28/12/2010 13:04 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - Dĩ nhiên là nhà môi giới, hay còn được gọi với cái tên mỹ miều là “agent” (tức người đại diện, ở đây là đại diện cầu thủ). Nhưng “agent” là ai và hoạt động theo cơ chế nào?
1. Kênh quan hệ với đối tác nước ngoài của các đội bóng VN thì có nhiều. Tự thân các CLB cử người đi nước ngoài cũng có (tình huống của Thể Công, hay SHB.ĐN… trước đây là những điển hình); giữ mối liên lạc với các đối tác truyền thống tạo dựng được cũng không ít, nhưng thường xuyên nhất phải là việc thông qua các nhà môi giới, hay vẫn gọi là “cò”. “Cò” Trần Tiến Đại đã và đang được biết đến như một ông trùm môi giới có số má trong làng BĐVN.
Nhưng, ông Đại không phải là tất cả. Rất thường xuyên, những cầu thủ từng có thâm niên chơi bóng ở dải đất hình chữ S, ăn cơm Việt và hiểu từng đường đi nước bước của các CLB VN, đã là người đại diện của phần lớn các ngoại binh. Frank van Eijs, Mauricio Luis, hay Achilefu là những điển hình. Họ đại diện cho các cầu thủ có gốc gác Nam Mỹ và Phi châu, đến hành nghiệp tại các giải đấu cao nhất VN. HLV Calisto và con trai Tiago cũng đã và đang làm công việc này từ nhiều năm nay.
Ông Trần Tiến Đại đã và đang được biết đến như một ông trùm môi giới có số má trong làng BĐVN
Trong một tiết lộ mới đây của Almeida, cựu tiền đạo SHB.ĐN, rằng anh đã được người đồng hương xứ samba, Phan Văn Santos, tiến cử vào Navibank.SG, nhiều người đã ngỡ ngàng. Trên thực tế, những người như Santos có rất nhiều, thậm chí là không đếm xuể. “Tây”, ngay cả khi vẫn còn đang thi đấu, cũng có thể hành nghề môi giới, huống hồ là những cầu thủ đã giải nghệ và còn bám trụ ở xứ sở này.
Người cũ giới thiệu người mới và kiếm lợi (chính đáng) trong những phi vụ như thế. Dù không phải lúc nào cũng là “hàng” tốt, nhưng nguồn cầu thủ ngoại ở VN vì thế trở nên rất dồi dào. Cũng có những người đã đến VN với rất nhiều hoài bão về môi trường kiếm việc và làm việc tốt của nền bóng đá, để rồi sau đó thất vọng, không có đủ tiền hồi hương. Họ trở thành dân tị nạn. Đảo qua mấy quận vùng ven ở TP.HCM hay khu phố “Tây” Phạm Ngũ Lão, tất sẽ gặp những tình huống này.
2. “Anh khỏe không. Em có một tiền đạo hay lắm. Cao và to như em, nhưng kỹ thuật tốt hơn nhiều. Khả năng dứt điểm khỏi phải bàn. Điều đáng nói, là thằng này từng thi đấu ở giải VĐQG châu Âu. Nếu anh muốn, vài ngày nữa em đem “nó” ra Nha Trang nhé. Được hay không, tùy thuộc vào các anh…”, lời Achilefu (bằng vốn tiếng Việt rất sõi – PV), hôm ở Trung tâm Công an TP.HCM, và đầu dây bên kia là cố trưởng đoàn bóng đá kiêm GĐĐH CLB K.KH, Trần Vĩnh Lộc.
Đó là thời điểm năm 2007, khi Achilefu đã giã từ sự nghiệp thi đấu và chuyển qua nghề môi giới cầu thủ (tất nhiên là không chính thức, bởi “Phu” chưa có chứng chỉ hành nghề của FIFA). Achilefu dù có hành nghiệp “chui”, nhưng lại không hề kiêng nể những “đại bàng” trong giới, nhờ vào sự am tường nền bóng đá Việt. Nguồn hàng mà “Phu” cung cấp từ lục địa đen rất đa dạng, đủ mọi chủng loại và đặc biệt, rất hợp với giá thị trường.
Để hợp thức hóa nghề môi giới ở VN, từ khoảng đôi ba năm đổ lại, người ta đã thành lập cả công ty TNHH một (hay nhiều) thành viên, với đủ thể loại chức năng. Đại Nguyên của ông Trần Tiến Đại hay những hợp tác cùng đối tác nước ngoài của cựu HLV Vũ Tiến Thành (Giám đốc một Cty CP Thể thao), đã và đang vận hành theo cơ chế ấy. Cùng với con trai HLV Calisto, Tiago, ông Vũ Tiến Thành còn là đại diện cho một số đội bóng nước ngoài đến VN dự giải và chào hàng.
Đã xuất hiện vài đại diện nhỏ lẻ, với xuất thân không phải là cầu thủ hay những người mang ý niệm thực sự nghiêm túc với nghề môi giới từ ban đầu. Họ vẫn nối mạng với các đội bóng, cũng như đối tác nước ngoài 24/24, để cung ứng những nguồn hàng giá rẻ, hoặc cao cấp. Tuy nhiên, việc chen chân vào thế giới “ma thuật” hái ra tiền này, là điều cực khó. Nghề gì cũng có quy luật của nó, và cổ nhân có câu, “đã giã gạo, thì đừng bế em”. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất