Ngăn 'xe điên' đe dọa tính mạng người dân

07/03/2016 18:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, cướp đi mạng sống của nhiều người mà nguyên nhân gây ra là những chiếc "xe điên". Người điều khiển những chiếc xe đó đã không làm chủ được tốc độ, coi thường tính mạng người khác, dẫn đến những hậu quả đau lòng.

* "Hung thần ba không"

"Xe điên" là cụm từ người dân gọi những chiếc xe gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian vừa qua trên địa bàn Thủ đô. Chiếc xe là một vật vô tri vô giác nhưng lại bị gắn với tên "xe điên". Thực tế, chiếc xe không... điên mà chỉ có người điều khiển nó đang coi thường việc đảm bảo an toàn giao thông, đe dọa tính mạng của người đi đường.

Vụ tai nạn thương tâm xảy ra chiều 3/3 trên đường Hồng Hà, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), một người không có bằng lái, làm nhiệm vụ trông giữ xe đã lên xe của người gửi bật khóa điện, chiếc xe bất ngờ lao đi đã cướp đi hai mạng của một người già và một trẻ em.


Hiện trường vụ tai nạn do chiếc ô tô mất lái gây ra tại đường Hồng Hà chiều 3/3. Ảnh: TTXVN

Trước đó, tại đường Ái Mộ, quận Long Biên (Hà Nội) cũng đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Khoảng 7h30 ngày 29/2, xe Camry biển số 29A - 866.23 chạy tốc độ cao trên tuyến đường trên đã đâm vào xe máy của hai ông cháu, rồi đâm tiếp vào một phụ nữ đang đi bộ trên đường. Vụ tai nạn này đã khiến 3 người tử vong.

Theo thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra quận Long Biên, người lái chiếc Camry gây tai nạn được xác định là Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 1977. Vinh điều khiển phương tiện mà không có bằng lái và trong tình trạng vừa sử dụng chất kích thích.

Hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra tại Hà Nội cho thấy, những người điều khiển phương tiện đều ở tình trạng "ba không": không bằng lái, không phải là chủ xe và không cả đạo đức người lái xe.

* Nguyên nhân do đâu?

Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay có một số bộ phận người tham gia giao thông vẫn xem thường pháp luật. Nhiều người, hễ vi phạm giao thông là nhờ sự trợ giúp của người thân.

Phân tích nguyên nhân về sự nhờn luật, "sống ngoài" pháp luật này, có ý kiến cho rằng: Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của xã hội; chế tài xử lý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa quyết liệt, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh.

Ngoài ra, khâu đào tạo, cấp giấy phép lái xe còn dễ dãi. Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, người dân không khó khi mua một chiếc xe hơi, nhưng để có một tấm bằng lái xe thì vô cùng gian nan. Họ phải học và thi qua nhiều vòng sát hạch nghiêm túc. Còn ở nước ta, có người chỉ quan tâm làm sao có đủ kinh phí mua xe, còn để có bằng lái, có người chỉ cần nộp hồ sơ, đến ngày theo quy định là có một tấm bằng... xịn, còn trong thực tế có điều khiển được phương tiện thành thạo hay không lại là chuyện khác.

Khi thực hành cũng như học lý thuyết lái xe, đôi khi cả thầy và trò đều tìm cách rút ngắn thời gian quy định. Khi điều khiển phương tiện trên đường, có trường hợp còn vừa nhắn tin, điện thoại, không cần biết rằng đường phố đang đông đúc, chỉ cần đánh nửa vòng tay lái đã có thể cướp đi mạng người. Rõ ràng, lái xe như thế là coi thường tính mạng của người khác .

Theo tổ chức JICA Nhật Bản, có tới 90% số vụ tai nạn giao thông xảy ra không phải tại cơ sở hạ tầng mà do lỗi con người. Còn Ban an toàn Giao thông quốc gia cho biết, chỉ trong hai tháng tính từ 16/12/2015 đến 15/2/2016, toàn quốc đã xảy ra 3.618 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.590 người, làm bị thương 3.367 người.

Những con số trên cho thấy, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông đã ở mức báo động. Chúng ta đã có luật cùng nhiều chế tài, quy định xử phạt nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Thế nhưng, tai nạn giao thông vẫn chưa giảm. Rõ ràng, vấn đề ở đây là ý thức chấp hành luật của người điều khiển phương tiện giao thông chưa cao.

Tất cả mọi người cần thực sự sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, cần tuân thủ nghiêm các quy định khi tham gia giao thông, có như vậy, an toàn giao thông mới được đảm bảo, hạn chế được tình trạng "xe điên" rình rập mọi người.

Mạnh Khánh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm