Trao trả Pháp bức tranh bị đánh cắp trong Thế chiến I

17/10/2011 06:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nửa thế kỷ sau khi bị một lính Đức đánh cắp trong Thế chiến I và sau 1 thập kỷ tranh chấp pháp lý, bức tranh A Fisherman’s Daughter của họa sĩ Pháp Jules Breton (1827-1906) đã được trở về quê hương.

Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đã trao bức tranh này cho Đại sứ Pháp tại Mỹ - ông Francois Delattre - trong buổi lễ trọng thể được tổ chức tại Đại sứ quán Pháp ở Washington. Buổi lễ còn có sự chứng kiến của Anne Labourdette, Giám đốc bảo tàng Chartreuse ở thành phố Douai, miền Bắc nước Pháp, nơi đã đấu tranh nhiều năm để giành lại bức tranh bị đánh cắp.

Sinh năm 1827 ở vùng Pas-de-Calais, Breton đã lý tưởng hóa vùng nông thôn Pháp và người dân nước này trong những bức tranh của mình vào thời điểm châu Âu đang trong cuộc cách mạng công nghiệp và xã hội. Nhiều tác phẩm của ông hiện được treo trong các bảo tàng khắp nước Pháp, trong đó có Bảo tàng Musee d’Orsay ở Paris và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, Mỹ.

Được thành phố Douai ủy quyền vẽ vào năm 1875, khi Breton đang ở đỉnh cao sự nghiệp, bức tranh A Fisherman’s Daughter mô tả một người phụ nữ đội khăn trùm đầu màu trắng đang ngồi vá một tấm lưới bắt cá. Họa phẩm này được treo trong bảo tàng thành phố đến ngày 15/9/1918 và sau đó bị một người lính Đức cắt ra khỏi khung tranh khi quân đội Đức chiếm đóng Douai.

Thành phố Douai bắt đầu tìm kiếm bức tranh từ những năm 1920, nhưng mãi đến năm 2000, qua nhà đấu giá Sotheby’s, họ mới biết phòng trưng bày nghệ thuật ở Zurich đang chuẩn bị đấu giá bức tranh này.

Trước sự phản đối của bảo tàng, bức tranh đã được niêm phong trong 5 năm, và sau đó đã được trả về với chủ sở hữu người Mỹ, trước khi được hồi hương về Pháp.

Được bảo hiểm với số tiền 140.000 euro, bức tranh này sẽ được treo lại trong Bảo tàng Douai từ ngày 21/10.

Tuấn Vĩ (theo nguồn tin nước ngoài)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm