Nhật ký trở về sau chuyến thăm Trường Sa của già làng Jăn Tên

24/06/2014 09:28 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Vừa trở về từ quần đảo Trường Sa trong chuyến đi cùng Đoàn già làng Tây Nguyên, ông Kră Jăn Tên (62 tuổi, dân tộc K’Ho-Lạch, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vẫn còn bồi hồi.

Ông nhớ biển, nhớ các chiến sỹ hải quân và nhớ Trường Sa. Cả hành trình, điều mãn nguyện nhất của ông là hoàn thành cuốn nhật ký với vô vàn ký ức đẹp về vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Đêm ở Trường Sa lớn

Như bao gia đình người Lạch (một nhánh của dân tộc K’Ho) khác, ngôi nhà gỗ của già Jăn Tên nằm gọn theo tuyến đường dưới chân núi Lang Biang của huyện Lạc Dương. Đang bận đi dự đám cưới của người bà con trong dòng tộc nhưng nghe bảo có người đến hỏi thăm về chuyến đi Trường Sa, ông vội vã chạy về. Dường như trong thâm tâm, già Jăn Tên chỉ muốn kể lại cho rất nhiều người về biển trời quê hương mà ông đã ghi chép trong sổ sách và lưu dấu vào ký ức:

“Ngày 17/5, 2 giờ sáng, tàu cập bến đảo Trường Sa lớn. 6 giờ sáng, cả đoàn xuống tàu vào thăm đảo, các chiến sỹ và người dân đã xếp hàng vẫy chào tất cả mọi người trong đoàn…” Nét chữ viết vội của già làng Jăn Tên trong cuốn nhật ký kể về điểm đến đầu tiên trong hải trình. “7 giờ sáng, các thành viên trong đoàn dự lễ chào cờ, duyệt binh. Sau đó, đoàn đi thăm quan bảo tàng, Đài tưởng niệm, thăm nhà dân và trò chuyện với chiến sỹ trên đảo…”

Một góc đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Một ngày lưu lại Trường Sa lớn đã giúp đoàn già làng Tây Nguyên trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân và chiến sỹ nơi đây. Ông Jăn Tên bồi hồi kể: “Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất là đêm đó chúng tôi được cùng sinh hoạt văn nghệ với các chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Mọi người đã hát vang những bài ca về biển đảo, về Tổ quốc và đặc biệt có một bài hát về ngọn núi Lang Biang huyền thoại làm tôi nhớ mãi không quên.”

“Ngày 17/5, 22 giờ, cả đoàn chia tay và trở về tàu, chuẩn bị cho chuyến đi thăm các đảo chìm vào ngày mai…” Trang nhật ký tiếp theo kể về công việc ngày thứ hai trên đảo của đoàn công tác. Trong suốt hải trình dài chín ngày, đoàn đi thăm tổng cộng 12 đảo và nhà giàn DK1 nhưng già Jăn Tên chỉ trực tiếp đặt chân đến được tám đảo.

“Ngoài Trường Sa lớn có nhà dân, trường học, chùa, bảo tàng… giống với đất liền, những đảo khác tôi đến thăm lại khác hẳn. Ở đây, các chiến sỹ phải canh gác ngày đêm, sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng khi chúng tôi đến, họ vẫn tươi cười, quý mến chào đón làm ai cũng thấy xúc động,” già Tên chia sẻ.

Biển trời quê hương đẹp lắm

Trong cuốn nhật ký của mình, vị già làng người Lạch chỉ ghi ngắn ngọn về thời gian, ngày giờ và các điểm đến trong chuyến hành trình. Ông giải thích rằng làm vậy vì để tiết kiệm thời gian đi hỏi thăm, trò chuyện cùng chiến sỹ và nhân dân trên đảo.

Những câu chuyện về Trường Sa, về biển đảo quê hương, ông ghi nhớ trong đầu để sau này kể lại cho bà con trong buôn làng nghe. Đã nhiều lần đi đây đó, kể cả xuống biển Nha Trang, Đà Nẵng hay Mũi Né, Phan Thiết nhưng già làng Jăn Tên cũng phải thành thật: “Chuyến đi lần này khác lắm, nó giúp mình thấy được biển xanh sâu thẳm, đẹp ngoài sức tưởng tượng và đặc biệt hơn là có cơ hội nhìn thấy bờ cõi đất nước ta rộng lớn đến dường nào.”

Già Jăn Tên không ngần ngại kể tường tận chi tiết về những điều mắt thấy tai nghe ở ngoài Trường Sa.

Ông say sưa tả về chuyến đi đến các đảo, về lãnh thổ của đất nước và cả những điều giản dị, yên bình trên biển đảo Việt Nam. Đó là câu chuyện về đàn cá heo “nhảy múa” theo tàu vào những buổi chiều tà, hay về lễ chào cờ ở Trường Sa lớn, về lớp học ngoài đảo và cả câu chuyện các chiến sỹ trẻ đang canh giữ biển trời quê hương như thế nào.

Ngoài cuốn nhật ký, già làng Jăn Tên còn cẩn thận lưu trữ và tráng rửa tất cả những hình ảnh mà ông chụp bằng điện thoại mượn được trước khi đi để khi bà con đến hỏi thăm, ông có thể vừa kể vừa cho họ xem những hình ảnh ông chụp được.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm