắt nguồn từ trà sư Sen no Rikyū, nhân vật quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất trong trà đạo Nhật Bản. Không có gì ngạc nhiên khi triết lý làm nền tảng cho thành ngữ này cũng được thể hiện đầy đủ trong trà đạo.
Bên cạnh các yếu tố nghi thức và tính trang trọng của trà đạo, mỗi dịp thưởng trà đều là duy nhất — những người thưởng trà có thể khác, sự tương tác cũng khác, vị trí chỗ ngồi khác, thời gian và mùa khác, v.v.
Khi bước qua cánh cửa nhỏ ngăn cách bên ngoài với bên trong phòng trà (chashitu (茶室)), mọi người đều sẽ trở nên bình đẳng – kể cả các lãnh chúa samurai thù địch nhau cũng sẽ gác kiếm sang một bên để thưởng thức trà, dù rằng khi tiệc trà kết thúc và khi bước ra khỏi căn phòng, họ có thể lại tiếp tục chiến đấu với nhau.
Câu thành ngữ gợi cho ta một cảm giác chân thực về tính phù du của đời người. Mỗi khoảnh khắc trôi qua đều giống như một hạt cát trong đụn cát thời gian luôn biến động.
Và chúng ta chỉ là những hành khách lướt qua đám mây, để quan sát mọi khoảnh khắc, từ đầu đến cuối.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất