Nên xem lại mô hình triển lãm toàn quốc

10/12/2010 14:15 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: “Là một họa sĩ đi xem triển lãm chính nghề của mình mà thấy rất mệt mỏi. Sau ngày khai mạc, tôi quay lại hai lần nhằm xem kỹ để khái quát diện mạo mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm vừa qua, nhưng rồi cảm giác bất lực vẫn bao trùm”. Đó là cảm nhận của họa sĩ Đỗ Đức nhân dịp Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đang diễn ra tại Vân Hồ (Hà Nội) và sẽ kéo dài đến ngày 15/12 tới. Sau đây là bài viết của họa sĩ Đỗ Đức.

1. Tâm lý nói trên của tôi đã xuất hiện trong triển lãm 5 năm trước, và bây giờ càng nhận thấy rõ hơn. Triển lãm bày đủ loại chất liệu, số lượng quá nhiều khiến cho người xem có cảm nhận đây là một “bách hóa tổng hợp” tranh.

Có một người ngoài nghề phát biểu khá ấn tượng rằng nhiều tranh to quá mà tác giả không đủ sức nuôi nên nó chỉ thành đứa trẻ to xác mà kém trí khôn. Hình như đang có xu hướng tranh giành áp đảo bằng khuôn khổ chứ không phải bằng trí tuệ thẩm mỹ. Cho nên nhiều tranh to cho người ta cảm giác “lấy công làm lãi”.


Bức sắp đặt có tên là NGÓNG của Trần Văn Thức
(Hà Nội) - một tác phẩm ấn tượng tại triển lãm


Đi xem đã vậy nên tôi càng thấy thông cảm với BTC triển lãm và Hội đồng nghệ thuật phải vất vả như thế nào để hai lần duyệt: lần đầu trên ảnh gần 5.000 bức, và lần 2 duyệt trên tác phẩm chính gần nghìn bức nữa. Vựng tập triển lãm dày đến 256 trang, nặng trên 2kg vất vả cả tháng trời mới in kịp. Việc bộ phận trưng bày cấp tập trong một tuần vừa chuyển gần nghìn bức tranh (chính xác là 836 tác phẩm của 735 tác giả), mi và treo tranh trên ba tầng nhà triển lãm rộng hàng vạn mét vuông với hàng đống tranh to vật vã, có bức vài chục cân, thật là đáng khâm phục.  

Dù vậy mà triển lãm vẫn bị ì xèo... Tiếng chê ấy là ở phần chưa thỏa mãn với kết quả nghệ thuật của triển lãm chứ không phải không biết đến cái lao tâm khổ tứ của Ban tổ chức bởi họ đã hết lòng, hết sức.  

Điều này cho thấy, nếu mô hình triển lãm toàn quốc không thay đổi thì tôi e rằng những năm sau kết quả sẽ lặp lại mà không thể khác.  

2. Vậy thì phải rút kinh nghiệm thế nào đây để có thể tìm ra một mô hình mới cho triển lãm toàn quốc?

Quá khó cho hội đồng nghệ thuật khi lựa chọn theo cách nào; chọn theo phong trào hay chọn tác phẩm. Và triển lãm này cho thấy rõ là dù tiêu chí nghệ thuật có đặt lên hàng đầu đi nữa thì kết quả vẫn không như mong muốn, vì nó phải gánh tính phong trào. Muốn nâng tầm nghệ thuật quốc gia lên thì phải cương quyết loại bỏ lối nhìn phong trào. Vậy làm thế nào để triển lãm có chất lượng nghệ thuật cao thì cần có tổng kết và bàn chuyên đề để tháo gỡ. Nếu làm được thì đây là một cuộc cải cách lớn trong hoạt động nghệ thuật. Nó không hề dễ tí nào vì ta đã quá quen với lối làm quen thuộc..

Có một ví dụ đem so sánh thì khập khiễng nhưng chung mẫu số. Đó là có quốc gia hàng năm cứ miệt mài thống kê số lượng người vào du lịch để lấy thành tích phát triển. Nhưng nhà kinh tế thì khác, họ quan tâm đến thu nhập tiền qua du lịch hàng năm, số lượng đến chỉ là để tham khảo xem mỗi người vào tiêu bao nhiêu tiền. Nếu chẳng có thu ngân thì số lượng người kia cũng vô nghĩa.

Mỹ thuật thì cũng vậy, to về số lượng nhưng kém chất lượng thì biết nói sao đây?.

Một triển lãm toàn quốc sau 5 năm không lẽ chỉ nhìn vào số lượng tranh. Cái chính là để xem lại sau 5 năm, diện mạo mỹ thuật có chuyển biến gì. Nếu không có gì thay đổi thì không thể gọi là thành công.  

3. Ngành văn hóa đã từng có một việc làm tôi cho là rất hay. Đó là, mỗi năm Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức một triển lãm một chuyên đề: hoặc chuyên sơn mài, chuyên sơn dầu, chuyên lụa, chuyên đồ họa hoặc điêu khắc. Chính những triển lãm này hướng các họa sĩ đi sâu vào từng chất liệu và trong từng loại chất liệu. Các họa sĩ sẽ cố đào luyện về chất liệu mình quan tâm, sẽ chọn được những tác giả để 5-6 năm sau lọc được những tác phẩm tốt cho triển lãm toàn quốc. Tôi chắc chắn cách làm ấy sẽ có những triển lãm toàn quốc chắt lọc về số lượng và chất lượng. Lúc đó BTC, hội đồng nghệ thuật đỡ khổ mà triển lãm chắc chắn sẽ thành công hơn.

Hôm ở triển lãm tôi thấy một người xem nước ngoài cố tìm tờ catalogue giới thiệu triển lãm mà không có. Có người lại lăm le hỏi giá tranh muốn mua mà chẳng ai trả lời... Tôi nghĩ rằng cần có tờ rơi quảng cáo và cũng cần có giá tranh và nên có tranh bán trong triển lãm cũng là để thăm dò thị hiếu và thị trường nghệ thuật để dần xác lập vị trí mặt bằng của các họa sĩ.

Rất nhiều cái đáng bàn sau triển lãm này. Đây chỉ là vài suy nghĩ có tính chất xới xáo. Mỹ thuật dù là dấu ấn cá nhân nhưng nó là diện mạo văn hóa của quốc gia nên không thể coi triển lãm là một sinh hoạt của riêng giới làm nghệ thuật.

9/12/2010
Đỗ Đức (họa sĩ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm