Người đi săn Osama bin Laden - Kỳ 1: Bật mí của CIA

24/08/2011 10:10 GMT+7 | Trong nước

Người "thợ săn" chính trong chiến dịch truy lùng Bin Laden là một chuyên gia phân tích lão luyện của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).

>> Chuyên đề: Osama bin Laden đã chết

Trong vụ lực lượng biệt kích Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakixtan hồi đầu tháng 5 vừa qua, một bức ảnh được nhiều người biết đến là bức ảnh chụp Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các thành viên nội các ngồi ở Phòng Tình huống nằm ở tầng hầm của Nhà Trắng, theo dõi cuộc đột kích qua màn hình. Nhưng rất ít người biết rằng, cũng có mặt bên cạnh các thành viên trong “bộ máy điều hành” nước Mỹ ở Phòng Tình huống hôm ấy song không lọt vào khuôn hình bức ảnh nổi tiếng trên là người thợ săn chính trong chiến dịch truy lùng Bin Laden - một chuyên gia phân tích lão luyện của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).




Trùm khủng bố Osama bin Laden – “con mồi” mà chuyên gia phân tích tình báo John đã theo đuổi gần một thập kỷ.

Cũng như nhiều người khác tham gia chiến dịch truy lùng thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, chuyên gia trên không được phép nói chuyện với báo chí. Tuy nhiên, hãng tin AP (Mỹ) đã tiếp cận được với ông và được phép thông tin về chiến dịch truy lùng Bin Laden, sau khi đảm bảo với CIA là không nêu tên cũng như các chi tiết về nhân thân của chuyên gia này để tránh việc ông trở thành mục tiêu trả thù. Vì thế, ông được gọi bằng tên đệm là John.

Có thể nói trong chiến dịch truy lùng Bin Laden, không có ai đóng vai trò quan trọng hơn John. Công việc chính của ông trong suốt gần một thập kỷ là truy tìm dấu vết của trùm khủng bố số 1 thế giới. Và ông là người đầu tiên khẳng định bằng văn bản rằng CIA đã có manh mối xác thực về Bin Laden.

John là một trong số hàng trăm người được đưa về Trung tâm chống khủng bố của CIA sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2011 nhằm tiếp thêm nguồn sinh lực cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Phó Giám đốc CIA John McLaughlin, người thường xuyên làm việc trực tiếp với John đã nhận xét rằng: “Ông ấy (John) là người luôn có khả năng tìm ra sợi dây liên hệ giữa hàng đống chi tiết mà chúng tôi thu thập được”.

Từ khi đầu quân cho Trung tâm chống khủng bố của CIA năm 2003 đến năm 2005, John đã tham gia chỉ huy và góp phần đáng kể vào thành công của nhiều chiến dịch truy lùng các nghi can khủng bố hàng đầu như Abu Zubaydah, Abd al-Nashiri, Khalid Sheik Mohammed, Ramzi bin Alshib, Hambali và Faraj al-Libi. Song “con mồi” số 1 mà John theo đuổi vẫn là Osama bin Laden.

Không lâu sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, lực lượng Mỹ đã để Bin Laden lọt lưới tại khu vực rừng núi ở Ápganixtan. Năm 2006, CIA thực hiện Chiến dịch Đạn súng thần công (Operation Cannonball) thiết lập các cơ sở nằm vùng tại các bộ tộc ở Ápganixtan hòng lần ra dấu vết của trùm khủng bố số 1 thế giới. Tính từ ngày 11/9/2001 đến thời điểm đó, CIA đã qua 3 đời giám đốc, người thì chuyển nơi khác, người thì nghỉ hưu. Chỉ riêng John vẫn ở nguyên một chỗ và vẫn làm công việc cũ. CIA cũng từng đề nghị chuyển John đến đơn vị khác, song chính ông yêu cầu để ông tiếp tục theo đuổi vụ Bin Laden.

John kiểm tra đi kiểm tra lại tất cả những gì có liên quan đến cuộc đời Osama bin Laden. Trùm khủng bố đã sống như thế nào trong thời gian trốn chạy ở Xuđăng? Ai đã ở bên cạnh ông ta trong thời gian ông ta sống ở Kandahar, Ápganixtan. Nơi ẩn náu của ông ta như thế nào? Một nhân viên tình báo cấp cao nhớ lại lời John thường nói với các đồng nghiệp: “Hãy nghiên cứu từng chút từng chút một. Osama bin Laden đang ở đâu đó. Chúng ta sẽ tìm ra nơi đó”.



Tổng thống Obama và nội các theo dõi chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden qua màn hình ở Phòng Tình huống.

Trong thời gian làm việc ở Trung tâm chống khủng bố, John ngày càng được đề bạt lên vị trí cao hơn. Nhưng ảnh hưởng của ông lại còn cao hơn cả vị trí mà ông có, nhờ vốn kinh nghiệm “không ai địch nổi” trong cuộc truy tìm Bin Laden. Một cựu lãnh đạo CIA đã phải thừa nhận “John là người mà tôi cần phải nghe khi ở trong phòng họp”.

Trong quá trình lần theo dấu vết của Bin Laden, năm 2007, một nữ đồng nghiệp của John đã đề xuất tập trung sự chú ý vào người đàn ông có tên Abu Ahmed al-Kuwaiti. Theo lời khai của một số nghi can khủng bố, al-Kuwaiti chính là người đưa thư của Bin Laden. Nữ chuyên gia phân tích tình báo này tin rằng bám theo al-Kuwaiti ắt sẽ lần ra nơi ẩn náu của Bin Laden.

Ba năm theo dõi al-Kuwaiti đã mang đến cho nhóm của John thông tin: Người đưa thư của Bin Laden đang ở ngoại ô Ixlamabát. Tháng 9/2010, báo cáo về quá trình theo dõi al-Kuwaiti hoàn tất, có tiêu đề “Giải phẫu một manh mối”. Ngay lập tức, báo cáo này trở thành đề tài nóng ở tổng hành dinh của CIA.
Cuối cùng, CIA xác định được al-Kuwaiti đang sống trong một khu nhà ở Abbottabad, ngay gần học viện quân sự của Pakixtan. Nếu Bin Laden sống trong ngôi nhà ở ngoại ô đông đúc này thì đây quả là một thách thức đối với suy đoán lâu nay của CIA rằng trùm khủng bố này ẩn náu ở vùng rừng núi hẻo lánh.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm “nghiên cứu” về Bin Laden, John cho rằng trùm khủng bố nhiều khả năng đang sống trong khu nhà ở Abbottabad, cùng với một số kẻ đưa thư và người thân, không sử dụng điện thoại cũng như Internet.

Thông tin này ngay lập tức được Giám đốc CIA Leon Panetta báo cáo với Tổng thống Barack Obama. Oasinhtơn tìm mọi cách để xác định xem ai đang sống trong ngôi nhà ở Abbottabad. CIA cài người vào những ngôi nhà xung quanh nhưng không thu được tin tức gì. Những hình ảnh thu được qua vệ tinh chỉ cho thấy có một người đàn ông cao lớn đi lại bên trong nhưng không rõ mặt.

Nhóm của John cũng chưa thể khẳng định người sống trong ngôi nhà là Osama bin Laden. Họ đưa ra 5,6 cái tên và cái tên Osama bin Laden vẫn đứng ở vị trí số 1. Cứ thế, vài tháng trôi qua trong sự do dự của Oasinhtơn và CIA, trong đó có John.

Đến tháng 2/2011, John nói với “sếp” Panetta rằng: CIA có thể tiếp tục theo dõi ngôi nhà đó nhưng rất ít hy vọng có được thông tin tốt hơn. Đây là cơ hội tốt nhất để tìm ra Bin Laden và cơ hội ấy không kéo dài.

Quan điểm này cũng ngay lập tức được Panetta trình bày với Tổng thống Obama. Sau đó, Giám đốc CIA thường xuyên họp với nhóm của John và cũng thường xuyên đặt cho John câu hỏi: Anh có thể chắc chắn bao nhiêu phần trăm rằng kẻ sống trong ngôi nhà đó là Osama bin Laden. John đáp: 80%. Nhưng không có nhiều người có được niềm tin như John, nhất là những người từng tham gia một số chiến dịch truy tìm Bin Laden bị thất bại trước đó, họ sợ lần này nếu thất bại sẽ là một thảm họa.

Đến tháng 4, Tổng thống Obama quyết định cử lực lượng biệt kích của Hải quân Mỹ đến Abbottabad. Ngay cả khi cuộc tấn công của lực lượng biệt kích đã bắt đầu, một quan chức tình báo cấp cao vẫn còn nói với John rằng: “Nếu các anh có bất cứ mẩu thông tin nào về việc kẻ sống trong ngôi nhà ở Abbottabad có thể không phải là Osama bin Laden, hãy lên tiếng trước khi chúng ta phí hoài mạng sống của một số người Mỹ”.

Và cuộc đột kích kéo dài 40 phút của lực lượng biệt kích Mỹ chứng minh John đã đúng: Kẻ sống trong ngôi nhà ở Abbottabad chính là trùm khủng bố Osama bin Laden.

Theo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm