18/02/2025 07:12 GMT+7 | Văn hoá
Sân khấu kịch nói TP.HCM từ lâu đã nổi tiếng với sự đa dạng, từ bi kịch, hài kịch đến kịch lịch sử, kinh dị… Trong dòng chảy ấy, một mảng kịch mới mẻ và đầy táo bạo đang dần khẳng định vị thế: kịch về đề tài đồng tính.
Dù còn non trẻ và gặp không ít thách thức, mảng kịch này đã trở thành cầu nối nghệ thuật phản ánh sự đa dạng của xã hội, góp phần thúc đẩy đối thoại về quyền tự do yêu thương và bình đẳng.
Sự trỗi dậy từ thế mạnh riêng
Khác với các mảng đề tài khác, kịch về đồng tính chỉ thực sự xuất hiện tại TP.HCM khoảng hơn 1 thập niên trở lại đây. Sự ra đời của những vở kịch đầu tiên này gắn liền với xu hướng xã hội ngày càng cởi mở hơn trong việc nhìn nhận, chấp nhận sự đa dạng về giới tính.
Ban đầu, các vở kịch thường được xây dựng dưới dạng những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, mang màu sắc lãng mạn. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng có nội dung ngày càng đa dạng, sâu sắc hơn nhờ vào sự dũng cảm của các nghệ sĩ cùng nhu cầu phản ánh hiện thực đa chiều. Nhiều vở diễn không chỉ đơn thuần giải trí mà còn chạm vào những vấn đề nhạy cảm, từ định kiến gia đình, kỳ thị xã hội đến hành trình tự chấp nhận bản thân của người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới).
Vở “Sắc màu” của sân khấu IDECAF. ẢNH: H.K
Trong số đó, sân khấu IDECAF là cái tên nổi tiếng với sự cởi mở đã gây tiếng vang với vở Hợp đồng mãnh thú, thu hút sự quan tâm từ khán giả trong lẫn ngoài nước. Tác phẩm được đánh giá cao bởi nội dung mới lạ, cách xây dựng nhân vật chân thực, gần gũi. Người xem được tiếp cận đến những khía cạnh sâu sắc về mối quan hệ giữa người đồng tính trong xã hội hiện đại và dễ dàng đồng cảm. Đó không chỉ đơn thuần là tình cảm mà còn chứa đựng những xung đột, giằng xé nội tâm, mang đến những thông điệp ý nghĩa về tình yêu, sự chấp nhận và quyền được là chính mình.
Hay vở Sắc màu cũng là một tác phẩm thể hiện sự đa dạng và phong phú của cuộc sống, trong đó có những mảnh ghép về tình yêu đồng tính, mang đến thông điệp về sự chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt.
Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B từ lâu đã được biết đến như một đơn vị tiên phong trong việc thể nghiệm các loại hình kịch mới, trong đó có kịch đồng tính. Có thể kể đến Bồ công anh, Tía ơi, con lấy chồng xoay quanh những mâu thuẫn trong gia đình - khi người con trai quyết định công khai giới tính thật và muốn kết hôn với người mình yêu. Tác phẩm chạm đến những vấn đề nhạy cảm về sự chấp nhận và kỳ thị trong xã hội, đồng thời mang đến những giây phút hài hước, thư giãn cùng tình cảm gia đình đậm chất miền Tây Nam Bộ.
Vở “Ông già đoàn lô tô” của Sân khấu Thế Giới Trẻ. ẢNH: H.K
Bên cạnh đó, các sân khấu trẻ cũng tích cực đưa kịch về đồng tính vào kịch mục, kết hợp khéo léo giữa yếu tố giải trí và thông điệp xã hội. Sân khấu Thế Giới Trẻ nổi bật với Đỏ, cam, vàng, lục, lam, tím xoay quanh một giám đốc trẻ là người đồng tính bị mẹ ép lấy vợ để che giấu xu hướng tình dục của mình. Tác phẩm phản ánh nỗi đau và khó khăn mà người đồng tính phải đối mặt, khi sự giằng xé giữa tình yêu và áp lực gia đình có thể dẫn đến những bi kịch.
Rồi, sân khấu Hồng Vân cũng không kém phần sôi động với Phòng trọ 3D, mang đến những tình huống hài hước nhưng đầy nhân văn về cuộc sống của những người đồng tính nam trong một khu trọ. Vở kịch nhấn mạnh tình người, sự đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau trong cộng đồng LGBT, đồng thời phản ánh khát khao sống tốt đẹp và được xã hội chấp nhận của họ.
Những phản hồi đa chiều
Khán giả của kịch đồng tính rất đa dạng. Tất nhiên, không thể bỏ qua những thành viên từ cộng đồng LGBT, họ đến xem để tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia. Nhưng giới trẻ cởi mở, yêu thích nghệ thuật cũng là một lực lượng khán giả đông đảo. Họ tò mò về thế giới của những người đồng tính và muốn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề bình đẳng giới. Bên cạnh đó, những người quan tâm đến các vấn đề xã hội, cũng là đối tượng khán giả tiềm năng của loại hình kịch này.
Phản hồi từ khán giả thường rất tích cực, đặc biệt là cộng đồng LGBT. Nhiều người chia sẻ họ tìm thấy chính mình trong các nhân vật, thấy được đồng cảm và thấu hiểu.
Vở “Bồ công anh” của Sân khấu 5B. ẢNH: H.K
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, kịch đồng tính vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Định kiến xã hội vẫn còn tồn tại, gây khó khăn cho các vở này trong việc tiếp cận với phần đông khán giả. Một số khán giả lớn tuổi phản đối vì cho rằng đề tài này "trái với thuần phong mỹ tục".
Rồi, rủi ro về doanh thu cũng là một bài toán khó giải khi thị trường còn hẹp. Khác với kịch hài hay kinh dị, kịch về đồng tính thường khó thu hút nhà tài trợ do tính nhạy cảm. Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc IDECAF, chia sẻ: "Chúng tôi phải tự cân đối ngân sách, có khi bù lỗ cho vài vở. Nhưng nếu không làm, sân khấu sẽ mất đi tiếng nói đa chiều".
Vấn đề chất lượng cũng là một rào cản lớn khi số lượng kịch bản hay còn hạn chế, thiếu sự đầu tư về nội dung. Thay vì tập trung khắc họa tâm lý nhân vật, nhiều tác phẩm chỉ phóng đại những đặc điểm hình thức và hành vi của người đồng tính, dẫn đến hình ảnh méo mó, thiếu chân thực về cộng đồng này. Việc lạm dụng các tình huống lố lăng, cường điệu nhằm tạo tiếng cười dễ dãi cũng khiến những vở kịch thiếu chiều sâu, không đọng lại thông điệp nào ý nghĩa, thậm chí góp phần tạo định kiến sai lệch về người đồng tính trong xã hội.
Ngược lại, nếu làm nghệ thuật với thái độ nghiêm túc thì sẽ chạm được đến trái tim khán giả. Chẳng hạn vở Bồ công anh của Sân khấu 5B đã thể hiện nhân vật đồng tính một cách khéo léo, chừng mực, không gây phản cảm, giúp khán giả có cái nhìn thiện cảm hơn về cộng đồng LGBT.
Dù vậy, kịch đồng tính cũng có nhiều cơ hội để phát triển, khi xã hội ngày càng cởi mở hơn, còn cộng đồng LGBT ngày càng mạnh dạn thể hiện bản thân. Sự quan tâm của giới trẻ đối với các vấn đề xã hội ngày càng tăng cũng tạo điều kiện thuận lợi để kịch về đồng tính mở rộng đối tượng khán giả.
Các liên hoan sân khấu đã có sự tham gia của nhiều vở dạng này trong những năm gần đây. Các đề tài cũng được khai thác đa dạng hơn, không chỉ dừng lại ở việc phản ánh tình yêu, mà còn có các khía cạnh khác như trăn trở về bản dạng giới, khó khăn trong các mối quan hệ, hay góc nhìn hài hước về cuộc sống của người đồng tính. Sự đa dạng này giúp khán giả có cái nhìn toàn diện hơn về cộng đồng LGBT, đồng thời phá vỡ những định kiến, kỳ thị vẫn còn tồn tại trong xã hội.
Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế cũng mở ra nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi và nâng cao chất lượng sản xuất kịch về đồng tính tại Việt Nam. Hay việc tổ chức các buổi thảo luận sau mỗi vở kịch sẽ giúp khán giả có cơ hội trao đổi, hiểu sâu hơn về câu chuyện và thông điệp nhân văn của tác phẩm.
Không sợ đối diện sự thật
Nghệ thuật chân chính không sợ đối diện sự thật. Chúng tôi muốn tạo ra những vở kịch không chỉ để khán giả cười hay khóc, mà còn để suy ngẫm về sự đa dạng của con người. Kịch đồng tính chính là cánh cửa mở ra những cuộc đối thoại chân thực và nhân văn. Dẫu sao, xã hội cũng không thể phủ nhận giới tính thứ 3, vậy thì nên dành cho họ một khoảng không gian để tâm sự, trải lòng, và tìm được hướng đi, hướng sống tích cực - NSND Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất