Khi người Anh cao to "tôn thờ" Xavi

18/11/2012 15:10 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Premier League đang dần trở thành một giải đấu mang tính châu lục, là sự hòa trộn giữa thứ bóng đá tốc độ, sức mạnh truyền thống của người Anh và những tinh hoa của bóng đá châu Âu. Các chuyên gia chỉ ra sự xuất hiện của các cầu thủ và HLV ngoại là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng đó.

Ai cũng muốn có lối chơi như Barca- Ảnh Getty

Ray Wilkins, trợ lí của HLV người Italia Carlo Ancelotti khi ông dẫn dắt Chelsea ở mùa giải 2009-10 cho biết: “Tất cả đều muốn chơi như Barcelona. Sẽ thật tuyệt nếu chúng tôi có thể kiểm soát bóng như họ và chơi với tốc độ như truyền thống ở Anh. Premier League đang có ngày một nhiều hơn những cầu thủ và HLV ngoại, và họ thích lối chơi kiểm soát bóng, và họ thích chơi bóng ngắn, sệt hơn là bóng bổng và dài”.

Người Anh giờ đã "biết" chuyền bóng

Lối chơi phối hợp nhỏ giờ đã trở nên khá phổ biến, và các đội bóng Anh giờ có số đường chuyền trong một trận nhiều hơn các CLB của Italia và Tây Ban Nha, với tỉ lệ chính xác ngày càng cao hơn. Nhưng bóng đá Anh không hề chậm hơn, khi tốc độ của các cầu thủ đã tăng đến 98% so với 1 thập kỉ trước, và thời gian hồi phục sau một hành động với cường độ cao đã giảm từ 55 giây 5 năm trước xuống chỉ còn 38 giây.

Ở mùa giải năm nay, việc các đội bóng chú trọng nhiều cho mặt trận tấn công khiến họ mong manh, dễ thủng lưới hơn. Nhà đương kim vô địch Manchester City mới chỉ 3 lần giữ sạch lưới, nhưng hàng công đã 6 lần cứu họ thoát thua. M.U, đội đánh mất chức vô địch mùa trước vì kém hiệu số bàn thắng, đã bị dẫn trước 6 lần trong mùa giải năm nay, nhưng vẫn thắng 5 lần và dẫn đầu giải với 29 bàn thắng ghi được, hơn Man City 2 điểm. Chelsea mua về những chuyên gia tấn công như Eden Hazard và Oscar, thi đấu hào hoa hơn, và chỉ xếp sau M.U và Fulham về số bàn thắng ghi được, với 23 bàn. Hai người họ kết hợp với Mata hình thành bộ 3 tấn công huyền ảo ở Stamford Bridge. Đó chỉ là sự tiếp nối trào lưu của những cầu thủ nhỏ bé có lối chơi kĩ thuật thành công ở Premier League như David Silva và Santi Cazorla.

Thay đổi vì Champions League

Andy Roxburgh, Giám đốc kĩ thuật của UEFA trong 16 năm và giờ là Giám đốc thể thao của New York Red Bulls, nhận xét: “Premier League đang bị ảnh hưởng và trở thành hình ảnh phản chiếu của Champions League. Ở Champions League, xu hướng chủ đạo là lối chơi dựa trên việc kiểm soát bóng. Mùa trước, những đội bóng có trung bình 500 đường chuyền mỗi trận đều thành công: 14 trong số 16 đội như vậy lọt vào vòng knock-out. Barcelona và ĐT Tây Ban Nha đang trở thành những hình mẫu”.

Lou Macari, chuyên gia của kênh MUTV, người đã thi đấu 400 trận cho M.U cho biết: “Tôi đồng ý rằng lối chơi chung đang ngày càng trở nên chậm và kĩ thuật hơn, nhưng tôi không nghĩ là tốt hơn. Tôi ở Old Trafford hầu như mọi cuối tuần và đám đông nhiều lúc chờ đợi một điều gì đó đột biến, hơn là những đường chuyền qua chuyền lại. Trong một vài năm qua, Manchester United đã chơi một thứ bóng đá đầy năng lượng và hấp dẫn, và đó là lí do giúp họ thành công, và tôi nghĩ họ sẽ không thay đổi điều đó. Nhưng sẽ có lúc các cầu thủ không di chuyển, và chuyền qua chuyền lại khoảng 20 đường chuyền mà không hề hướng lên phía trên với một nhịp điệu chậm. Đó là một điều khác lạ đối với M.U, nhưng không làm thay đổi bản chất lối chơi của đội bóng dưới thời Sir Alex: lối chơi tấn công tốc độ”.

Roxburgh đánh giá về thành công của Tây Ban Nha, giành 2 chức vô địch EURO và 1 chức vô địch World Cup trong vài năm qua, nhờ triết lí bóng đá kiểm soát và chuyền bóng nhiều, được áp dụng ngay từ các đội trẻ: “Lối chơi của ĐTQG Tây Ban Nha không được phát triển từ trên xuống, mà từ dưới lên. Các cầu thủ đội trẻ tập luyện ra sao, thì đội lớn chơi như thế. Cách mà Xavi, Iniesta, Sergio Busquets được đào tạo khi còn trẻ đã tạo nên phong cách của đội tuyển. Xavi đã nói một điều rất thú vị. Anh ấy cho rằng 5 hay 6 năm trước, một cầu thủ kiểu như anh sẽ trở nên lỗi thời. Chính thành công của Barcelona và Tây Ban Nha đã tạo nên phong cách thi đấu của họ."

Roxburgh cũng cho rằng nếu các đội trẻ thi đấu như cách đội lớn thi đấu, sự thay đổi sẽ có ảnh hưởng tích cực đến ĐT Anh trong tương lai: “Có rất nhiều cầu thủ và HLV ngoại ở Premier League. Liệu điều đó có ảnh hưởng đến các thế hệ sau cũng như cách đào tạo cầu thủ?”.

Thanh Hoài
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm