(TT&VH) - Ngày 28/8, nhà chức trách Liban đã ban lệnh bắt đối với lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vì tội bắt cóc và thủ tiêu một nhân vật cao cấp của Hồi giáo cách đây 30 năm. Vì tội này, Gaddafi sẽ phải đối mặt với một án tử hình.
Vụ án nổi tiếng
Cách đây 30 năm, Imam Musa Al-Sadr là một trong những thủ lĩnh Hồi giáo Shia rất có thế lực. Sinh tại Qom, một thành phố nổi tiếng ở miền trung Iran, Sadr nghiên cứu thần học, nhận được sự dạy dỗ của nhiều giáo sĩ Shia nổi tiếng tại Iran và Najaf, trung tâm học thuật đóng tại Iraq của người Hồi giáo Shia.
Ông tới Liban vào năm 1960 và sớm tham gia chính trị, trở thành thủ lĩnh tinh thần của cộng đồng người Hồi giáo Shia tại đây. Ông là người thành lập phong trào Amal, sau này trở thành một trong những đảng phái chính trị lớn nhất ở Liban. Mặc dù người Shia là cộng đồng tôn giáo lớn nhất tại Liban, họ nắm ít quyền lực chính trị hơn người Hồi giáo Sunni và người Công giáo.
Lãnh đạo Libya M. Gaddafi |
Tuy nhiên khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 1975, người Shia bắt đầu thu thập ảnh hưởng. Thông qua phong trào Amal và Hezbollah, người Shia bắt đầu hình thành một lực lượng chính trị mạnh tại Liban. Ảnh hưởng của Al-Sadr cũng vì thế mà tăng lên. Thế nhưng ở đỉnh cao của sự nổi tiếng và ảnh hưởng, ông mất tích bí ẩn trong chuyến đi tới Libya hồi năm 1978 cùng hai người nữa. Những người ủng hộ Al-Sadr coi đây là một nỗi đau lớn. Họ chỉ ngón tay trách nhiệm vào Gaddafi, cho ông là thủ phạm trong sự biến mất bí ẩn của giáo sĩ Al-Sadr.
Ngày 28/8, quan tòa người Liban Samih Al-Hajj đã chính thức buộc tội Gaddafi là kẻ xúi giục và gây ra vụ bắt cóc nói trên. Ông cũng ban lệnh bắt đối với 6 người Libya có liên quan tới sự mất tích của Al-Sadr và yêu cầu soạn thảo án tử hình dành cho tất cả những nhân vật này. Vụ việc đã khiến sự chú ý đổ dồn vào Gaddafi, một trong những lãnh đạo kín tiếng nhất hiện nay.
Vị lãnh đạo kỳ lạ
Muammar Abu Minyar Al-Gaddafi sinh ngày 4/7/1942 ở Libya. Ông hiện là nhà lãnh đạo quốc gia có thời gian nắm quyền lâu thứ 4 trên thế giới.
Là con út trong một gia đình nông dân, nhưng học giỏi, đỗ đại học luật với bằng loại ưu, năm 1963 ông tham gia Học viện quân sự Benghazi và cùng vài người bạn bí mật thành lập một tổ chức với tham vọng lật đổ chính phủ hoàng gia thân phương Tây. Tháng 9/1969, khi mới 27 tuổi, Gaddafi và một nhóm nhỏ sĩ quan quân sự đã tổ chức thành công cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ vua Idris I, khi vị vua này đang đi nghỉ ở Hy Lạp, tuyên bố bãi bỏ chế độ phong kiến và thành lập Nhà nước cộng hòa Arab Libya. Quan hệ của Libya và phương Tây xấu đi từ đó.
Libya sau đó trở thành nước chống phương Tây kịch liệt, thí dụ Gaddafi được coi là người đã ủng hộ nhóm khủng bố "Tháng 9 đen" đã gây ra vụ thảm sát ở Munich (Đức) hồi năm 1972 hay nhóm khủng bố đánh bom sàn nhảy ở Berlin hồi năm 1986 làm hơn 200 người chết và bị thương.
Dưới thời Tổng thống Reagan, quan hệ giữa Libya và Mỹ căng thẳng tới mức đầu những năm 1980, Mỹ cấm công dân tới Libya và ra lệnh cấm vận nước này. Trong phần lớn những năm 1990, Libya trải qua thời gian bị cấm vận và cô lập chính trị do Gaddafi từ chối dẫn độ hai nghi phạm người Libya sang Anh để xử vụ đánh bom chiếc máy bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie, Scotland, làm hơn 200 người thiệt mạng.
Bất ngờ tháng 8/2003, Libya thừa nhận với LHQ về vai trò trong vụ đánh bom này và cam kết trả 2,7 tỉ USD tiền bồi thường cho gia đình 270 nạn nhân. Quan hệ giữa Libya và phương Tây nồng ấm lên kể từ sau giai đoạn này. Giờ đây Gaddafi lại có vẻ thân thiết với phương Tây.
Có nhiều phỏng đoán về sự đột ngột thay đổi quan điểm chính trị này. Có người cho rằng giờ đây ông thích làm chính trị kiểu thực dụng, có người bình luận do thời thế thay đổi, nên ông buộc phải thay đổi theo.
Tháng 3/2008, Gadaffi tuyên bố ông có kế hoạch giải tán cấu trúc chính phủ hiện nay, xóa bỏ các bộ, chỉ để lại bộ Quốc phòng, Nội vụ và Ngoại giao cùng các bộ liên quan tới những dự án mang tính chiến lược. Tiền bán dầu sẽ được ông phân phối tới tay người dân.
Chỉ là hình thức?
Trở lại vụ Al-Sadr, cho tới nay Gaddafi luôn chối bỏ mọi sự liên quan tới vụ án nêu trên. Ông cho rằng Al-Sadr đã rời khỏi Libya trước khi bị ám sát. Kể từ tháng 2 năm nay, Gaddafi đã bác bỏ lệnh triệu tập của tòa án Liban nhằm trả lời câu hỏi về vụ Al-Sadr.
Bản thân cơ quan công tố Liban cùng thừa nhận việc ban lệnh bắt Gaddafi và xử tử ông chỉ là những hành động mang tính hình thức. Gần 4 thập kỷ qua, Gaddafi đã lèo lái đất nước Libya vượt qua nhiều biến cố thăng trầm. Quê hương là một pháo đài bất khả xâm phạm với Gaddafi và sẽ là chuyện bất khả thi nếu người ta muốn lôi ông ra khỏi Libya để tới Liban “đền tội”.
Gia Bảo