Ngày cuối cùng của máy bay “cánh cụp cánh xòe” F-111

25/11/2010 11:53 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Căn cứ Amberley thuộc Không lực Hoàng gia Australia (RAAF), nằm ở phía Tây Brisbane, là nơi có phi đội máy bay chiến đấu F-111 cuối cùng trên thế giới còn hoạt động. Tuy nhiên chuyện này sẽ không kéo dài lâu bởi Australia vừa công bố kế hoạch cho những chiếc máy bay “cánh cụp cánh xòe” này về hưu.

Trong vòng 37 năm qua, chiếc máy bay F-111 đã là một phần trong kho vũ khí phòng thủ của Australia. Nhưng hôm 24/11, RAAF đã tổ chức họp báo ở Amberley để thông báo kế hoạch đưa chúng ra khỏi kho trang bị.

“Nghỉ hưu” sau hơn 4 thập niên hoạt động

Trong số những người tham gia sự kiện có chỉ huy phi đội Micka Gray, người đã bay những chiếc F-111 trong 2 thập niên. “Tôi đã bay F-111 suốt 22 năm nhưng còn có những người còn bay chúng trước tôi tới cả 20 năm. 4 thập niên hoạt động trong không lực Australia là một thành tích rất đáng nể” - ông nói.


Bốn chiếc F-111 thuộc RAAF biểu diễn bay đội hình

Quyết định mua sắm những chiếc F- 111 được coi là một trong những thương vụ mua sắm quốc phòng quan trọng nhất của Australia. Chính phủ Australia quyết định đặt mua 24 chiếc F-111C vào năm 1963 để thay thế cho những chiếc Electric Canberra trong vai trò máy bay ném bom và tấn công chiến thuật. Trong khi chiếc F- 111 đầu tiên được chuyển giao vào năm 1968, các vấn đề liên quan tới tính ổn định của cấu trúc máy bay đã trì hoãn việc đưa chúng vào biên chế chiến đấu RAAF cho tới tận năm 1973. Những chiếc F-4 Phantom II của Không lực Mỹ đã được chuyển tới cho Australia dùng tạm trong thời gian chờ khắc phục sự cố. 4 mẫu F-111C sau đó được Australia biến đổi thành RF-111C để phục vụ hoạt động trinh sát.

Kể từ khi ra mắt, những chiếc F-111 Australia đã được Phi đội 1 và Phi đội 6 của RAAF điều hành. Chúng được gọi thân mật là “con lợn” bay ở đây. Trong lịch sử mấy chục năm hoạt động tại Australia, F- 111 ít khi được huy động tham gia chiến đấu. Hồi năm 2006, chỉ một chiếc F-111 được lệnh xuất kích để tấn công con tàu mang tên Pong Su, bị bắt giữ do có liên quan tới một vụ buôn bán ma túy vào Australia. Con tàu này đã bị đánh chìm bởi 2 quả bom GBU-10 Paveway II do laser dẫn đường.  

Chiếc máy bay tiên phong về công nghệ

F-111 “Aardvark” (Lợn đất) là một chiếc máy bay ném bom và tấn công chiến thuật tầm trung do hãng General Dynamics sản xuất. Nó cũng đóng vai trò máy bay ném bom chiến lược, trinh sát và tổ chức chiến tranh điện tử. F-111 ra đời sau chương trình TFX nhằm chế tạo một chiếc máy bay với khả năng không kích, cường kích vượt trội.

Mô hình chiếc F-111A đầu tiên được trình làng vào năm 1963. Chiếc máy bay F-111A hoàn chỉnh đầu tiên rời khỏi xưởng sản xuất của General Dynamics vào tháng 10/1964 với các đặc điểm: thân dài 22,4m; sải cánh lúc “xòe” rộng 19,2m, lúc “cụp” 9,47m; chiều cao 5,52m; trọng lượng rỗng 20,9 tấn, trọng lượng cực đại 41,5 tấn.


F-111 thể hiện khả năng ném bom

F-111 đạt tốc độ bay Mach 1.3 (nhanh hơn 1,3 lần âm thanh, tương đương 1.380km/h) vào tháng 2/1965. Chiếc máy bay được đi vào sản xuất hàng loạt và những chiếc đầu tiên được bàn giao vào năm 1967. Việc sản xuất chỉ ngừng lại vào năm 1976, với tổng cộng 563 biến thể khác nhau của F-111 được sản xuất.

Khi ra mắt, F-111 thực sự là một chiếc máy bay hết sức hiện đại. Nó có khả năng tham chiến trong mọi điều kiện thời tiết, có thể bay thấp vượt qua lưới phòng không dày đặc của đối phương để ném bom vào mục tiêu. Mẫu F-111 có nhiều công nghệ tiên tiến như “cánh cụp cánh xòe”, khoang giấu vũ khí nằm trong thân và một khoang lái với 2 ghế phi công nằm song song với nhau. Khoang lái là một phần của hệ thống cứu nạn, có thể bảo vệ tính mạng phi công trong trường hợp máy bay trúng đạn.

Phần lớn mẫu F-111 có hệ thống ra đa địa hình gắn với hệ thống bay tự động để phục vụ cho các chuyến bay thấp vào lãnh thổ đối phương. Máy bay được cấp năng lượng bằng 2 động cơ phản lực turbofan Pratt & Whitney TF30 với chế độ đốt hậu. Cần biết rằng cánh cụp cánh xòe, khoang cứu nạn, ra đa địa hình, động cơ turbofan đốt hậu đều là công nghệ mới với các máy bay chiến đấu khi đó. Các công nghệ tiên tiến này sau đó đã được dùng cho rất nhiều đời máy bay của cả Nga và Mỹ.

F-111 được trang bị một khoang vũ khí bên trong thân, có thể lắp pháo M61 dùng đạn 20mm với băng đạn 2.084 viên. Khoang chứa của F-111 có thể chứa 2 quả bom M117 nặng 340kg, một quả bom nguyên tử hoặc các loại bom thông thường. Nó cũng có thể mang theo tên lửa không đối đất AGM-69 SRAM mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa đối không AIM- 54 hoặc tên lửa đối không tầm ngắn AIM- 9 Sidewinder. Riêng bản F-111C của Australia đã được thay đổi để có thể bắn các tên lửa đối hạm AGM-84 Harpoon và tên lửa AGM-142 Popeye.

Người kế nhiệm F-35

Được biết RAAF đã có kế hoạch tổ chức hàng loạt sự kiện để đánh dấu sự ra đi của F-111. Một trong số đó là việc những chiếc F-111 thuộc Phi đội 6 cất cánh lần cuối vào ngày 3/12 và sẽ bay ngang qua các bang Queensland, New South Wales. Theo sau đó, 4 trong số những chiếc máy bay sẽ được trưng bày vĩnh viễn. 1 chiếc sẽ được đưa tới Căn cứ Edinburgh ở Adelaide, 1 chiếc mang qua viện bảo tàng RAAF ở Point Cook, Victoria và 2 chiếc sẽ ở lại Amberley.

Thế chỗ cho F-111 là 24 chiếc F/A- 18F Super Hornet với khả năng chiến đấu tốt hơn. Australia sẽ sử dụng những chiếc máy bay này như giải pháp thay thế tạm trong thời gian chờ mua những chiếc F-35 Lightning II hiện đại hơn.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm