Dùng “điện giật” trị nghiện Internet là quá hà khắc?

01/06/2009 13:27 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ở Trung Quốc có không ít thanh thiếu niên bị “dụ” tới bệnh viện để bác sĩ dùng “điện giật” trị bệnh nghiện Internet. Một số tờ báo nước này đặt câu hỏi có nhất thiết phải dùng liệu pháp hà khắc như vậy không, khi nó có thể để lại những di chứng cả về thể xác lẫn tinh thần cho người bị điều trị?

Ở Trung Quốc, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên “bỏ ăn, bỏ ngủ” ngồi lì trước màn hình máy tính để lướt mạng hoặc chơi game trực tuyến. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng với 3 triệu thuê bao hòa mạng, Trung Quốc chắc chắn là một trong những nước dẫn đầu thế giới về số người nghiện Internet. Có nguồn ước tính con số này ở Trung Quốc là khoảng 2 triệu người. Việc chưa thể xác định được số lượng bệnh nhân cụ thể là do chưa có một định nghĩa rõ ràng về việc một người lên mạng bao nhiêu tiếng đồng hồ trong ngày thì bị xếp vào diện “Internet Junkie” (người nghiện Internet).


Ở Trung Quốc ngày càng có nhiều thanh thiếu niên nghiện Internet

Có một số trẻ em chống trả quyết liệt khi người lớn bắt chúng phải rời khỏi màn hình máy tính. Chính vì vậy không ít bậc cha mẹ phải nhờ cậy đến liệu pháp “sốc” và nhiều biện pháp cực đoan khác để giải thoát con cái khỏi “căn bệnh thời đại” này, trong đó có “liệu pháp xung điện”.

Người hùng chống nghiện Internet

Suốt một thời gian dài, bác sĩ Dương Vĩnh Tín, 46 tuổi, ở Bệnh viện Nhân dân số 4 tại Lân Nghi, tỉnh Sơn Đông được báo chí Trung Quốc ca ngợi như một người hùng trong cuộc chiến chống nghiện Internet, vì ông đã áp dụng một cách có “hiệu quả” liệu pháp xung điện (thực chất là “điện giật”). Theo liệu pháp này, người ta đấu điện cực vào thái dương hoặc ngón tay của “con nghiện” và sau đó dùng dòng điện có cường độ từ 1-5 miliampe gây giật để kích thích não bộ. Đây vốn là một phương pháp trị liệu tâm lý và tạo ra phản xạ có điều kiện. Khi “con nghiện” muốn chơi game, ngay lập tức phản xạ có điều kiện tác động lên não bộ và khiến cho người bệnh có cảm giác đau đớn, chán chường, không còn ham muốn chơi game nữa.


Chuyên gia Dương Vĩnh Tín

Cho tới nay riêng bác sĩ Dương Vĩnh Tín, người liên tục cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng nghiện Internet là căn bệnh gây nguy hiểm cho trật tự xã hội và giống nòi, đã điều trị cho khoảng 3.000 thanh thiếu niên bằng liệu pháp như vậy.

Phản ứng đảo chiều

Nhưng gần đây ngày càng có nhiều ý kiến nghi ngờ liệu pháp xung điện của Dương Vĩnh Tín vì cho rằng nó quá hà khắc, nhất là nó là một trị liệu pháp chưa hề được kiểm chứng. Tờ Thanh niên Trung Quốc đặt câu hỏi: “Ai dám đảm bảo rằng nhưng cú điện giật này không để lại những hậu quả nghiêm trọng ở trẻ em?”.

Ý kiến chung cho rằng vì trị liệu pháp này chưa được kiểm chứng về mặt khoa học, nên nó cần được giám sát chặt chẽ và bác sĩ cần thông báo qua cho cả người nhà lẫn bệnh nhân về cách thức chữa trị, chỉ khi nào họ đồng ý mới được tiến hành.

Nhưng trong thực tế tới nay, đa số bệnh nhân điều trị theo liệu pháp này đều là bị cưỡng ép. Một nhà báo viết bài phóng sự về cách chữa bệnh của Dương Vĩnh Tín cho biết khi anh ta đến Bệnh viện Nhân dân số 4 tại Lân Nghi thì ở đó đang có gần 100 “con nghiện Internet” được điều trị, hầu hết bị ép buộc: Các em được bố mẹ “dụ” đến bệnh viện với lý do để kiểm tra sức khỏe. Đến đấy chúng được đưa ngay vào phòng 13 và bị xử lý xung điện cho tới khi buộc phải ký tên vào "đơn tình nguyện” xin chữa trị.

Theo phóng sự nói trên, trong số này có một cậu bé 17 tuổi tên là Teng Fei, chỉ sau nửa tiếng bị dí điện đã phải xin ký ngay vào “đơn tình nguyện”. Cậu bé này dù sao cũng gặp may: Chỉ sau một tháng rưỡi, bố của cậu đã nhận ra việc để các bác sĩ hành hạ con trai mình bằng “điện giật” là sai lầm và vội vàng yêu cầu ngưng cuộc điều trị. Dù sao Teng Fei cũng đã phải trải qua 7 đợt chịu các cú “điện giật”. Còn cha mẹ cậu phải trả tổng cộng 20.000 NDT (xấp xỉ 3.000 USD) gồm 15.000 NDT “viện phí” cộng với 5.000 NDT tiền phạt vì “phá vỡ hợp đồng” - một khoản tiền tương đương nhiều tháng lương của họ.

Lợi bất cập hại?

Bác sĩ Dương Vĩnh Tín đã lên tiếng tiếng bác bỏ tin tức đăng trên tờ Thanh niên Trung Quốc là “sai sự thật”. Mặc dù thừa nhận liệu pháp “điện giật” có gây ra đôi chút đau đớn cho “con nghiện”, nhưng ông ta quả quyết rằng dòng điện cực nhỏ từ 1-5 miliampe không hề gây hại cho sức khỏe.

Nhưng không ít chuyên gia vẫn cho rằng đây là một liệu pháp sốc theo kiểu “trừng phạt”; nó có thể chữa được chứng nghiện Internet, nhưng cũng gây tổn thương lớn cho trẻ em về cả thể xác lẫn tinh thần.

Dù sao bác sĩ Dương Vĩnh Tín cũng đã điều trị hơn 3.000 trẻ em và qua đó đã kiếm được cả đống tiền. Trước việc báo chí liên tục báo động về bệnh nghiện Internet như là “căn bệnh thế kỷ”, thời gian qua đã có hàng trăm “bệnh viện chuyên khoa” chữa trị bệnh này - bằng liệu pháp xung điện hoặc các biện pháp hà khắc khác - đã ra đời ở Trung Quốc. Trong khi các bệnh viện nhanh chóng giàu to, có nơi thu nhiều triệu NDT mỗi năm, thì “đám trẻ vị thành niên mắc chứng sợ hãi kinh niên và ác mộng tâm lý”, một chuyên gia lo ngại viết.
 
Minh Bích

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm