Ngẫm ngợi cuối tuần: Lắng lại với cội nguồn

08/02/2025 07:31 GMT+7 | Văn hoá

Không mấy cái Tết mà trời đẹp như năm nay. Ngày nào trời cũng sáng, lạnh nhưng cái lạnh vừa phải cho nồi đông không rã. Có hôm sớm dậy thấy mặt sân ẩm ướt. Thì ra gần sáng có mưa Xuân nhẹ nhàng.

Chiều 29 tết, ngày cuối của năm Thìn, (năm nay không có ngày 30), Hà Nội có nắng ong nhẹ. Hoa đào, quất, mai trắng và lan bày rải rác hai bên đường sẵn sàng về với chủ mới. Người mua không nhiều, không chen chúc như mọi năm.

Tôi mua một cành đào uốn kiểu cần câu giá 500 ngàn. Mang về ngõ mọi người hỏi giá, tôi bảo năm trăm ngàn không ai tin, nói là phải cỡ triệu hai. Đào cây, đào bồn cho thuê năm nay bán cũng chậm. Duy thủy tiên giữ giá, vẫn vài trăm ngàn một chậu và cũng ít hơn mọi năm…

Ngẫm ngợi cuối tuần: Lắng lại với cội nguồn - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Internet

Nhìn đường phố từ ngày 20 tết tôi nhận ra Hà Nội hôm nay mới đúng của người Hà Nội. Người ngụ cư về quê cả nên Hà Nội trở lại thời những năm bẩy mươi, tám mươi về trước. Một Hà Nội thoáng đãng, người ra đường vừa phải, không ùn tắc dù ô tô con khá nhiều. Bây giờ Hà Nội "của Hà Nội" chỉ có ba, bốn ngày, từ 30 Tết đến hết mùng Ba. Còn sau đó Hà Nội lại trở lại là nơi hội tụ bốn phương.

***

Sáng mồng Một, tôi lên chùa Kim Liên bên Hồ Tây. Chùa xây từ thời Lý, do bà Lý nương, người lập ấp, dạy dân nghề trồng dâu nuôi tằm canh cửi. Cấu trúc chùa rất đẹp, là mẫu xây chùa Tây Phương sau này.

Cổng chùa Kim Liên là cổng đẹp nhất trong các chùa Hà Nội. Chùa mới trùng tu được dăm năm nay, vẫn giữ được nguyên bản. Ngày nhà tôi mất, di ảnh gửi ở chùa này, bởi lúc sinh thời nhà tôi rất thích nơi đây. Ngày trước, mỗi khi đi chùa lễ Phật, cô ấy chỉ lên đấy... Xưa thì chùa là dành cho các bà, các cô, còn đàn ông chỉ ra đình; nhưng vì việc ấy, tôi mới lên chùa ngày mồng Một, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, lên lễ chùa để nhớ tình nghĩa vợ chồng một thời, không thể dứt bỏ.

Chùa Kim Liên là ngôi chùa tĩnh mịch, không ồn ã chen lấn. Nhà chùa còn giữ được nếp xưa trong bài trí. 10 giờ trưa, tôi đến gửi tiền cung tiến, thấy mình là số 69 trong danh sách. Tinh thần cúng dường cửa Phật vẫn rất sâu sắc trong đại chúng.

Năm nay còn có nhiều hơn những người đến chùa chụp ảnh kỉ niệm, tốp 5, tốp 3, có chỗ cả gia đình. Tất cả đều mặc đẹp, kín đáo, không phô phang, cẩu thả như những năm trước đây. Tất cả muốn giữ lại tấm hình kỉ niệm trước ngôi chùa thăm viếng đầu năm, nên ý thức cũng cẩn trọng hơn…

***

Những ngày Tết ngắn ngủi, nhưng cũng là dài. Nhiều nhà cũng rời Hà Nội đi du lịch. Lâu nay, một số người eo xèo muốn bỏ tết âm lịch. Đó là tâm thế thời đại của những con người bị đứt gẫy văn hóa nên mới thế. Tết ta là phần quan trọng trong hồn cốt văn hóa dân tộc. Nhiều việc về cội nguồn chỉ thực hiện được trong mấy ngày Tết, và mỗi cái Tết qua đi lại càng thấy cội nguồn sâu nặng hơn.

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm