Này đây, Hoàng Anh Tuấn…

23/03/2022 11:55 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Tấm HCB Olympic 2008 đã đưa tên tuổi VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn vào huyền thoại của thể thao Việt Nam. Trên đỉnh vinh quang, lúc 24 tuổi, không dễ gì để giữ thăng bằng, Tuấn cũng thế.

1. Kể từ khi thể thao Việt Nam gia nhập đấu trường Olympic, đã 42 năm, ngoài Tuấn, chỉ có Trần Hiếu Ngân đoạt HCB năm 2000. Tấm HCV duy nhất thuộc về Hoàng Xuân Vinh, nhưng phải đến năm 2016 mới thực hiện được.

Nói thế để thấy tính chất “huyền thoại” mà chàng trai nhỏ xứ Kinh Bắc đã chinh phục. Lúc đó, Hoàng Anh Tuấn thực sự là ngôi sao sáng bậc nhất của TTVN. Anh là con cưng, là “bất khả xâm phạm”.

Giờ thì Hoàng Anh Tuấn đang đứng trước mặt tôi, người đàn ông đã 38 tuổi. Anh thực sự lịch thiệp, chín chắn hơn cả trong ăn nói lẫn suy nghĩ. Những người quản lý cũng nhận xét rất tốt về vị HLV trẻ này.

Tôi cố hình dung lại những hình ảnh thuở trẻ của anh. Không thể quên những bước khởi động trên thảm đấu, cung cách anh nâng tạ, và ăn mừng chiến thắng không lẫn vào đâu được. Đấy là một sự kiêu hùng của tuổi trẻ, đầy năng lượng và đắc chí.

Báo chí không biết đã tốn bao nhiêu giấy mực về Tuấn. TT&VH- TTXVN không là ngoại lệ. Rất mừng vẫn thấy ở Tuấn nét hồn nhiên, trong trẻo. 13 tuổi, chú bé xứ quan họ Bắc Ninh đã phải xa vòng tay mẹ để gắn chặt với đời cử tạ. Ra đời sớm, vậy thì sự non nớt hay những khối mâu thuẫn trong Tuấn là dễ hiểu. Cái kiêu hãnh không giấu được sự rụt rè. Càng giữ khoảng cách thì sự tình cảm của người nhà quê khó che giấu. Trong Tuấn luôn đau đáu nỗi nhớ quê, như món nợ chưa thể trả.

“Hiện nay, Tuấn đã vào biên chế của Sở Văn hóa, Thể thao TP. Đà Nẵng. Không có gì thay đổi sẽ cống hiến đến lúc nghỉ hưu và sau đó sẽ về quê sống đến già ở Bắc Ninh. Có những điều nhỏ bé thế thôi nhưng khó lắm vì hết nhiệm vụ này lại qua nhiệm vụ khác, ước mong được sống ở Bắc Ninh lắm nhưng giờ con trai, con gái đều học ở Đà Nẵng, học trò cũng đều là người miền Trung cả nên đâu dễ rời xa.

Tuấn nhớ quê lắm, mong có thời gian nhiều hơn ở quê với người thân, làng xóm và những thầy cô, nhớ lắm nhưng biết làm sao, chỉ mong có dịp là về quê chơi, dịp hè, dịp Tết, dịp nghỉ phép vậy là đủ những điều vui, hạnh phúc nhỏ thôi nhưng, đâu có dễ làm được”.

Chú thích ảnh
Hoàng Anh Tuấn và cuộc sống hạnh phúc bên vợ con. Ảnh: Nhân vật cung cấp

2. Tuấn đang đảm trách vị trí HLV đội cử tạ trẻ tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia 3. Anh tin rằng cuộc đời mình sẽ tìm và đào tạo được một số VĐV cử tạ tốt cho ĐTVN. Làm hết sức mình thì trời sẽ không phụ lòng người. Anh cũng yêu Đà Nẵng, mảnh đất đất nghĩa tình và đáng sống.

“Từ khi Tuấn chuyển qua công tác huấn luyện từ năm 2012 tới nay có nhiều lứa học trò đã trưởng thành, và học Đại học, cũng có một số em hiện nay có công ăn việc làm ổn định. Qua quãng thời gian từ năm 2007 khi bắt đầu bước chân tới mảng đất Đà Nẵng, Tuấn đã cảm nhận được nơi này thật gần gũi như là mình đã sống ở đây thật lâu rồi vậy, tuy rất nhớ nhà ở Bắc Ninh”.

Năm 2011, “kiến càng” lập gia đình với chị Hồ Thị Kim Oanh sinh năm 1985 đang làm tại phòng Đào tạo, trường ĐH TDTT Đà Nẵng. Hiện đã có 2 cháu, đủ nếp lẫn tẻ.

Hoàng Anh Tuấn cho rằng mình là người hạnh phúc, khi có cuộc sống bình yên. “Các con đều ngoan và học tập tốt. Điều đó khiến vợ chồng Tuấn yên tâm để làm việc. Hai vợ chồng đều hoàn thành việc học thạc sĩ. Ngày trẻ mơ chọc trời, khuấy nước, làm những điều to tát nhưng giờ được bên cạnh vợ con, được làm công tác đào tạo đã là hạnh phúc.

Nhất là năm 2020, đội tuyển trẻ quốc gia được ra đời đã tiếp ngọn lửa nghề cho Tuấn. Sự kiện đó đã tạo động lực để mình bộc lộ hết những đam mê và sở trường của bản thân”.

3. Tuấn kể công việc HLV đội tuyển trẻ rất vất vả, bởi VĐV lứa tuổi này còn “ẩm ương” lắm. Phải chăm lo kỹ, biết lắng nghe chia sẻ với các em. Chủ trương của vị HLV trẻ là hướng các em hoàn thiện cả đạo đức, văn hóa lẫn chuyên môn.

Phải nghiên cứu giáo án, chiến thuật, dự báo các giải cho các VĐV nắm bắt theo từng giai đoạn quả rất khó khăn, áp lực. Các học trò giờ có điều kiện hơn thầy. Tuấn cố gắng truyền những kỹ thuật, kinh nghiệm thi đấu đã học được từ nhiều thầy cũng như quá trình thi đấu.

Các chuyên gia nước ngoài, các thầy Bulgaria hoặc thầy Trung Quốc đều có điểm mạnh riêng, nhưng Tuấn đều rút gọn lại qua từng giai đoạn và lứa tuổi để có cách huấn luyện phù hợp nhất”.

Nhắc lại tấm HCB hạng 56 kg ở Olympic Bắc Kinh, ánh mắt Hoàng Anh Tuấn lấp lánh. “Đến bây giờ Tuấn vẫn nghĩ nó như một điều kỳ diệu vậy. Vì thời điểm đó còn quá nhiều khó khăn lắm. Tuấn nhớ lúc đó chuyên gia thì bị đau trước trận đấu không tham gia chỉ đạo thi đấu được.

Còn lại mình và thầy Đỗ Đình Kháng cùng bạn Nguyễn Thị Thiết tham gia vào cuộc thi đấu đó. Vậy mà thành công ngoài mong đợi.

Cho đến nay, Tuấn vẫn nghĩ thật tuyệt vời vì thể thao Olympic luôn cho những người yêu thể thao, đam mê nó sẽ có thành quả ngoài mong đợi. Hạnh phúc khi đạt được những thành quả từ nghị lực vươn lên trong từng giai đoạn khác, nhau đó là tinh thần bất tử của thể thao”.

Hoàng Anh Tuấn cho biết mong muốn lớn nhất của anh là lớp VĐV sau này sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện để phát huy hơn, thành công hơn tấm HCB mà anh đạt được.

“Nhất định chúng ta sẽ sớm có huy chương Olympic. Vì hiện nay, các HLV Việt Nam đủ tầm huấn luyện và cử tạ cũng được đầu tư rất bài bản”.

Thấy Tuấn chín chắn và có chí lớn, thật mừng cho anh, một chàng trai cá tính, tài hoa nhưng cũng rất truân chuyên.

Ngọc Trinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm