Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 4): Chất văn học sang trọng và đẳng cấp

10/02/2025 17:27 GMT+7 | Văn hoá

Dù sân khấu luôn đối phó với sự khắc nghiệt của thị trường, nhưng lạ sao, nhiều nghệ sĩ vẫn tâm huyết, hào hứng làm các vở kịch văn học, có thể coi là một thể loại kén khán giả. Và không ngờ, chính trong sự khắc nghiệt của thị trường mà kịch văn học bật sáng làm rạng danh cho sân khấu.

Kịch văn học ở đây là để chỉ những vở chuyển thể, hoặc lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học; nhưng đôi khi chỉ là sự tái hiện một điển tích, một điển cố, một mô-típ đặc trưng văn học.

Sân khấu Hồng Vân từng cháy vé

Nói đến kịch văn học thì không thể không nhắc đến sân khấu Hồng Vân, đã sản xuất hàng loạt vở kịch nổi đình nổi đám trong hai thập niên gần đây. Nào Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây (chuyển thể từ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng), Bỉ vỏ (Nguyên Hồng), Con nhà nghèo (Hồ Biểu Chánh), Ngẫm Kiều (lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du)... Một chuỗi kịch văn học ra đời liên tiếp đã làm nên bộ mặt đặc biệt của sân khấu Hồng Vân, có thể nói là sang trọng, đẳng cấp, giúp cho học sinh, sinh viên rất nhiều trong việc tìm hiểu thêm và hứng thú với những tác phẩm văn học kinh điển.

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 4): Chất văn học sang trọng và đẳng cấp - Ảnh 1.

Ốc Thanh Vân (trái) và Đức Hải trong vở "Số đỏ". Ảnh: H.K

Mở đầu cho chuỗi kịch này có lẽ là Số đỏ, với màu sắc châm biếm và hài hước tuyệt vời, đúng nghĩa là hài kịch sâu sắc, kiểu Molière. Người ta cười chính ở những chi tiết trái khoáy và chua xót, chứ nghệ sĩ không cần lạm dụng ngôn ngữ, hình thể. Vở cũng được dàn dựng và thiết kế rất sang, không màu mè hoa lá, nhưng vẫn đủ đẹp và thu hút mắt nhìn, ngay cả trang phục cũng rất đẹp, dù phục hiện theo bối cảnh thời Pháp.

Đặc biệt hơn nữa, rất nhiều diễn viên nói giọng Bắc trong vở kịch mà khán giả phương Nam nghe vẫn thấy hợp. Và thêm một điểm đặc biệt, trong mười mấy năm, vở đã thay ê-kíp diễn viên đến 4-5 lần, bởi nhiều người có việc không tiếp tục tham gia, thì vở vẫn ăn khách như thường, chẳng ảnh hưởng gì. Bởi bản thân kịch bản của tác giả Lê Chí Trung đã hay, lại thêm tay nghề dàn dựng cứng cỏi của NSND Doãn Hoàng Giang, bảo đảm cho vở một chất lượng, thì những nghệ sĩ gạo cội như Hồng Vân, Đức Hải, Bằng Kiều, Minh Hoàng, Ốc Thanh Vân, Thúy Nga… càng thừa sức tung tẩy. Số đỏ có những mùa phải bán vé 2 suất/1 ngày mới đủ phục vụ.

Hồi năm 2014, bà bầu Hồng Vân mạnh dạn đem Số đỏ ra Hà Nội diễn với một sự "soi" rất kỹ của khán giả Thủ đô, nhưng họ đã vỗ tay cho một Số đỏ theo phong cách Nam bộ thật duyên dáng mà vẫn không kém phần sâu cay.

Thừa thắng xông lên, bà bầu Hồng Vân cho dựng hàng loạt vở như kể trên, cũng đều thắng lớn. Kỹ nghệ lấy Tây có anh kép mới toanh là Bình Minh trong vai nhà văn, đã gây ấn tượng tươi mới. Con nhà nghèo thì Hồng Vân mạnh dạn mời nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long đóng vai nam chính, bởi đây là tác phẩm nói về làng quê Nam bộ với màu sắc dịu dàng rất thích hợp với chất cải lương. Dẫu vậy, Kim Tử Long không bị sa đà vào cải lương, mà anh vẫn bảo đảm màu kịch nói rất chuẩn.

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 4): Chất văn học sang trọng và đẳng cấp - Ảnh 2.

Bình Minh (trái) và Hồng Vân trong vở "Kỹ nghệ lấy Tây". Ảnh: H.K

Đến Ngẫm Kiều lại là một màu sắc khác, có ca nhạc điểm vào và dựng không theo tuần tự câu chuyện, mà cắt lớp và xoáy sâu vào tâm tư của Hoạn Thư, Đạm Tiên; thiết kế lại đơn giản, nhưng lung linh, rất đẹp, tạo cảm giác mong manh như cuộc đời Kiều. Vở này diễn tại sân khấu Chợ Lớn là một sân khấu khá nhỏ, càng cảm giác vở như một bài thơ đẹp.

Sau này, khi Hồng Vân mở các lớp đào tạo học viên sân khấu, chị cũng cho học trò diễn lại Số đỏBỉ vỏ, coi như những bài thi tốt nghiệp gay cấn, để các em phải thử sức, vượt qua.

Cũng cần nhắc thêm, những vở kịch văn học lan tỏa rất rộng đến các trường phổ thông, vì phụ huynh cũng muốn mua vé cho con em mình bổ sung kiến thức và cảm tình với văn học. Trong tình hình học sinh có vẻ kém hứng thú với văn học, thì qua phiên bản sân khấu, các em thấy sinh động, hấp dẫn hơn, từ đó trở lại thưởng thức bản gốc, nảy sinh sự yêu mến nhiều hơn.

Sân khấu IDECAF với những vở hoành tráng

Đơn vị thứ hai hứng thú sản xuất kịch văn học là sân khấu IDECAF. Trong rất nhiều vở kịch sử hoành tráng thì ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã chen vào một số vở văn học như Tiên Nga, Dưới bóng giai nhân cũng với tầm lớn lao như vậy, phải biểu diễn tại Nhà hát Bến Thành mới đúng sức.

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 4): Chất văn học sang trọng và đẳng cấp - Ảnh 3.

Lê Phương vai Nguyệt Nga (trái) và Lê Khánh vai Kim Liên trong vở "Tiên Nga". Ảnh: H.K

Nếu như bà bầu Hồng Vân cho diễn vở tại sân khấu của mình, thì ông bầu Huỳnh Anh Tuấn phải tốn thêm chi phí thuê Nhà hát Bến Thành mỗi đêm vài chục triệu đồng. Chưa kể tiền đầu tư mỗi vở hơn 1 tỷ đồng, rồi tiền bồi dưỡng cát-xê, âm thanh, ánh sáng… Thế nhưng, giá vé cũng chỉ dao động từ 300.000 đến 400.000 đồng, chứ không thể tăng hơn được nữa, khán giả không kham nổi. Vì vậy, cứ mở màn mỗi vở là ông bầu bù lỗ cả trăm triệu. Nhưng Huỳnh Anh Tuấn nói nhẹ nhàng: "Tôi đã tính lỗ ngay từ đầu rồi, nhưng tôi bảo anh em cứ làm, đừng lo, tôi gồng được. Mình lấy doanh thu các vở khác bù qua thôi, coi như trả ơn khán giả. Thật ra, sân khấu cũng phải có vở chất lượng khó như vậy để anh em rèn nghề, chứ diễn vở dễ, vở nhẹ nhàng riết rồi mất lửa. Diễn khó, diễn cực, mà anh em rất vui, mình cũng vui".

Vở Tiên Nga viết từ truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, rất cảm động. Kịch bản đã tô đậm thêm nhân vật Kim Liên, để nàng mặc áo cô dâu thay Kiều Nguyệt Nga, nhưng dũng cảm bước sang đất khách và cầm dao giết giặc. Nàng quyết hy sinh đời mình, nhưng không hy sinh lãng phí, mà phải rạng danh dân tộc. Đạo diễn Thành Lộc nói: "Ý nghĩa chi tiết này rất sâu xa, muốn nói rằng khi giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh, nàng hầu cũng đánh, mọi người dân đều trở thành chiến sĩ". Thật sự diễn viên Lê Khánh có được vai diễn để đời là Kim Liên vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, hào hùng. Và cảm giác tổng thể khi xem vở là thấy chất anh hùng ca rất rõ.

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 4): Chất văn học sang trọng và đẳng cấp - Ảnh 4.

Công Danh vai Thúc Sinh (trái) và Thanh Thủy vai Hoạn Thư trong vở "Dưới bóng giai nhân". Ảnh: H.K

Vở Dưới bóng giai nhân là cảm tác của Quang Thảo từ Truyện Kiều, thử nhìn các nhân vật theo những góc độ mới, mổ xẻ tâm tư, tình cảm đa chiều. Hoạn Thư lúng túng trong vai trò người vợ, vừa đáng trách vừa đáng thương. Ngay cả Hồ Tôn Hiến là vai phản diện cũng được lý giải rõ ràng, đúng sai không thể phán xét theo cảm tính. Và thiết kế lẫn âm nhạc quá đẹp đã làm sân khấu thêm một điểm son đáng tự hào.

Nghệ sĩ Đình Toàn tâm sự: "Diễn kịch văn học cực lắm, áp lực lắm. Chỉ sai một từ thôi thì ý nghĩa cũng khác rồi, cho nên nghệ sĩ chúng tôi cứ kè kè cuốn kịch bản để nhẩm thoại, phải thuộc làu mới được. Chưa kể, thuộc mà còn phải biết ngắt câu, nhấn chữ ở đâu nữa, chỉ cần ngắt khác đi, nhấn khác đi, ý nghĩa cũng khác. Và cả luyện hơi, luyện thở để có thể thoại những câu rất dài, thoại một mạch, bởi ngắt hơi vô tội vạ thì có thể ý nghĩa cũng sai luôn. Tập tuồng kịch văn học mệt gấp mấy lần kịch sinh hoạt, kịch hài vui vui, mà cát-xê cũng chả nhiều hơn bao nhiêu. Nhưng nghệ sĩ chúng tôi rất mê, cứ lao vào rèn nghề bằng cả ngọn lửa trong tim. Đúng là kịch khó như vậy thì nuôi lửa càng bền chặt hơn".

Nghệ sĩ Quang Thảo: "Mở lòng ra với tác phẩm phái sinh"

* Xin hỏi vì sao anh chọn "Truyện Kiều", trong khi ai cũng biết kịch văn học rất kén khán giả?

- Trong tình hình khan hiếm kịch bản, hoặc nhiều kịch bản yếu, xàm, thì chúng ta có một kho tàng văn học rất hay, tại sao không lấy đó mà làm. Đầu tiên là mình yên tâm vì chất lượng tác phẩm đã được công nhận bao đời nay rồi.

  • Đạo diễn Quang Thảo

    * Nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi. Bởi người ta đã hình thành ấn tượng trong đầu rồi, thì bất cứ một chi tiết nào của kịch bản mới đều sẽ bị soi…

- Đúng vậy. Nhưng mình cũng nên tập cho khán giả mở lòng ra với tác phẩm phái sinh, có góc nhìn mới, thử nghiệm mới. Nghệ thuật là không giới hạn, mình cứ thử xoay nhiều góc, biết đâu phát hiện thêm nhiều cái thú vị. Còn nếu không, thì cứ quay về với bản gốc, cũng còn đó chứ đâu có mất mát gì.

* Anh cũng có thể được gọi là tác giả trẻ. Anh có còn định đi tiếp con đường kịch văn học này?

- Tôi mong mình sẽ đi tiếp, vì còn nhiều tác phẩm văn học rất hay, rất đẹp. Tôi chỉ xin mọi người hãy nhìn các tác giả trẻ với tấm lòng khuyến khích. Đơn giản là người cầm bút cũng có tấm lòng thì họ mới dốc sức vào văn học.

* Cảm ơn anh!

(Còn nữa)

Hoàng Kim

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm