Nếu V-League còn 10 đội

07/08/2009 13:50 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Giả sử thời điểm này, có 1 lát cắt từ dưới bảng xếp hạng lên và VFF quy định V-League 2010 chỉ còn 10 đội như buổi đầu mới đá giải chuyên, thì sao nhỉ?

Tất nhiên sẽ chẳng bao giờ xảy ra điều đó, vì dù có một số ý kiến cho rằng V-League bây giờ đang phình về số lượng đội bóng. Nhưng với VFF, số lượng như vậy còn là ít. Thậm chí đã có ý tưởng nâng số thành viên tham dự giải chuyên nghiệp lên đến 16 đội. Nếu V-League chỉ 10 đội thì khác gì V-League đi thụt lùi.

Trong 2 mùa giải chuyên nghiệp đầu ( 2000-2001, 2001-2002), V-League chỉ đóng khung 10 đội. Năm 2003 bắt đầu nâng lên con số 12. Năm 2006 14 đội nhưng thực chất phải đá với 13 CLB vì NHĐA bị đánh tụt hạng. Bắt đầu từ mùa giải 2007, giải chuyên ở ta chính thức có 14 đội tranh tài.

Trở lại cái “giả sử” trên, thì Thanh Hoá, QK4, TP.HCM. M.Nam Định sẽ  là những đội phải chia tay với giải V-League. Nếu cả 4 đội này xuống hạng thì điều này cũng phản ánh chính xác thực lực của họ thôi. Đây là những đội bóng yếu nhất, mang hình ảnh yếm thế nhất, chỉ mang cái danh chuyên nghiệp và ai trong số họ có thoát thì cũng không hy vọng mùa sau sẽ thay đổi tích cực.


QK4 (áo da cam) hay Thanh Hóa thiếu quá nhiều thứ để
trở thành một CLB bóng đá chuyên nghiệp


10 đội phía trên nhát cắt sẽ gồm: SHB.ĐN, T&T.HN, SLNA, ĐT.LA, HA.GL, B.BD, Thể Công, XM.HP, K.KH, TĐCS.Đồng Tháp. Trong số này, chỉ còn mỗi TĐCS.ĐT và SLNA lép vế về tiền, còn lại toàn thuộc diện “tài phiệt” cả . Dù thế, SLNA và TĐCS.ĐT vẫn chơi hết sức ổn định trong mùa giải qua.

Nếu V-League chỉ còn 10 đội như trên thì sẽ có những nhân tố tạo nên 1 sự cạnh tranh lớn hơn về tiền bạc. Thậm chí, thương quyền của nhóm các CLB trên còn cao hơn cả V-League, bởi giải đấu này “chỉ” được PV Gas bỏ ra 12 tỷ đồng tài trợ 1 năm, và mỗi CLB đóng góp 300 triệu đồng. Số tiền ấy là “muỗi” so với 100 tỷ đồng mà bầu Hiển bỏ ra trong năm qua cho SHB.ĐN và T&T HN của ông. Ai cũng phải thừa nhận càng nhiều đội bóng đại gia thì chuyên môn của giải cũng tăng lên.

Tất cả đang kêu, trọng tài vừa thiếu vừa yếu đấy. Cứ càng về cuối, thì sự non yếu càng bộc lộ. Giám sát trọng tài thiếu đến mức bị đẩy vào thế phải chạy sô xuống làm hạng Nhất.

Năng lực tổ chức, điều hành của BTC giải vẫn chưa theo kịp những diễn biến phức tạp của V-League khiến năm nào cũng có nguy cơ vỡ giải. Năm ngoái, giải suýt phải ngưng sau sự cố kinh hoàng trên sân Vinh. Hệ thống những văn bản pháp quy (điển hình Điều lệ, Quy định kỷ luật) đã chạy theo thực tiễn bở cả hơi tai vẫn không kịp. Phiền toái mới nhất là vụ xử Quảng Ngãi bỏ cuộc. Thế thì làm sao các CLB có thể đặt niềm tin tuyệt đối vào ông chủ cuộc chơi? Một số trận đấu có mùi tiêu cực vẫn tồn tại, chủ yếu xảy ra ở  những cặp đấu có đội yếu.

Thị trường chuyển nhượng còn lộn xộn cũng xuất phát từ sự khan hiếm cầu thủ có chất. Đáng buồn là giải chỉ có 14 đội, thì ít nhất 6 đội chỉ đặt mục tiêu cắn răng trụ hạng từ đầu. Đà Nẵng xứng đáng là quán quân trong làng BĐVN về những mối liên minh trong quá khứ. Vậy mà từ khi chuyển giao, họ đã sạch một cách tương đối...

7 năm qua, những nhà vô địch của BĐVN đều rơi vào những đội bóng đã được chuyển giao, tiềm lực kinh tế mạnh. Sự cạnh tranh của đối tượng này đã tạo nên một động lực rất đáng kể cho lộ trình lên chuyên của bóng đá ta.

Vì vậy, nếu những ý kiến coi việc nâng cao số lượng các đội đơn thuần để phát triển phong trào làm bóng đá chuyên nghiệp rộng khắp cả nước, rất dễ gây phản ứng ngược.

Ví như QK4 năm nay, họ quá thiếu nhiều thứ để trở thành một CLB bóng đá chuyên nghiệp. V-League gần hết tuổi thứ 9 mà gây thất vọng như đội bóng áo lính,  cùng Nam Định, Thanh Hoá, TPHCM thì đích thị đấy mới là rào cản của lộ trình lên chuyên.

Nhưng hoạt động bóng đá ở ta, có vẻ đã quen với câu “quý hồ đa” rồi.

NGỌC HOÀ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm