12/07/2017 14:10 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Không phải khi tòa nhà “quả bắp”, một trong những biểu tượng kiến trúc tự hào của Đà Nẵng, bị coi thiếu oxy, người ta mới chỉ ra nguy cơ không ít trụ sở hoành tráng có vấn đề.
Nhưng đấy là thực trạng thiếu oxy đó là nghĩa đen, mang tính vật chất, còn khái niệm “thiếu oxy” khác tồn tại ở các môi trường làm việc, lại nằm ở phạm trù tinh thần. Ở đó, những người làm việc cảm thấy tinh thần bị bào mòn bởi thiếu động lực làm việc, bị u uất bởi những quy tắc ứng xử còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu nhân văn...
Mới đây, tại buổi sơ kết công tác nghệ thuật biểu diễn 6 tháng đầu năm, bà Phan Thanh Huyền, phòng quản lý băng đĩa, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã làm choáng váng quan khách khi cho rằng không khí làm việc ở Cục Nghệ thuật biểu diễn cực kỳ ngột ngạt. “Mọi người đối với nhau luôn nghi ngại, chúng tôi luôn phải đề phòng mọi việc. Có những câu chuyện vui trong một bữa ăn trưa nào đó, chúng tôi đưa ra để làm vui bữa ăn thôi nhưng đến tai đồng chí lãnh đạo cũ thì sẽ bị triệu tập ngay, thậm chí họp chi bộ”, bà Huyền nói.
Thực ra, trước khi mọi người biết đến môi trường làm việc ở Cục Nghệ thuật biểu diễn “ngột ngạt, cực kỳ căng thẳng” như bà Huyền nói, thì Cục này cũng đã có không ít quyết định làm dư luận cũng hết sức “căng thẳng, ngột ngạt”.
Phát biểu kết luận buổi sơ kết, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch đã phải thừa nhận, thời gian qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn có những vấn đề khiến dư luận chú ý. Về mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Biên đề nghị phải tìm cách giải quyết để đi đến thống nhất, sao cho có sự hài hoà, hoà đồng giữa lãnh đạo và các đơn vị, tạo không khí vui vẻ và làm việc có hiệu quả...
Môi trường làm việc còn ngột ngạt, cực kỳ căng thẳng, có phải là câu chuyện riêng của Cục Nghệ thuật biểu diễn?
***
Không chỉ ở ta mà bên tây cũng thế, tìm một môi trường làm việc lý tưởng không dễ. Nhưng, có lẽ phải nói thẳng, môi trường công sở nhà nước vẫn đang bị dư luận đánh giá chưa kích thích năng suất lao động cùng khát vọng cống hiến của người lao động. Con số cán bộ có cũng được, không có cũng xong, làm việc kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” từng được công bố vẫn luôn là một vấn đề nóng. Đấy là chưa kể sự mất đoàn kết nội bộ còn nguy hiểm không kém hiệu quả công việc sa sút.
Người viết nhớ trong tháng 3, tại lễ tôn vinh 100 môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam 2016, quá ít các doanh nghiệp trong nước mang vòng nguyệt quế. Tập đoàn Unilever tiếp tục được được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp. Người ta ấn tượng với phát biểu của bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam: tại công ty của chúng tôi, nhãn hàng và con người là hai tài sản quý giá của công ty.
Đúng vậy, nhãn hàng, (có thể gọi thương hiệu cũng được), và con người, là hai thành tố quyết định sự tồn tại, phát triển của mỗi doanh nghiệp.
Trong đó, con người vẫn có yếu tố quyết định. Tạo những điều kiện tốt nhất cho người lao động phát triển, kèm theo đó được hưởng thụ xứng đáng công sức bỏ ra, vẫn phải là cốt lõi. Nếu môi trường làm việc không làm cho người lao động coi thương hiệu chung của đơn vị như là lý tưởng phấn đấu, bảo vệ; coi trụ sở như ngôi nhà mình, coi công việc như là đam mê, thì chẳng khác con người sống mà thiếu ô xy.
Dĩ nhiên, xẩy ra tình trạng làm việc kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” nội bộ lục đục, có gì lạ đâu.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất