Ngẫm ngợi Cuối tuần: Bận rộn là hạnh phúc

30/12/2012 08:17 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày bé, nhớ mỗi bữa ăn dọn hai mâm. Nhà có 7 anh em, hai bố mẹ. Mâm cơm chỉ tép kho rau muống chấm tương. Ăn chậm, lại  chống đũa thì bát cuối phải ăn cơm nhạt như bỡn.

Nếu có buổi chiếu bóng thì mắt trước mắt sau, gập miếng nilon với cái dải rút thắt ngang bụng, là phóng vèo đi ra bãi chiếm chỗ.

Chỉ 20 năm sau, cái gia đình đầy ắp đó bắt đầu chuyển động: Anh cả lấy vợ ra ở riêng, rồi đến chị gái lần lượt lấy chồng, từ hai mâm rút xuống một mâm. Chỉ một chị đi lấy chồng tự nhiên có cảm giác trống vắng đến hàng năm. Huống hồ cả hai chị và anh giai rời nhà, nên cảm giác trống vắng ấy  mãi  mới quen.

Rồi nhiều năm sau, mỗi lần các chị về thì lại thấy như khách, cho em tí quà, chuyện dăm ba câu rồi lại te tái úp cái nón lên đầu khuất dần ngoài ngõ.

Hợp tan, tan hợp như một quy luật cho tất cả mọi người, mọi nhà.

1. Đến khi mình làm chủ một gia đình riêng cũng thế. Bữa cơm mấy đứa con hau háu vì chúng thường đói nhanh hơn người lớn. Bát đũa chia lạch cạch. Thật hạnh phúc khi nhìn chúng ăn.

Mình thường để ý đứa ăn chậm gắp thêm cho gắp thịt mà lòng yêu thương trào lên. Thời bao cấp thì thế, nhưng thời mở cửa tôi không thể hiểu được những ông bố, nếu không đi cơm khách thì lại lê la vỉa hè quán xá bia bọt, mặc cho vợ với con chống đũa chờ. Có thú vui nào lại cao hơn cái tình vợ con gia đình đến thế nhỉ? Tôi lại lần nữa không hiểu.

Rồi từng đứa con lại ra đi lập nghiệp. Chúng về lại như khách ào ào gió cuốn rồi cũng đi nhanh như gió lốc. Vợ chồng lại trở về với sự tĩnh lặng của trống vắng và tập làm quen với những việc thường nhật mà khi con cái còn ở nhà chúng làm. Giờ tất cả lại đến tay.

2. Cuộc đời là những vòng xoáy ốc. Khi con cái hai ba đứa bên nách thì mong sao nhanh thoát ra cảnh bận bịu. Nhưng khi chúng không còn cần đến bàn tay mình thì với thói quen của người làm cha mẹ lại cảm thấy mình thừa thãi thời gian. Chán nhất là lúc nhận ra chẳng còn ai cần đến mình nữa.

Thì ra sự bận rộn luôn là niềm hạnh phúc chứ không phải sự nhàn rỗi. Chỉ thật sự tìm thấy bình an khi thấy có người còn cần đến mình. Chí ít cũng còn giống như chiếc móc treo áo áp bên bờ tường.

Hạnh phúc và bình an không đơn giản và dễ hiểu nhưng người ta tưởng, dù quan niệm của mỗi người có thể không giống nhau. Chỉ khi bất chợt thấy trống rỗng và cuộc sống vô nghĩa thì sẽ lờ mờ hiểu ra điều đó.

Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm