06/12/2022 16:02 GMT+7 | Tin tức 24h
Phục hồi, làm mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ, năm 2022, hoạt động du lịch ở Thanh Hóa tăng trưởng nhanh, sôi động trở lại.
Làm mới sản phẩm du lịch hiện có
Cùng với việc thu hút, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch quy mô lớn; năm 2022 tỉnh Thanh Hóa sớm khởi động, công bố biểu trưng du lịch, phát động kích cầu du lịch và đón khách du lịch quốc tế.
Các địa phương có khu, điểm du lịch nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hiện có, động viên doanh nghiệp giảm giá, cam kết về chất lượng, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, an toàn, hấp dẫn.
Năm nay, thành phố Sầm Sơn tiếp tục tổ chức khá quy mô "Lễ hội tình yêu - Hòn Trống Mái", thổi hồn vào danh thắng; duy trì tuyến phố đi bộ kết hợp với kinh doanh mua sắm hàng lưu niệm, giải khát, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại tuyến đường Thanh Niên.
Thành phố phối hợp tổ chức thành công lễ Kỷ niệm 115 năm du lịch, 5 năm thành lập thành phố Sầm Sơn; công bố hoàn thành xây dựng nông thôn mới, khởi công xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc; phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời tổ chức thành công Lễ hội Carnival đường phố, Chương trình nghệ thuật thứ 7 hàng tuần - SunFest Thanh Hóa 2022...
Kết quả, Sầm Sơn đã đón được hơn 7 triệu lượt khách, phục vụ hơn 14 triệu ngày khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 14.134 tỷ đồng, bằng 182,4% kế hoạch năm.
Từ đầu năm đến nay, khá đông du khách tham quan di sản, nhất là các di tích trọng điểm như Phủ Na, Đền Nưa-Am Tiên, các di tích quốc gia đặc biệt: Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa.
Mã Thanh Cao đến từ thành phố Hồ Chí Minh bộc bạch: "Đã nhiều lần đến tham quan, nghiên cứu về quần thể di tích Lam Kinh, tôi luôn hứng thú, đam mê tìm hiểu những giá trị vật thể, phi vật thể ở quần thể di tích".
Năm nay, Ban quản lý mở cửa Chính điện Lam Kinh, đáp ứng nhu cầu tham quan, giải tỏa nhu tâm linh của khách thập phương. Hệ thống thuyết minh tự động cùng các cán bộ, hướng dẫn, thuyết minh viên "thổi hồn" vào di sản.
Dịp lễ hội năm 2022, Ban quản lý phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức cuộc trưng bày các hiện vật, di vật có chủ đề: "Đông Kinh-Lam Kinh thời Lê", giới thiệu tới công chúng những giá trị di sản đặc sắc về lịch sử, văn hoá của hai vùng đất: Thanh Hoá và thủ đô Hà Nội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác cùng phát triển. Đến thời điểm này đã có hơn 400 nghìn khách du lịch đến với Lam Kinh - Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh Vũ Đình Sỹ thông tin.
Tại di sản thế giới Thành nhà Hồ, ngoài tôn tạo cảnh quan, trồng cây xanh tạo bóng mát tại khuôn viên di sản; mở rộng bãi đỗ xe ra khu vực phía sau nhà trưng bày, trung tâm vận hành chương trình thuyết minh tự động 3D, phối hợp công ty Mobiphone thực hiện các app du lịch, khai thác tuyến tham quan di sản và làng cổ, mở rộng địa bàn tham quan các sản phẩm du lịch.
Đặc biệt, trung tâm phối hợp nghiên cứu, khai quật khảo cổ khu vực nội thành, phát lộ con đường Hoàng Gia cùng nhiều kiến trúc, hiện vật quan trọng khu vực chính điện, làm tăng thêm giá trị nổi bật toàn cầu, phát huy giá trị di sản thế giới.
Một điểm đến-đa dịch vụ
Năm nay, các địa phương, cơ quan chức năng ở Thanh Hóa tập trung xây dựng, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới tại một số di tích trọng điểm. Với các sản phẩm du lịch truyền thống, có thế mạnh như du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh..., Thanh Hóa tập trung xây dựng "một điểm đến-đa dịch vụ".
Tại nhiều địa phương có thêm các sản phẩm mới như du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE; tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, làng Văn hóa dân tộc xứ Thanh; trải nghiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh; hay hòa mình trong hương thơm mát dịu, check in cùng hoa sen trong nội thành Thành nhà Hồ, trên mặt nước trải rộng hoa súng ở khu du lịch động Kim Sơn, huyện Vĩnh Lộc; tham quan Khu Du lịch Anh Phát, khám phá tour du lịch trên biển ở thị xã Nghi Sơn, các nông trại: QueenFarm ở huyện Quảng Xương, Linh Kỳ Mộc ở thành phố Thanh Hoá, Làng du lịch Yên Trung, huyện Yên Định…
Khôi phục nhanh hoạt động du lịch sau thời gian "đóng băng" bởi đại dịch Covid-19, Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành điểm đến "4 mùa" trong năm.
Các khu du lịch biển: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; thiết lập trật tự kỷ cương, tạo lập môi trường văn hóa, văn minh, tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch kích cầu, thu hút du khách.
Những địa phương có lợi thế về du lịch sinh thái, cộng đồng còn quan tâm nâng cao chất lượng, nhân lực du lịch; chú trọng kết nối các tour, tuyến du lịch đến các điểm đến du lịch. Qua đó đã hình thành nên các sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và du lịch thông minh phục vụ khách du lịch.
Làm mới, phát triển thêm sản phẩm du lịch, đa dạng dịch vụ, xây dựng điểm đến an toàn, Thanh Hóa tiếp tục nâng cao hàm lượng văn hóa, đưa các giá trị văn hóa thấm sâu, tỏa lan qua mỗi sản phẩm du lịch.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, năm nay, tổng lượng khách du lịch ước đạt hơn 11 triệu lượt khách, trong đó có 245 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, bằng 111,8% kế hoạch, gấp 4 lần năm 2021.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất