28/02/2011 11:03 GMT+7 | Trong nước
Mê tín ăn sâu trong lối sống
“Tôi tìm tới thầy bói để mong được may mắn và thanh thản trong tâm hồn. Tôi thà làm thế để cảm thấy an toàn hơn là sau này phải ân hận” - Shen, người phụ nữ 38 tuổi đang làm nghề gõ đầu trẻ thổ lộ. Shen kể rằng cha mẹ chị cũng đã từng nhờ vả một thầy bói để đặt tên cho chị.
Những cá nhân như Shen không phải là hiếm trong xã hội châu Á hiện đại. Có đủ loại người, từ già tới trẻ, nghèo khổ hoặc giàu có, luôn sẵn sàng tìm tới các thế lực siêu nhiên khi cần giải quyết các khúc mắc cá nhân. Nó cho thấy các hủ tục mê tín dị đoan và niềm tin dân gian vẫn ăn sâu trong nếp nghĩ và lối sống của nhiều người châu Á, bất chấp việc khu vực này đang hiện đại hóa nhanh.
Tại một số nước như Hàn Quốc và Thái Lan, ảnh hưởng của các thầy phong thủy rất mạnh mẽ. Họ có hàng tá những người sùng bái tìm đến, mong được chỉ dẫn cách thức để có một ngôi nhà lý tưởng, một văn phòng hoàn hảo hoặc mảnh đất đẹp làm nơi an nghỉ cuối cùng. Rất nhiều ngôi nhà chọc trời ở Hong Kong hiện đang được xây theo các nguyên tắc phong thủy, trong khi hướng quay của vòng đu quay lớn nhất thế giới nằm tại Singapore đã phải đảo ngược chiều, sau khi xuất hiện những lời cảnh báo rằng hướng quay hiện tại đang “nạo bớt” sự may mắn đi khỏi quốc đảo.
"Những người không làm ăn tốt muốn đảo ngược sự kém may mắn của mình. Những người đã thành công lại muốn bảo toàn tài sản” - Dave Hum, chuyên gia tại công ty Tư vấn Phong thủy Cổ điển có trụ sở tại Singapore giải thích về việc thiên hạ đua nhau tìm tới các thầy phong thủy.
Niềm tin mang tính mê tín thường rất tiêu cực. Nina Wang, bà hoàng bất động sản Hong Kong một thời, đã từng rải hàng trăm triệu USD cho các nghi lễ phong thủy nhằm chữa căn bệnh ung thư của mình. Thầy phong thủy Trần Chấn Thông, người trực tiếp thực hiện các nghi lễ phong thủy thậm chí còn tuyên bố đã được bà Wang cho thừa kế gia sản trị giá 13 tỉ USD.
Tại Trung Quốc, sự mê tín thể hiện qua việc một số người sẵn sàng trả rất nhiều tiền để đăng ký số điện thoại hoặc có biển số xe chứa số 8. Đơn giản là vì tiếng gọi số 8 gần với chữ “phát”, được cho là mang lại nhiều may mắn. Trong khi đó, số 4 bị nhiều người tránh sử dụng vì có âm giống với chữ “tử”. Vừa qua hãng hàng không Sichuan Airlines của Trung Quốc đã trả 280.000 USD để đăng ký số điện thoại siêu đẹp 8888-8888. Còn tại Singapore, các sòng bạc Marina Bay Sands và Resorts World Sentosa ở Singapore đều đã khai trương trong giờ đẹp, với phần phút có đuôi là số 8, (như Marina Bay Sands là vào lúc 3 giờ 18 chiều ngày 23/6/2010).
Lối thoát về mặt tinh thần
Hệ thống can chi Trung Quốc cũng ảnh hưởng sâu sắc tới lựa chọn của người dân. Tại Đài Loan, tỉ lệ sinh thường tụt giảm mạnh trong năm Dần bởi người ta tin rằng các em bé, nhất là bé gái, sinh năm Dần thường kém may mắn vì chúng mang các đặc điểm hung dữ của con vật.
Trong khi người Trung Quốc thích tham khảo âm lịch trong các hoạt động thường nhật,, người Java ở Indonesia lại hay sử dụng loại lịch cổ đại của họ, được khởi tạo dưới thời vương quốc Mataram trong thế kỷ 17, trước khi ra quyết định quan trọng. Imam Syafei, một nhà thầu xây dựng 35 tuổi nói rằng anh luôn lên kế hoạch khởi công một dự án mới theo khung thời gian đẹp được quy định trong lịch cổ. “Nếu khởi đầu tốt đẹp thì mọi sự tốt lành sẽ theo đó mà tới” - Syafei giải thích.
Tại Indonesia, phần lớn các tập đoàn ở Indonesia được cho là đã gửi người đại diện tới núi Kawi nằm tại tỉnh Đông Java, nơi dân làm ăn thường tới cầu xin sự may mắn. Người Ấn Độ cũng không phải ngoại lệ. Họ là những người sùng bái thuật chiêm tinh và thần số, kỹ thuật sử dụng các con số và bảng chữ cái để tiên đoán tương lai. Họ dùng các phương thức mang tính tâm linh này cho mọi chuyện, từ ký kết hợp đồng làm ăn cho tới cả việc đặt tên cho một bộ phim Bollywood.
“Ngày nay càng lúc người ta càng cảm thấy bất ổn và khi thấy thần số hoạt động hiệu quả cho những người khác, họ cũng muốn thử nghiệm phương thức đó với bản thân” - Sanjay B Jumaani, một chuyên gia thần số học ở Mumbai nói. Jumaani nói rằng chính ông là người đặt tên cho một số bộ phim Bollywood ăn khách nhất năm ngoái. Một trong các phim đó là "Once Upon a Time in Mumbai" (Ngày xưa ở Mumbai) và Jumaani chỉ làm công việc đơn giản là thêm một chữ a nữa vào tên phim, biến nó thành "Once Upon a Time in Mumbaai".
Tương tự, dịch vụ thầy pháp hiện rất phổ biến ở quốc gia đa văn hóa như Malaysia trong khi tại mảnh đất công nghệ cao Nhật Bản, các pháp sư Shinto vẫn thường tiến hành các nghi lễ tẩy uế cho các đoàn tàu viên đạn. Nhiều doanh nhân Nhật Bản được cho là thường xin lời khuyên của các thầy bói bàn tay và các nhà chiêm tinh.
Có lẽ không ở đâu người ta lại sùng bái các nhà chiêm tinh như Sri Lanka, nơi tên nước đã từng bị Tổng thống khi đó là Ranasinghe Premadasa đổi thành "Shri Lanka", sau khi các nhà chiêm tinh cảnh báo cái tên gốc có ảnh hưởng xấu tới ông này. Có tin nói rằng cả quân đội và lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil đều xin các nhà chiêm tinh tư vấn trước khi mở cuộc tấn công nhằm vào nhau.
Giới phân tích chỉ ra rằng mê tín là hiện tượng hết sức bình thường, khi con người cảm thấy yếu thế trước thực tại. "Người ta thường không có đủ sức mạnh để giải quyết mọi vấn đề, vì thế họ phải nhờ tới các niềm tin siêu nhiên, sự mê tín dị đoan như một lối thoát” - nhà xã hội học Chudamani Basnet ở Nepal đánh giá.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất