21/09/2013 07:44 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trong văn khấn ngày mồng Một Tết hay Rằm tháng Bảy, ngoài cung thỉnh hoàng thiên hậu thổ bao giờ người ta cũng nhắc thêm ông tiền chủ, bà tiền chủ, kính cẩn mời ông bà tiền chủ cùng lâm lai phối hưởng lễ lạt.
1. Lúc nhỏ, tôi hỏi bố: Sao lại như vậy, ông bà ấy là ai? Bố trả lời vắn tắt, đó là người khai phá đất này, mình đang ở trên miếng đất từng có người khai phá, họ đã khuất núi nhưng vong linh vẫn còn với đất trời. Ta ở trên đất ấy thì phải biết cung kính mời người ta về âm hưởng. Đó là đạo lý làm người con ạ.
Trước đây nghe “Đất có thổ công/ Sông có hà bá” thì tôi nghĩ hai vị đó là chủ đất rồi, té ra Thổ công, Hà bá chỉ là thần cai quản địa lý thôi, còn chủ thực sự của đất chính là người khai phá, là cái gốc, ta không thể quên, đó là ông tiền chủ, bà tiền chủ! Đó là cách nghĩ có trước có sau của người xưa.
Đời này qua đời khác, mảnh đất được những thế hệ kế tiếp vun xới cho màu mỡ lên, dù làm ăn khá giả hay kém cỏi thì những ngày lễ trọng, trong lời khấn không ai quên lời mời người khai phá đầu tiên. Kết cấu của đất là như vậy, nên không thể coi đất đai là có sẵn. Đất đai luôn có chủ cụ thể.
Có thể có chính sách chưa nhận ra điều ấy nhưng thực tế nó vẫn tồn tại, Cho nên chuyện đất đai luôn là chuyện phức tạp của từng quốc gia và cả của từng gia đình.
2. Một miếng đất mua bằng tiền mặt thì ta cũng phải nhìn thấy trên kết cấu mảnh đất ấy cả một hành trình của người mua đất. Cả một thời lăn lưng bỏ sức làm việc tích cóp mới đủ ngân lượng để trả cho miếng đất. Đó cũng là một kết cấu mà ta không thể bỏ qua.
Kết cấu của đất là kết cấu của cả một hành trình dài của những người khai phá đầu tiên và các thế hệ nối tiếp. Sự mua đi bán lại, hình thức là trả tiền nhưng đằng sau đồng tiền là kết cấu các giá trị của đất được tính ra!
Tất nhiên trong kết cấu này ta không tính đến giá trị đất khi nó bị chiếm đoạt bằng những đồng tiền bẩn, bằng rửa tiền, bằng những dự án lấy đất không công bằng, bằng những chấm mút từ dự án và những món bổng lộc được chia bằng đất giá hời, và vô số những mảnh đất chia theo chính sách, tiêu chuẩn với những quy định chưa thật chặt chẽ bị lợi dụng. Còn đất với những kết cấu đầy đủ như đã nói ở trên thì luôn là những giá trị thiêng liêng ta phải tôn trọng.
Bài & minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất