Đã quá lâu rồi, một vở chèo mới thu hút đông khán giả đến vậy. Việc Nàng Sita được công chúng đón nhận cho thấy một thực tế: không phải công chúng ngoảnh mặt với chèo mà chính là những người làm chèo đã chưa biết đưa công chúng trở lại họ bằng những tác phẩm đi vào lòng người như "Nàng Sita".
Nàng Sita tái xuất trong dịp Nhà hát Chèo Hà Nội kỷ niệm 60 thành lập là một hiện tượng "lạ" với sân khấu chèo. Trong lúc chèo dường như đã ra khỏi đời sống văn hóa nghệ thuật của công chúng thủ đô thì vở Nàng Sita trở lại đã gửi đến một tía sáng về nền nghệ thuật dân gian đang có nguy cơ chìm vào quên lãng. Khán giả lại đến rạp xem chèo, để được thấy những Pơ Liêm, Si ta, Hanuman... để được xem Quốc Chiêm và Lâm Bằng trên sân khấu và cả để nhớ lại ánh hàng quang đã từng tỏa sáng sân khấu chèo những năm 1980 của thế kỷ trước.
Nàng Sita Thục Khánh
19h tối ngày 23/9, trước cửa rạp Đại Nam (Phố Huế, Hà Nội) có khá đông khán giả yêu Chèo đứng chờ để vào cửa. Sự hấp dẫn của vở Chèo Nàng Sita 30 năm trước khiến nhiều người không khỏi hồi hộp và đến sớm hơn hẳn.
Bác Chung (Quan Nhân, Hà Nội) hồ hởi cho biết khi có thông tin Nhà hát Chèo dựng lại vở Nàng Sita, con trai bà đã mua vé cho ông bà đi xem. "Tôi nghe nói, phần 1 của vở Chèo, Nàng Sita và vua Pơ Liêm do hai nghệ sĩ trẻ của làng Chèo đóng. Còn phần 2 là NSƯT Lâm Bằng và NSƯT Quốc Chiêm. Tôi rất hồi hộp và muốn biết, nàng Sita ở phần 1 có đẹp không và Nàng Sita ở phần 2 thì có còn mượt mà và đằm thắm như ngày trước tôi từng xem không? Ngày trước, tôi “mê” nàng Sita lắm” - Bác Chung chia sẻ.
Đúng 20h, tấm màn nhung mở ra, tiếng trống Chèo thì thùng như lôi cuốn khán giả “sống” cùng các nhân vật trong câu chuyện huyền thoại.
Nàng Sita Lâm Bằng
Nghệ sĩ trẻ Thục Khánh và Quang Dương vào vai Nàng Sita và vua Pơ Liêm ở phần 1 đã không làm khán giả thất vọng. Thục Khánh uyển chuyển và tinh tế còn Quang Dương thì chững chạc và đầy chiều sâu. Đây là một tài năng trẻ của Chèo Hà Nội đẹp cả “thanh” lẫn “sắc”.
Hồi hộp nhất chính là phần 2 của vở Chèo với sự xuất hiện của NSƯT Quốc Chiêm và NSƯT Lâm Bằng. Và khi họ xuất hiện, khán giả đã dành những tràng pháo tay không ngớt dành tặng cho cặp "tiên đồng, ngọc nữ" của làng Chèo này. Quốc Chiêm vẫn với một giọng hát ấm áp truyền cảm và ngân vang còn Lâm Bằng, một nàng Sita đằm thắm, cô diễn rất "nuột" mặc dù một thời gian khá dài, do mải công việc kinh doanh, cô không còn thời gian đứng trên sân khấu Chèo nữa.
Vua Pơ Liêm Quốc Chiêm
Khán phòng có rất nhiều người già và cả các em nhỏ. Nước mắt lại rơi trên khuôn mặt của khán giả vì thương Nàng Sita xinh đẹp nhưng luôn luôn bị Pơ Liêm nghi ngờ về sự thủy chung. Vẻ ngơ ngác của con trẻ và những câu hỏi "sao Nàng Sita tốt vậy mà phải chết" khiến người lớn khó đưa ra câu trả lời.
Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đã khéo léo sử dụng hiệu quả của ánh sáng hiện đại kết hợp với kiến trúc truyền thống của dân tộc Chăm, điều đó đã tạo nên một sân khấu vừa hoành tráng, vừa có chiều sâu và đặc biệt là nhìn rất… “thật”. Nhất là những bức tường thành và phù điêu, vừa cổ kính, vừa hiện đại. Những màn chuyển cảnh chỉ sử dụng ánh sáng và diễn viên kết nối câu chuyện tạo nên sự liền mạch nhưng vẫn rất rõ ràng không cần phải kéo màn như những vở truyền thống trước đây.
Nàng Sita là vở diễn do cha con kịch tác gia nổi tiếng Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ viết kịch bản. Dù được dàn dựng lần đầu tiên cách đây 30 năm. nhưng cho tới bây giờ, khi dàn dựng lại, vở diễn vẫn mang hơi hướng của thời đại và nó cũng vẫn đề cao một giá trị cao quý, sự thủy chung son sắc của con người. Việc Nàng Sita được công chúng đón nhận cho thấy một thực tế: không phải công chúng ngoảnh mặt với chèo mà chính là những người làm chèo đã chưa biết đưa công chúng trở lại họ bằng những tác phẩm đi vào lòng người như Nàng Sita.
Một vài hình ảnh trong vở diễn:
Theo Vietnamnet