01/12/2011 07:25 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH Cuối tuần) - Đề tài đồng tính, đã đến lúc, rất bình thường. Nó không còn gây tò mò với người đọc nữa. Nhiệm vụ của văn học là tạo ra những tác phẩm hay về những người đồng tính. Nếu chỉ đánh vào sự tò mò, thì nhà văn đã thất bại ngay từ khi bản thảo chưa hình thành.
Cuốn Một thế giới không có đàn bà tạo thành cơn sốt vì khi ấy mọi thứ còn lạ lẫm và đó là cuốn sách đầu tiên nói trực diện về những người đồng tính (dù sau đó những người biên tập đã hướng lái cho nhân vật lấy vợ để… hết đồng tính, một sự khiên cưỡng không chính xác). Sau này rất nhiều cuốn viết về đề tài này, đã không gây nên những hiệu ứng đặc biệt nữa. Đơn giản, vì lúc này, đề tài đồng tính đã trở thành chuyện bình thường trong xã hội, được xếp chung với tất cả những thể tài khác trong văn học. Đã đến lúc, đồng tính cũng phải chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt từ giá trị nhân văn của tác phẩm, tài năng của tác giả, chứ không được ưu ái bởi sự “tò mò”.
Xã hội hiện tại khá cởi mở với những người đồng tính. Tôi chưa thấy một ai đó bị cho nghỉ việc chỉ vì anh ta/cô ta đồng tính. Cũng chưa thấy tác phẩm hay phần trình diễn của một nghệ sĩ đồng tính nào bị tẩy chay. Thậm chí nó còn được đón nhận khá ấm áp. Tôi cho rằng, văn học viết về đề tài đồng tính cũng không gặp những trở ngại đáng kể nào trong việc tiếp cận công chúng, nếu nhìn ở thời điểm hiện tại. Vậy, vấn đề còn lại là, chúng ta viết như thế nào…
Khi đọc Những đống lửa trên vịnh Tây Tử, tôi có cảm giác như đang xem một bộ phim. Truyện của Trang Hạ thật nhiều hình ảnh. Và câu chuyện về tình yêu của một người đàn ông với một chàng trai trẻ, có gì đó tương thích với bộ phim Lan Yu (2001) của Stanley Kwan (Hong Kong). Phải vượt qua những rào cản, sự cấm kỵ bởi văn hóa truyền thống và vượt qua cả những mặc cảm của chính mình, họ bước vào tình yêu bí mật, nhiều hồi hộp, lắm lo âu, nhưng vẫn có những khoảnh khắc hạnh phúc như tình yêu trai gái.
Khi đọc Bầy thú bông của Quỳnh, tôi nhận ra được sự nhẹ nhàng của Trần Thùy Mai. Không lên gân câu chuyện với những thuyết giảng đạo đức, Trần Thùy Mai nhân văn ở chỗ, chị vẫn để cho hai cô gái đi với tình yêu của mình, mà không bắt họ phải quay lại trong một ý thức tội lỗi nào đó, dù chị cũng nói rằng đó là tình yêu… ngoại cỡ.
Một cuốn tiểu thuyết viết khá trực diện và có phần… trần trụi khi miêu tả về đời sống tình dục của những người đồng tính là Song song của Vũ Đình Giang. Nhưng, Song song không phải là cuốn sách viết về cuộc sống của những người đồng tính, mà tác giả muốn biểu đạt một lớp nghĩa khác ẩn sâu hơn, đó là sự tác động của bạo lực lên đời sống của con người. Và nó, theo tôi là cuốn sách hay nhất của Vũ Đình Giang tính đến thời điểm này…
Nếu nói một cách công bằng, chúng ta có khá nhiều các tác phẩm viết về đề tài đồng tính. Nhưng, tôi cảm thấy, dường như vẫn chưa có tác phẩm nào vượt hẳn khỏi giới hạn đề tài để chạm được vào tâm trí bạn đọc như một tác phẩm văn học gây sững sờ. Chân dung của những người đồng tính qua một số tự truyện có gì đó quá dữ dội, sống gấp gáp và yêu vội vàng. Còn qua tiểu thuyết, thì dường như tác giả hay lồng vào đó sự cảm thương thay cho số phận nhân vật.
Tôi không cho rằng, đề tài này sẽ kén người đọc, hoặc rất khó viết cho hấp dẫn. Có lẽ, các nhà văn cần bình tĩnh để viết về nó thấu đáo hơn chăng?
Bài kết: Ngắn dài văn chương đồng tính Việt Nam
Dương Bình Nguyên (nhà văn)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất