'Nam quốc sơn hà' - bức thư pháp gốm lưu giữ hào khí nước Việt

17/01/2023 08:28 GMT+7 | Văn hoá

(LTS) Cung Khắc Lược là tiến sĩ Hán Nôm đầu tiên của Việt Nam và cũng được biết đến là một trong "tứ trụ thư pháp" của Việt Nam. Ông cũng là một nhà văn hóa lớn có nhiều công trình nghiên cứu về các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Ông đã viết bức thư pháp thể hiện bài thơ Nam quốc sơn hà trên đất sét và được nghệ nhân gốm Nguyễn Hùng biến thành tác phẩm gốm đặc sắc. Đầu Xuân, Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu bài viết mang tính "tự bạch" của ông về tác phẩm này.

1. Xuân Quý Mão sắp đến, trong không khí rộn ràng sắc Xuân này, tôi nghĩ đến "điều tuyệt vời của mùa Xuân nước Việt". Với tôi, điều tuyệt vời nhất chính là những gì của nhân dân, của dân tộc vì vậy trong những ngày đầu Xuân năm mới này, tôi chọn giới thiệu với bạn đọc bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt.

'Nam quốc sơn hà' - bức thư pháp gốm lưu giữ hào khí nước Việt - Ảnh 1.

TS Cung Khắc Lược bên tác phẩm thư pháp gốm “Nam quốc sơn hà”

Đây là bài thơ mà đã là con dân đất Việt thì không ai không biết. Tính đến mùa Xuân năm nay bài thơ đã gần 1.000 năm tuổi và được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Điều đặc biệt là bài thơ này được thực hiện theo lối viết thư pháp bằng chữ Hán Nôm trên chất liệu gốm:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phậm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

("Nam quốc sơn hà", theo "Đại Việt sử ký toàn thư" - Phiên âm Hán Việt)

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bởi

(Bản dịch tiếng Việt, nhà sử học Trần Trọng Kim)

Nhìn lại lịch sử, trong cuộc chiến chống quân Tống lần thứ 2 (1075 - 1077), lúc ấy thế giặc rất mạnh, Lý Thường Kiệt đã đích thân cùng quân sĩ chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Vào một đêm, khi đang nghỉ tại ngôi đền thờ của 2 anh em Trương Hống và Trương Hát, ông bỗng nghe bài thơ văng vẳng bên tai và đã cất tiếng ngâm giữa đêm khuya tịch mịch.

Tiếng thơ vang vọng hào khí khắp đất trời, thổi vào lòng quân sĩ Đại Việt ngọn lửa yêu nước ngút ngàn khiến cho quân giặc lung lay, rối bời, kinh hồn bạt vía.

1.000 năm đã trôi qua với biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử. Từ khi ra đời cho tới nay Nam quốc sơn hà vẫn giữ nguyên các giá trị lịch sử, văn hóa, hồn thiêng dân tộc. Bài thơ cũng khẳng định ý chí làm chủ giang sơn bờ cõi và tuyên bố với thế giới rằng nước Nam có chủ, người Việt Nam có quyền tự do. Điều đó luôn khắc sâu trong tâm trí và con tim mỗi người dân Việt.

'Nam quốc sơn hà' - bức thư pháp gốm lưu giữ hào khí nước Việt - Ảnh 2.

Các chữ “Nam”, “Quốc”, “Sơn”, “Hà” trên bức thư pháp

2. Mùa Thu năm 2018, tôi có một chuyến đến thăm làng gốm cổ Bát Tràng ngàn năm tuổi. Hôm ấy, thành thực tôi không nghĩ ngợi gì nhiều mà ở đâu đó, trong tôi trào dâng những câu thơ đầy hào khí của Nam quốc sơn hà. Với tôi, bản Tuyên ngôn ấy rất vĩ đại, bởi nó chính là một nguyên lý, là bằng cớ vằng vặc giữa trời như một văn bản đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam - mà không ai có thể cãi được - về chủ quyền của dân tộc Việt.

Bài thơ ngắn gọn, thẳng thắn, minh bạch như chính những con người Việt Nam thiện chân, không gian dối, không lừa lọc, trời đất phân minh, lòng người ngay thẳng, trí tuệ rõ ràng, tâm hồn minh bạch.

Tôi đã viết rất nhanh, từng nét chữ hiện ra chắc khỏe, mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất, tự chủ nhưng vẫn mộc mạc, chất phác không cần phải ra sức gò kỹ thuật. Nó đi rất tự nhiên, như dòng nước chảy chứa chan không khiên cưỡng, không gì có thể ngăn lại được. Có lẽ hồn thơ mang hào khí dân tộc của cha ông đã chảy trong huyết quản nên tôi mới có phước có được những giây phút thăng hoa như vậy.

'Nam quốc sơn hà' - bức thư pháp gốm lưu giữ hào khí nước Việt - Ảnh 3.

Các chữ “Thiên”, “Thư” trên bức thư pháp

Bức thư pháp này tôi viết bằng bút lông nhưng không phải trên giấy mà là trên phôi gốm bằng đất sét. Sau đó, nghệ nhân gốm Nguyễn Hùng của làng Bát Tràng đã dùng đôi bàn tay khéo léo của mình cùng một cây bút sắt khắc âm xuống nền của tranh gốm theo kỹ thuật "ám họa" để đảm bảo độ sắc nét của chữ và đảm bảo chữ không bị biến dạng khi nung.

Tiếp đến, tác phẩm được thếp vàng theo một phương pháp cổ dùng để thếp vàng lên tượng Phật bằng gỗ, đã được cải tiến để thếp lên gốm kèm theo sử dụng hiệu ứng ánh sáng tạo cảm giác các chữ được nổi lên hào sảng, rạng rỡ.

Quá trình chế tác này đòi hỏi sự kiên nhẫn tuyệt đối và là thử thách lớn của nghệ nhân, bởi vừa phải đảm bảo được "hồn chữ" phóng khoáng của người viết vừa phải giữ được nguyên vẹn đường nét khi qua lửa nung ở nhiệt độ cao.

Khi tác phẩm được hoàn thành tôi thấy rất đẹp, bức thư pháp gốm cũng truyền tải được hết vẻ đẹp của bài thơ cũng như hồn chữ Hán Nôm đúng ý tôi. Nguyễn Hùng vốn là một học trò 10 năm về Hán Nôm của tôi và tôi đã rất hài lòng khi anh thể hiện được trọn vẹn những gì tôi mong muốn trong bộ thư pháp này.

Với tôi, một văn bản giữ được lâu nhất là một văn bản được khắc trên đá hoặc viết trên gốm bởi gốm hội tụ đủ cả 5 yếu tố ngũ hành tương sinh: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, vì vậy nó rất bền với thời gian. Đặc biệt, bức thư pháp gốm này được dùng toàn bộ những vật liệu của đất Việt như đất sét, nước và trầm tích phù sa sông Hồng. Nó lại được chế tạo và nung trong lò lửa của làng Bát Tràng, được viết bằng chữ Hán Nôm của người Việt và là bức thư pháp Nam quốc sơn hà bằng gốm đầu tiên của Việt Nam nên đối với tôi nó rất trân quý.

***

Mùa Xuân đến, chúng ta được bước đi thênh thang giữa đất trời Việt, thưởng lãm vẻ đẹp của những bông hoa đào, hoa mai - đó là điều tuyệt vời nhất! Và chúng ta luôn tự hào được mang trong mình dòng máu "Con rồng cháu tiên", để biết ơn cha ông đã tạo dựng và giữ gìn đất nước thanh bình này cho con cháu đời sau.

"Với tôi, một văn bản giữ được lâu nhất là một văn bản được khắc trên đá hoặc viết trên gốm bởi gốm hội tụ đủ cả 5 yếu tố ngũ hành tương sinh: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vì vậy nó rất bền với thời gian" - TS Cung Khắc Lược.

TS Cung Khắc Lược

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm