Ngàn lẻ cái chuyện phong bì

23/03/2010 07:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - “Khi Người thấy cảnh dân chúng đòi ném đá một người đàn bà phạm tội ngoại tình. Người nhặt một hòn đá lên và bảo, ai tự cho rằng mình là trong sạch thì hãy cầm lấy hòn đá này mà ném người đàn bà kia trước đi. Nghe Người nói vậy, dân chúng liền tản đi”.

Nói về nạn “phong bì”, một biểu hiện vi tế của nạn tham nhũng, hối lộ, tôi bỗng nhớ đến dụ ngôn nói trên.

Hãy nhặt lên một hòn đá

Trong khi nhiều người - nhất là các nhà báo - phẫn nộ và cho rằng nghề mình đã bị xúc phạm, bôi xấu khi các nhà làm phim thể hiện chi tiết nhà báo đòi phong bì thì người viết bài này tự nghĩ, nếu mình sống vào thời Cựu ước, tất không dám cầm hòn đá ném vào người đàn bà ngoại tình kia, còn sống trong thời này cũng không cao giọng phê phán bộ phim kia, bởi không dám tự nhận là mình trong sạch trong chuyện phong bì.


Phong bì kèm với tài liệu.
Tôi không rõ có điều khoản nào trong pháp luật cấm tiệt nhận phong bì “bồi dưỡng” trong các buổi hội họp hay không, phong bì cỡ bao nhiêu thì bị coi là đưa và nhận hối lộ, nhưng tôi có thể cam đoan rằng kể cả trong những buổi họp của nhiều (không dám nói là tất cả) các Bộ ban ngành của Nhà nước hẳn hoi, cũng không thiếu được khoản phong bì cho đại biểu. Công khai hẳn hoi, ký sổ đàng hoàng, từ đại biểu lớn đến người đi dự ké đều có phần.

Một số nghề nghiệp, trong đó có nghề báo là dính líu nhiều nhất đến hội họp thì đương nhiên cũng dính líu nhiều nhất đến phong bì. Đó là một thứ “lộc rơi lộc vãi” nhưng khá đều đặn, tính tổng cộng hàng tháng cũng thành một khoản kha khá, ổn định như lương Nhà nước và gia tăng tùy theo mức độ anh “thâm canh” qua các buổi hội họp. Cũng như giá cả thị trường, “đẳng cấp” của buổi hội họp quyết định “trọng lượng” của cái phong bì, tất nhiên có tính thêm mặt bằng giá cả chung. Ví dụ phong bì họp báo ở TP.HCM thì thường cao hơn ở Hà Nội. Cũng buổi họp báo đó, nhưng khi dời ra Hà Nội tổ chức lần nữa, BTC thể nào cũng “đao” (giảm) giá phong bì xuống cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Phong bì họp ở sở này sở nọ thường khoảng 50 ngàn (có nơi vẫn “bèo” ở mức 20-30 ngàn, giở ra mấy tờ mười ngàn mà bật cười), gần đây đã nhích lên khoảng 100. Nghe nói ở TP.HCM, mức phong bì họp báo bèo nhất cũng 200-300 ngàn từ lâu. Phong bì do các công ty tổ chức sự kiện ca nhạc giải trí thì phải 500 ngàn, hình như đúng bằng mức hối lộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghĩ thì sợ nhưng cầm thì sướng run cả người, gần bằng một tháng lương cơ bản rồi còn gì? Những người “sành” hội họp thì nhìn đơn vị tổ chức và đẳng cấp sự kiện có thể đoán ngay ra trọng lượng của phong bì. Giang hồ còn đồn nhiều chuyện nghệ sĩ, đại gia nọ, chuyên “phong bì” trực tiếp cho nhà báo bằng tiền tươi, rút ra trong ví. Chính thế lại hóa hay, tiền riêng của người ta - tính vào chi phí tổ chức sự kiện hay hội họp - người ta cho ai là quyền của người ta chứ? Còn hơn là để cảnh không ít đại biểu không nén được hồi hộp vừa họp vừa… thò tay xuống ngăn bàn hay cặp sách để bóc phong bì, kiểm tra xem trong túi mình lộc rơi lộc vãi được bao nhiêu?

Vừa là tòng phạm vừa là nạn nhân

Xét cho cùng, nhà báo cũng chỉ là nạn nhân - nạn nhân của một thói tục không biết hình thành từ bao giờ, mà cả hai bên đều ra sức củng cố, bồi đắp. Một bên thì muốn đưa phong bì để bồi dưỡng, một hình thức mua diện tích tin được đăng lên mặt báo (thì cũng như là chi phí đăng quảng cáo hay tin PR thôi), một bên thì có thêm đồng ra đồng vào. Chính vì thế, BTC các sự kiện, các buổi hội họp đều tỏ ra chu đáo trong khoản phong bì (nhiều khi đến phát ngượng). Thường thì họ bố trí một bàn đón tiếp ở ngoài sảnh, khách vào trình giấy mời sẽ được nhận tài liệu, kèm theo phong bì (bỏ vào sau) và yêu cầu ký tá vào giấy tờ để ban lễ tân còn “quyết toán”. Cái phong bì ở đáy tập tài liệu, dù ai cũng có một cái y hệt như nhau, nhưng bản chất con người là e thẹn trước cái không “tế nhị”, nên khi đại biểu vào hội họp, giở tài liệu ra mặt bàn thường kín đáo kẹp lại nó vào giữa để không quá lộ liễu. Ai cũng muốn để cho khuất mắt một chút.

Nhưng cũng có BTC lại muốn cho chu đáo hơn. Chờ cho đại biểu ổn định vị trí xong, người của BTC mới cầm danh sách đi đến từng người (hỏi tên, hoặc đề nghị tự viết tên vào sổ) sau đó cầm phong bì phát tận tay cho đại biểu. Đại biểu nửa mừng, nửa thẹn giơ tay nhận lấy (không lấy thì người ta lại bảo mình làm bộ. Vả lại cuộc họp đã bắt đầu, ai cũng muốn thủ tục tốt đẹp này kết thúc cho nhanh, để còn đến lượt người kế tiếp). Nhiều đại biểu đến dự họp, lấy phong bì rồi chuồn ngay, gọi là đi gặt trên cánh đồng mà mình không cần gieo hạt. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Tôi nhớ có một cuộc họp diễn ra lâu lâu rồi, đại diện BTC đứng lên thông báo khi buổi họp mới bắt đầu là chúng tôi quyết định phát phong bì và “quà” vào cuối buổi họp để… giữ chân đại biểu. Khách quý, ai cũng cười méo cả miệng.

Ai dám “không” với phong bì?

Đám tang ở quê có lệ thưởng tiền cho phường bát âm. Bạn bè, đồng nghiệp hay ruột rà thân thích với người quá cố, muốn có vài lời bày tỏ lòng thương xót, chỉ việc bỏ vào chiếu chỗ mấy ông phường kèn ngồi độ dăm ba ngàn (có vùng quê nghèo vẫn thưởng có 500đ) thế là lạ kỳ chưa, ông lão kéo nhị đang ngồi lử cò bợ một góc, bác phường kèn đang thổi gật gà gật gù như hụt hơi…tất cả bỗng như choàng tỉnh. Kèn thổi rống lên đến mức người chết cũng muốn nhỏm dậy, thanh la, não bạt lung tung xoèng. Được một lát, khi “hơi tiền” hết tác dụng, thì mọi thứ lại nhỏ dần, nhỏ dần như cũ thậm chí bặt hẳn, cho đến khi một món tiền thưởng mới được bỏ vào.

Có thể người ta chi phong bì để được viết thuê cũng từa tựa như việc thướng tiền cho phường bát âm khóc mướn trong câu chuyện trên. Phong bì càng dày, thì bài báo lên càng “hoành tráng”, viết càng lâm li bi đát? Không phong bì thì một cái tin lên cũng khó!

Có thể trong nhiều trường hợp việc phong bì, phong bao cần phải lên án cả hai phía, nhất là trong những trường hợp mà trọng lượng phong bì đã cấu thành tội đưa và nhận hối lộ, chứ không đơn thuần là chuyện trả “thù lao” cho người dự họp nữa. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp những người đứng đắn bị bất đắc dĩ phải nhận phong bì. Nếu nói người đứng đắn ấy chê tiền thì không đúng. Nhưng một vài trăm bây giờ đối với nhiều “đại biểu” cũng chẳng đáng gì. Cầm vào cho mang nợ. Song nếu anh đã trót có mặt tại buổi hội họp hay buổi làm việc rồi thì hình như không thể từ chối phong bì. Anh càng chối, khổ chủ càng tưởng là anh chảnh hay có ý đồ gì, càng tha thiết, khẩn khoản, van lơn…Thôi kính chả bõ phiền, nhận đại đi cho xong việc, bụng bảo dạ cũng có phải tiền riêng của cái đứa đưa đưa phong bì đâu? Của sếp nó hay của…nhà nước đấy chứ? Cái lệ bất thành văn trong việc đưa phong bì phong bao càng có cơ phát triển.

Trong chuyện họp báo cũng thế, không ai quy định, nhưng gần như đương nhiên là cứ họp báo là BTC phải chuẩn bị phong bì cho nhà báo đến dự. Có lần tôi thử thắc mắc hỏi BTC một cuộc họp báo là tại sao anh cứ phải phong bì hai trăm, anh thử để phong bì một trăm xem có ai thắc mắc không? Tiến tới anh thử không đưa phong bì xem sao? Người ta gật gù, nhưng rốt cục không dám thử. Sự kiện chuẩn bị cả năm, khi tổ chức tiếc gì dăm ba triệu tiền phong bì mà không đưa cho đại biểu hài lòng? Lại có chuyện bi hài mà chính người viết bài này phải chịu trận ấy là có một lần nhận được cú điện thoại mời đến dự họp báo một chương trình khuyến học. Sau một hồi quanh co, người của BTC ở bên kia đầu dây nói thật rằng, rất trân trọng mời nhà báo đến, nhưng nói thật là do điều kiện kinh phí có hạn, chúng tôi cũng rất xin lỗi là không chuẩn bị được “quà” cho các đại biểu, nên mong được thông cảm trước. Nghe giọng thật thà nên không nỡ bực mình, nhưng gác máy xuống mà chạnh buồn, chả nhẽ người ta nghĩ không có phong bì là có lỗi? Lúc đó tôi đã đinh ninh là thể nào cũng phải đến dự cuộc họp đó để có dịp thanh minh với người mời mình. Nhưng vì chương trình đó nội dung không thật sự nổi bật, cuối cùng tôi không thể sắp xếp thời gian để đến dự. Bây giờ ngẫm lại mới thấy hơi áy náy, biết đâu cái người mời mình hôm ấy thấy mình không đến lại cho rằng vì biết không có phong bì nên không mời được khách?


Một lần phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Huy hồi ông còn là Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Vị giáo sư khả kính này đã rất tự hào mà nói rằng, chương trình của bảo tàng hết sức phong phú, đa dạng, liên tục có Thông cáo báo chí gửi đi, và cũng được báo chí đưa tin viết bài rất đều đặn. Nhưng chưa bao giờ phải “phong bì” phong bao cho các cuộc họp báo. Cứ chuẩn bị chương trình cả quý cả năm, soạn Thông cáo báo chí chi tiết rồi nhấn nút send trên máy tính gửi đồng loạt cho các phóng viên quen thuộc qua email là… xong.

Ông đã nói đúng và làm đúng. Cho đến tận bây giờ Bảo tàng này vẫn làm như vậy. Còn các tổ chức nước ngoài mà tôi có trò chuyện thì thường tỏ ra rất ngạc nhiên khi nghe nói đến “tục lệ” phong bao phong bì trong họp báo hay hội họp ở ta. Với họ chẳng những đó là điều phi lý mà còn là biểu hiện của tham nhũng, hối lộ, cho nên kinh phí hội họp họ đặt buffet cho bằng hết chứ một đồng gửi trao tay họ không bao giờ làm. Họ đã nói không với phong bì, cũng như nói không với hối lộ, tham nhũng.

Ngày nay, ngày càng có nhiều cơ quan tổ chức nói không với phong bì. Nhưng không vì thế mà truyền thông Việt Nam không hào hứng với các hoạt động của họ. Phải thừa nhận là có nhiều đại biểu hay nhà báo hám phong bì, nhưng chắc chắn không phải là tất cả. Và chắc chắn rằng nếu ngay từ bây giờ, trước tiên nếu các cơ quan Nhà nước “nói không” với phong bì trong các buổi họp báo, tổng kết hay giới thiệu sự kiện, hoạt động, thì chắc chắn là những nhà báo chân chính, những tờ báo chân chính sẽ hưởng ứng. Thói tục hình thành do bắt chước và đua nhau. Can đảm xóa cái thói tục ấy đi giúp đỡ nhau thoát khỏi cái sự tham lam vặt vãnh từ cái phong bì làm yếu hèn phẩm giá con người đi.

Còn nếu không can đảm thì sao? Chừng nào các khoản “kinh phí hội họp” còn dễ dàng được quyết toán, thì tục lệ phong bì còn tồn tại và mang lại lợi cho tất cả mọi người. Nhưng bên cạnh đó, nếu để ý bạn sẽ thấy sẽ luôn có những người dần dà xa lánh hội họp, các buổi khai mạc, khai trương..., tự khép mình lại để giữ mình trước nạn phong bì tràn lan.

Tân Khanh

Kẻ “gây án” nói gì?

Là người “châm ngòi” cho vụ nổ mang tên cái phong bì, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ quan điểm của mình:

* Tại sao anh lại đưa chi tiết đòi phong bì vào phim?

- Bởi vì tôi gặp vài trường hợp như vậy rồi, thấy cũng khá hài hước. Tôi đưa lên phim cũng như các báo cũng hay có những mục “châm biếm” các ngành nghề khác khi có vài điều tiêu cực xảy ra.

* Anh có lường được phản ứng dữ dội của nhà báo hay không?

- Không. Tôi không nghĩ họ lại phản ứng đến vậy. Tôi chỉ nghĩ các nhà báo cũng giống như những người đọc báo khi đọc chuyện châm biếm hay biếm họa trên báo thường người ta chỉ thấy vui, hoặc người ta thấy nhột nhột nếu có liên quan đến mình chút xíu, chứ ít ai bức xúc quá về những thứ “phong long” châm biếm như vậy. Tôi cũng hơi bất ngờ khi lại có nhiều người “nhạy cảm” và ít “những người thích đùa” như vậy.

* Anh nghĩ gì về “văn hóa phong bì” ở Việt Nam trong cuộc sống hiện tại?

- Không thể nói là “văn hoá phong bì được” mà nên nói là “hiện tượng tiêu cực”. Vấn đề xảy ra có thể là nhuận bút viết báo quá thấp. Khi đời sống thấp và người ta không sống thoải mái bằng nghề được thì thường xảy ra tiêu cực và có những tiêu cực trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nên sinh ra việc có những người có khả năng, có lòng thì chán bỏ nghề, hoặc kiếm sống chỗ khác để “nuôi nghề chính”, hoặc nguy hiểm hơn là người ta chấp nhận sống tiêu cực, và nguy hiểm hơn nữa là người ta thấy “dĩ nhiên là phải vậy”.

Giống như thời gian trước, nghề làm phim với mức lương thấp quá cũng có hiện tượng ăn chặn tiền của các bộ phận, ăn chặn lương của diễn viên hay mua bán vai ở một số người. Lúc đó tôi thấy chán và kỳ quá, nghĩ không sống bằng nghề làm phim được nên kiếm sống chính bằng cách làm phim quảng cáo, clip ca nhạc, event… lấy ngắn nuôi dài để có thể sống được trong khoảng thời gian làm phim. Hai phim đầu tay của tôi là Con gà trốngHồn Trương Ba, da hàng thịt lúc đó tôi phải “cày show” để có thể sống và dự trữ đủ tiền để tập trung cho một thời gian dài làm phim mà không bị chi phối vì gánh nặng “làm sao để sống?”. Sau này may mắn có hãng phim tư nhân trả lương cao cho những người mà họ thấy quan trọng. Và giờ đây tôi sống một cách thoải mái bằng tiền lương đạo diễn mà không nhất thiết phải làm việc khác để nuôi nghề chính. Khi đủ sống bằng nghề nghiệp chính thì tôi được tập trung làm tốt công việc của mình hơn.

Tôi nghĩ báo chí cũng bắt đầu nên trả công xứng đáng cho những người làm tốt, để họ sống được một cách thoải mái từ đó có thể viết công tâm và có trách nhiệm với nghề, có thể trau dồi và tìm hiểu nhiều hơn vấn đề mà họ viết. Nếu một ngành nghề mà người ta đủ sống thoải mái, bằng đúng chuyên môn thì đầu vào của nghề đó cũng thu hút nhiều người có khả năng hơn.

Khi nói về tiền người ta thường có cảm giác thấy tầm thường. Tiền chẳng có tội gì cả, có tội hay không là cách kiếm ra nó.

Nhật Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm