Ngẫm ngợi cuối tuần: Phép cộng, phép trừ

24/11/2024 07:46 GMT+7 | Văn hoá

Ngày còn bé, ở nhà thường nghe bố ngồi trà lá với hàng xóm rằng: trời cho mỗi người một túi tiền, ai tiêu nhanh thì hết nhanh. Lúc ấy nghe chưa hiểu gì lắm về triết lý ấy, nghĩ chả thấy gì lạ vì dùng nhiều hết nhanh chứ có gì đâu. Mãi sau này mới hiểu, nó là dân gian nhưng cũng là cái lõi của quy luật tự nhiên, là thứ bất biến.

Lần khác, lại nghe một người nói, trên đời này chỉ có mỗi phép tính cộng. Trôi theo thời gian vẫn chỉ là cộng. Còn trừ, nhân, chia là do người ta phân khúc nói ra cho dễ hiểu. Chỉ có phép cộng là vĩnh hằng.

Thế này nhé, đời con người tạm tính sống một trăm tuổi thì từ 1 đến 50 là cộng, còn từ 50 đến 100 là trừ trên số cộng. Đó là suy giảm sức lực từ từ cho đến khi rời cuộc sống. Cho nên từ khi 50 tuổi, sinh nhật cộng thêm năm, thì cũng là trừ đi một năm tuổi thọ. Còn nhân, chia là phép thay đổi rút ngắn của cộng, trừ trên một công việc và sự vật cụ thể thôi. Cho nên chốt lại nói cuộc sống chỉ có số cộng là không sai!

Ngẫm ngợi cuối tuần: Phép cộng, phép trừ - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Nguồn: Internet

Người theo thuyết nhân quả nói: Nhân quả là nói chữ, còn báo ứng là nghĩ theo kiểu dân gian. Còn hiểu theo lẽ thông thường thì trên đời này, không có cái ơn nào bị quên, và không có nợ nào không phải trả. Vậy cố chấp thì mang nghiệp, càng chấp nhiều thì nghiệp càng nặng, tội lỗi càng nhiều.

Có thể ví dụ luôn, mà thời nay thì quá nhiều ví dụ về việc dùng quá túi tiền trời cho, về phép tính cộng, trừ, về nhân quả... Hiểu được những điều nói trên thì đó là giác ngộ. Khi đã giác ngộ thì cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, sẽ đỡ sân, si, thù hận làm hoang mang chính cuộc sống của mình.

Người ta nói với nhau có 18 tầng địa ngục để giam cầm tội lỗi, là để răn đe con người. Nhưng có ai biết tham, sân, si chính là "địa ngục sống" của trong mỗi người chúng ta khi ta không bỏ được nó thì đó là ta tự nguyện giam cầm trong đó, chứ có Diêm Vương, quỷ sứ nào, đầu trâu mặt ngựa nào hành hạ ta đâu?!

Tham, sân, si là động lực thúc đẩy con người vươn lên, nhưng khi đi quá giới hạn thì nó đều sinh ra tội lỗi. Tùy từng người khi dung lượng tham, sân, si cao thấp, nhiều ít khác nhau thì tội lỗi sinh ra ở mức khác nhau thôi.

              ***

Phép cộng cũng là phép trừ. Đó là triết học. Cộng tội lỗi là trừ đi nhân bản. Cộng thời gian năm tháng thì đời người ngắn đi!

Trong tử vi, có ngôi sao tốt đóng cung tật ách thì hạn đến được tiêu bớt đi. Nếu gạt bỏ yếu tố tâm linh, thì đó cũng là phép cộng (trợ đỡ) thành phép trừ (tật ách). Về phương diện đó thì khoa học huyền bí vẫn nằm trong phép cộng tự nhiên.

Chỉ phép cộng thôi hiểu kĩ sẽ thấy cả quy luật vũ trụ!

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm