New money: Thế hệ những người giàu mới nổi, kiếm tiền rất nhanh nhưng dễ "trắng tay" cuối đời

16/01/2023 19:09 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

New Money đang trở thành thuật ngữ phổ biến gần đây nói về những người giàu có rất nhanh mà không phải là "con ông cháu cha".

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng, hàng năm có rất nhiều người trở thành triệu phú hay tỷ phú đô la tự thân. Họ đều có điểm xuất phát bình thường nhưng trở nên giàu rất nhanh chóng. Tuy nhiên, những người giàu mới nổi này thường gây ra rất nhiều tranh cãi trong cách họ chi tiêu.

Trên thực tế, có 2 thuật ngữ để mô tả những người với nền tảng gia đình giàu có từ xa xưa và những người có khối tài sản khổng lồ gần đây là Old Money và New Money. 

New Money và Old Money có nghĩa là gì?

New Money hay Old Money đều đề cập đến những nhóm người giàu có. Điểm khác biệt chính giữa 2 nhóm người này chính là cách hình thành sự giàu có của họ. 

Cụ thể, Old Money đại diện cho sự giàu có theo từng thế hệ cha truyền con nối - tiền được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới dạng tiền mặt, đầu tư và tài sản. Trong khi đó, New Money đề cập đến tỷ phú tự thân, những người tự tay vun đắp khối tài sản của họ, hoặc may mắn có được nó giống như trúng xổ số. 

New money: Thế hệ những người giàu mới nổi, kiếm tiền rất nhanh nhưng chi tiêu xa hoa, dễ "trắng tay" cuối đời - Ảnh 1.

Trong quá khứ, Old Money được dùng để chỉ một tầng lớp ưu tú, quý tộc hoặc giới thượng lưu. Bên cạnh đó, những ví dụ phổ biến về New Money bao gồm các ông trùm công nghệ và các tỷ phú tự thân như Jeff Bezos, Mark Zuckerberg và Bill Gates. Đôi khi bạn có thể nghe thuật ngữ tiếng Pháp “nouveau riche”, có nghĩa là “mới giàu có”, mô tả những người gần đây đã trở nên giàu có và tiêu tiền của họ một cách hào nhoáng, phô trương.

Những người thuộc tầng lớp Old Money thường phải bảo vệ tài sản của gia đình để truyền lại cho các thế hệ tương lai. Vì lý do đó, họ có thể gắn bó với các khoản đầu tư và lối sống truyền thống của gia đình. Nhiều người kế thừa công việc kinh doanh của cha mẹ và sau đó truyền lại cho con cái của họ.

Sự khác biệt trong cách chi tiêu

Cách Old Money và New Money tiếp cận với việc quản lý tài sản có những điểm tương phản rõ rệt. Mặc dù họ có thể sống xa hoa, những người thuộc nhóm Old Money thường tiết kiệm hoặc cân nhắc kỹ càng hơn khi chi tiền mua sắm. Đối với họ, chi tiêu thường để đầu tư hơn là mua sắm giải trí. 

Mặt khác, những người thuộc nhóm New Money cảm thấy có quyền lực hơn và phấn khích với khối tài sản của mình. Họ có thể chi tiêu xa hoa hơn và không ngần ngại công khai điều đó trên nền tảng MXH. Một số người có thể cảm thấy rằng họ đã làm việc chăm chỉ để kiếm tiền - và họ muốn tận hưởng điều đó. Họ có thể muốn thể hiện địa vị mới đạt được của mình bằng những chiếc đồng hồ hàng hiệu hoặc biệt thự lớn.

New money: Thế hệ những người giàu mới nổi, kiếm tiền rất nhanh nhưng chi tiêu xa hoa, dễ "trắng tay" cuối đời - Ảnh 2.

Điều đó không có nghĩa là New Money không đầu tư. Những người nổi tiếng, vận động viên và doanh nhân thường đầu tư vào bất động sản hoặc mua các công ty để tăng tài sản của họ. Nói chung, New Money có thể đưa ra các quyết định đầu tư mạo hiểm hơn để thu được lợi tức nhanh hơn. Họ không nghĩ đến sự giàu có của nhiều thế hệ được bảo vệ bằng các phương pháp đầu tư truyền thống và đã được thử nghiệm. Ưu điểm là New Money có thể kiếm tiền rất nhanh, họ nhạy bén những với những gì đang xảy ra trong nền kinh tế hiện tại. Song, không hiếm khi nghe những câu chuyện về những người lần đầu tiên kiếm được nhiều tiền và tiêu hết số tiền đó, dẫn đến phá sản và thậm chí gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Một ví dụ điển hình về Old Money là chủ sở hữu và người sáng lập Walmart, Sam Walton. Theo trang web The Richest, ông lớn lên trong một gia đình giàu có lâu đời. Khi Walton qua đời, tài sản của gia đình ông trị giá khoảng 23 tỷ USD. Sự giàu có này đã được tiết kiệm và truyền lại khi các thế hệ mới được sinh ra.

Phần lớn những “người giàu mới nổi" không tích lũy được một tài sản lớn sau khi họ qua đời, bởi vì họ sẽ chi tiêu hoặc quyên góp phần lớn thu nhập. Theo báo cáo, những người thuộc nhóm New Money thường quyên góp cho các tổ chức từ thiện và chi tiêu xa hoa mà ít quan tâm đến các thế hệ tương lai. New Money làm việc chăm chỉ cần thiết để leo lên nấc thang dẫn đầu. Họ không quen với việc có tiền trong tay. Điều này có nghĩa là việc lập kế hoạch và tiết kiệm cho tương lai thường khó khăn hơn.

New money: Thế hệ những người giàu mới nổi, kiếm tiền rất nhanh nhưng chi tiêu xa hoa, dễ "trắng tay" cuối đời - Ảnh 3.

“Một thách thức phổ biến trong việc lập kế hoạch tài chính đối với những người có tiền mới là sự cám dỗ để chi tiêu xa hoa và phô trương sự giàu có của họ. Điều này có thể dẫn đến nợ nần và các vấn đề tài chính trong tương lai", Becky Neubauer, người sáng lập Liafepothesis cho biết .

Theo Becky Neubauer, nếu không có ngân sách hoặc mục tiêu, họ có thể dễ dàng chi tiêu quá mức hoặc đưa ra quyết định bốc đồng với khối tài sản mới kiếm được của mình. “Tôi cũng quan sát thấy rằng New Money có xu hướng không quen xử lý những khoản tiền lớn và có thể không biết cách đầu tư số tiền đó một cách khôn ngoan. Điều này có thể dẫn đến việc họ mất tiền trên thị trường tài chính hoặc đưa ra những lựa chọn đầu tư tồi tệ khác".

Những người có tài sản thừa kế đã được nuôi dạy để hiểu tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và tiết kiệm cho tương lai bởi vì họ luôn giàu có. Họ chưa bao giờ phải đương đầu với những khó khăn lớn về tài chính. Khoảng cách nhận thức này khiến tư duy giữa Old Money và New Money hoàn toàn khác nhau.


Tô Diệp - Thiết kế: Thành Đạt (Theo Sofi, Clevergirlfinance)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm