Ngẫm ngợi cuối tuần: Valentine bàn chuyện cưới xin xưa

16/02/2025 06:05 GMT+7 | Văn hoá

Có một lần đọc đâu đó cuộc trò chuyện giữa nhà văn Mỹ với vợ của một nhà văn nổi tiếng Việt Nam. Bà tâm sự: Mong ông nhà tôi đi trước, tôi mới yên tâm. Nhà văn thảng thốt ngạc nhiên: Sao lại thế? Sao bà lại mong ông mất trước? Bà giải thích: Như thế mới lo cho ông ấy được mồ yên mả đẹp, mới trọn nghĩa vợ chồng.

Bây giờ xã hội có nhẽ không còn ai nghĩ thế. Vợ chồng là nghĩa "tao khang" chắc chỉ còn trong số ít người. Người có nếp nghĩ như vợ nhà văn trên có lẽ là những người cuối cùng của lịch sử trang văn hóa gia đình.

Thời "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" đã qua khi lũy tre làng không còn. "Trâu ta ăn cỏ đồng ta" hoặc ta về "ta tắm ao ta" đã thành những chuyện của quá khứ khi cuộc sống xã hội đã thay đổi, khi kinh tế phát triển và những cấu trúc cũ đã dần được dỡ bỏ để phù hợp với sự phát triển.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Valentine bàn chuyện cưới xin xưa - Ảnh 1.

Ảnh sưu tầm. Nguồn: giaoduc.net.vn

Ngày trước, con giai lấy được vợ không dễ dàng như ngày nay. Người ta nói "lập gia đình" nghĩa là xây dựng một gia đình, chứ ai nói lấy vợ lấy chồng đơn giản như giờ đâu. Tuy có phần nhiêu khê thiếu tự do, nhưng hôn nhân trước đây thường là bền vững hơn ngày nay. Ngày nay phóng khoáng, dễ dàng kiểu châu Âu, lấy dễ bỏ dễ. Không hợp thì bỏ thôi, nhưng làm gì có chuyện hợp trăm phần trăm bao giờ!

Cưới vợ ngày trước phải qua đến 6 công đoạn:

Đầu tiên là vấn danh, sau đến so tuổi, rồi mới đến ăn hỏi, thách cưới. Xong rồi thì đến dẫn gánh và cuối cùng là lễ vu quy (cưới đón dâu).

"Vấn danh" là đánh tiếng từ gia đình nhà trai sang xin con gái nhà người. Được rồi thì gặp nhau "so tuổi" - tức là xem tuổi năm tháng, giờ sinh xem đôi trai gái có hợp duyên số không. Đến đoạn thống nhất hai nhà thì chọn ngày làm lễ ăn hỏi, khẳng định mối quan hệ thông gia. Còn thách cưới và vu quy là công đoạn cuối cùng "có tính kĩ thuật".

***

Cưới xin ngày xưa có hơi hướng gả bán, sắp đặt của hai nhà. Lấy nhau ngày xưa phần nhiều chưa có tình yêu mà chỉ do sắp đặt của bố mẹ hai bên. Cứ hai bên thấy "môn đăng hộ đối" là tự quyết với nhau! Cũng có đôi hợp ý, do bố mẹ hai bên đều hỏi ý con cái. Khi thấy "căng" quá thì thôi. Nhưng nhiều đôi thì bị bố mẹ cứ quyết, không cần biết con nghĩ gì. Dù gì thì thời ấy cưới xong, vợ chồng ở với nhau rồi mới đến đoạn tìm hiểu! Vậy mà vẫn có những tình nghĩa vợ chồng thật sâu sắc như câu chuyện của vợ chồng nhà văn trên.

Đó là văn hóa từng giai đoạn xã hội khác nhau, viết ra đây nhân ngày Valentine rộn rịp để biết đã có một thời như thế…

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm