Rafael Nadal: Chấn thương về tâm lý là đáng sợ nhất

15/11/2015 13:39 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Trong thể thao, “injury prone” là thuật ngữ được dùng để chỉ những VĐV hay gặp chấn thương. Chúng ta đã quá quen thuộc với những Arjen Robben hay Robin van Persie của bóng đá. Tennis cũng có những tay vợt như vậy, mà tiêu biểu là Rafael Nadal.

2 chức vô địch ATP 250 và 1 chức vô địch ATP 500. Đó không phải là con số thống kê dành cho một tay vợt luôn giành được ít nhất 1 Grand Slam và 1 Masters 1000 trong 10 năm gần nhất. Để tìm được thành tích tệ hơn vậy của Nadal, chúng ta phải ngược về trước năm 2004, khi anh chỉ là một tay vợt tuổi teen.

Phú quý giật lùi

Những chấn thương từ lớn đến nhỏ là nguyên nhân lớn nhất được đưa ra cho sự đi xuống của Nadal. Không phải đến tận bây giờ mà đã từ rất lâu trước đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của Nadal sẽ ngắn hơn những tay vợt khác bởi lối đánh dựa nhiều vào thể lực. Việc thi đấu chuyên nghiệp từ sớm và tham gia nhiều giải đấu trên sân đất nện, vốn đòi hỏi nhiều thể lực cũng như nhiều động tác trượt, đã có những tác động không tốt lên đầu gối của Nadal, mà chứng viêm gân anh bắt đầu gặp phải từ những năm 2005 là thủ phạm chính.

Sau mùa giải 2013 kì diệu, Nadal đã thể hiện một hình ảnh trái ngược. Những bước di chuyển trở nên nặng nề, tốc độ giảm sút và thường không theo kịp những cú đánh táo bạo và đầy sức mạnh của đối phương. Trong 2 năm qua, chỉ duy nhất 1 lần Nadal là chính mình khi anh lần lượt khuất phục Murray và Djokovic trong các trận bán kết và chung kết Roland Garros 2014.  

Ý kiến chuyên gia: Vẫn có cơ hội cho Nadal, dù… nhỏ

Ý kiến chuyên gia: Vẫn có cơ hội cho Nadal, dù… nhỏ

Chỉ còn 2 ngày nữa là ATP World Tour Finals (WTF) khởi tranh. Chúng ta cùng xem đánh giá của chuyên gia Barry Cowan, cựu tay vợt từng hạ Pete Sampras ở Wimbledon năm 2001.

Thực ra, vấn đề của Nadal không quá mới. Nó đã bắt đầu kể từ sau thất bại trước Wawrinka trong trận chung kết Australian Open 2014, người mà anh đã đánh bại triệt để trong 12 lần đối đầu trước đó với tỉ lệ set thắng - thua là 26-0! Thất bại đó dường như đã có ảnh hưởng không nhỏ lên tâm lý của Nadal. Anh thua toàn diện trước Djokovic trong trận chung kết Miami Masters năm đó, tiếp tục thua trước những đối thủ mà anh hiếm hoặc chưa bao giờ thua (Ferrer, Almagro) và suýt chút nữa bị Nishikori làm bẽ mặt trước khán giả nhà (chung kết Madrid Masters) trên mặt sân sở trường.

“Sinh hay diệt”?

Thua Djokovic ở sân cứng và thành trì đất nện vững chắc bắt đầu bị lung lay khiến niềm tin của Nadal giảm sút mà điểm đáy của nó chính là mùa giải 2015 đầy thất vọng. Anh di chuyển nặng nề hơn, căng cứng hơn và suy nghĩ nhiều hơn trong những cú đánh. Khi xưa Nadal trừng phạt đối phương bằng sự lì lợm và một tinh thần thi đấu bất khuất thì giờ đây, anh tự bắn vào chân mình trong những thời khắc quyết định.

Chú Nadal: 'Nadal sẽ quyết định tôi có tiếp tục làm HLV nữa không'

Chú Nadal: 'Nadal sẽ quyết định tôi có tiếp tục làm HLV nữa không'

Chú và cũng là HLV của Rafael Nadal, Toni Nadal, nói rằng tay vợt Tây Ban Nha đã trải qua năm tệ nhất trong sự nghiệp và cho biết chính Nadal sẽ quyết định ông có tiếp tục làm HLV cho anh nữa hay không.

Nadal của năm 2015 là một Nadal yếu về sức mạnh thể chất, bạc nhược về sức mạnh tinh thần và tỏ ra vô cùng thiếu tham vọng. Anh run sợ và hoài nghi về chính bản thân mình khi điểm tựa sân đất nện đã bị đập nát. Rằng anh đã chiến thắng quá nhiều trong quá khứ, rằng anh biết mình sẽ thua Djokovic (tứ kết Roland Garros). Anh phàn nàn về công tác trọng tài (vụ việc Bernardes), anh than thở rằng tại sao ATP không tổ chức giải đấu cuối năm trên sân đất nện. Liệu anh còn nhớ rằng 9/14 Grand Slam và 19/27 Masters 1000 anh giành được là từ đâu? Nadal phàn nàn bởi anh đang thiếu điểm tựa để bấu víu về mặt tâm lý khi anh đang bị cơn “chấn thương tinh thần” hành hạ.

Có thể Nadal không cần phải tìm đến một HLV mới. Điều anh cần làm không phải là xuất hiện trên mặt báo với những phát ngôn bạc nhược khiến anh mất đi chính mình như vậy. Thay vào đó, anh cần tập trung vào việc tìm lại sự tự tin qua từng chiến thắng một ở những giải đấu lớn trước những đối thủ lớn, mà ATP World Tour Finals là một cơ hội như vậy.

Là sinh hay diệt, Nadal cần quyết đoán trước bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình!

2 Nadal mới chỉ 2 lần vào chung kết ATP World Tour Finals, đều trong những năm thành công nhất trong sự nghiệp (2010, 2013)

3 Số danh hiệu của Nadal trong năm 2015, bao gồm 2 danh hiệu ATP 250 và 1 danh hiệu ATP 500

5 Nadal bước vào ATP World Tour Finals năm nay với tư cách hạt giống số 5, thấp nhất trong các lần tham dự.

Vương quốc Anh sẽ đăng cai ATP World Tour Finals 3 năm nữa

Theo bản hợp đồng mới ký, Vương quốc Anh vẫn sẽ là chủ nhà của giải quần vợt ATP World Tour Finals thêm 3 năm nữa. Và Barclays tiếp tục là nhà tài trợ sau giải Ngoại hạng Anh. Sân O2 Arena ở thủ đô London là địa điểm diễn ra các trận đấu của 8 tay vợt nam xuất sắc nhất của mùa giải.

Khác với mọi năm, ban tổ chức đã quyết định đổi tên 2 bảng đấu nhằm tôn vinh các huyền thoại làng banh nỉ. Theo đó, bảng A được gọi là Stan Smith, tên của cựu tay vợt người Mỹ, trong khi bảng B đổi thành Nastase, tay vợt cựu số 1 thế giới người Romania. Phần thưởng cho nhà vô địch là gần 2 triệu đô la Mỹ.


Kim (Từ Anh quốc)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm