'Mười tám +' bị vi phạm bản quyền: Huy Tuấn muốn làm show 'nghe có ý thức'

26/07/2013 08:44 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Như đã đăng bài Nhạc sĩ Huy Tuấn “kêu cứu” vì “Mười tám +” bị vi phạm bản quyền, chỉ một ngày sau khi Văn Mai Hương giới thiệu album này tại phòng trà We (TP.HCM), những file nhạc của album được đăng tải và chia sẻ miễn phí trên khá nhiều trang web mà không hề xin phép những người sở hữu hợp pháp. Bức xúc trước sự việc này, nhạc sĩ Huy Tuấn đã viết “tâm thư” gửi báo chí.

Huy Tuấn là nhà sản xuất của album Mười tám +, đồng thời anh cũng là một trong những nhạc sĩ chủ xướng phong trào “Nghe có ý thức”. TT&VH có cuộc trò chuyện với anh xung quanh vấn đề này.


Nhạc sĩ Huy Tuấn

Ngạc nhiên và… ngạc nhiên

* Khi nhiều trang web, diễn đàn đăng tải các bản nhạc trong album Mười tám + của ca sĩ Văn Mai Hương để người dùng download miễn phí, cảm giác của anh là gì?

- Trước hết, tôi rất ngạc nhiên về sự nhanh chóng của nó, ngạc nhiên với một số trang web chia sẻ nhạc số và ngạc nhiên với cả người tiêu dùng. Khi có album trong tay, họ vô tư đưa lên các trang web, diễn đàn cá nhân mà hoàn toàn không có một chút tôn trọng bản quyền và tôn trọng công sức lao động của người nghệ sĩ.

* Nhưng cũng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi các báo mạng đăng tải tâm thư của anh, rất nhiều trang chia sẻ nhạc số có “máu mặt” đã nhanh chóng gỡ các bài nhạc này xuống, anh nghĩ sao?

- Tôi nghĩ đó cũng là tín hiệu khả quan, họ không còn ngang nhiên như trước đây mà đã có chút “nhúc nhích” khi có người nhắc nhở. Việc nghe có ý thức, chúng tôi - những người khởi xướng - cũng đã xác định là không thể một sớm một chiều mà có thể thay đổi được. Tôi cũng ngạc nhiên khi họ cũng nhanh chóng tháo gỡ các file nhạc đã đưa lên…

* Nhưng vừa qua, ở một số trang chia sẻ nhạc số, không phải đơn vị chủ quản mà do thành viên của diễn đàn đưa lên. Việc này cũng giống như sản phẩm thuộc bên thứ ba của Apple trong trường hợp bày bán tác phẩm Sợi xích của Lê Kiều Như vừa qua?

- Một cái chợ lập ra, mọi người có thể đến đó bán hàng, nhưng người bán hàng phải chịu trách nhiệm về mặt hàng mà mình bán ra. Apple có thể chỉ đích danh “bên thứ ba” (bên tự phát triển sản phẩm, chứ không phải Apple) cho người bị vi phạm bản quyền để họ có thể khởi kiện, nhưng tình trạng ở các trang web Việt Nam thì không như vậy. Và quan trọng là rất nhiều cái “chợ” của chúng ta không phải “bán” mà là “cho”.

Ở đây, cũng có nhiều người nghi ngờ là chính các trang web chia sẻ nhạc số đó dùng diễn đàn như là một “thủ thuật” để họ vô can. Cũng có người nghi ngờ chính họ lập những nick ảo để tải những bài nhạc lên nhằm thu hút “view” để phục vụ cho ý đồ kinh doanh quảng cáo của họ.

Có nhiều người nghi ngờ là chính các trang web chia sẻ nhạc số đó dùng diễn đàn như là một “thủ thuật” để họ vô can. Cũng có người nghi ngờ chính họ lập những nick ảo để post những bài nhạc lên nhằm thu hút “view” để phục vụ cho ý đồ kinh doanh quảng cáo của họ.

Chúng tôi không “đánh trống bỏ dùi”

* Hiện nay, một số trang web vẫn mua tác quyền, nhưng họ cho người tiêu dùng chia sẻ miễn phí để phục vụ cho kinh doanh quảng cáo.

- Trước hết đứng về phía nghệ sĩ (hoặc chủ sở hữu khai thác tác phẩm), đó là quyền lựa chọn của họ khi thỏa thuận phương án kinh doanh của đối tác khai thác tác phẩm của mình. Có thể làm như vậy các nghệ sĩ được phổ biến tác phẩm của họ nhiều hơn so với việc download có thu phí. Tuy nhiên, việc đó cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình chung khi chúng tôi đang vận động “nghe có ý thức”. Nếu tất cả cùng đồng lòng thì sự việc sẽ gặp nhiều thuận tiện hơn.

Về phía các trang web cho chia sẻ miễn phí, họ chỉ nghĩ đến cái riêng cho mục dích kinh doanh của họ mà thiếu cái nhìn chung cho sự phát triển âm nhạc lành mạnh của một cộng đồng, cũng thật đáng tiếc.

Ngoài ra, điều này còn mang lại hệ lụy là chất lượng âm thanh cũng như chất lượng tác phẩm không được bảo đảm, vì “của cho” thì cho thế nào dùng thế ấy, người dùng không có quyền đòi hỏi. Từ đó mà hình thành thói quen nghe “vô tội vạ”, thứ gì cũng nghe, kém chất lượng cũng nghe.

* Tại sao các anh không tiếp tục cuộc vận động “nghe có ý thức”, có nhiều người nói, Việt Nam mình thường có tình trạng “đánh trống bỏ dùi”?

- Chúng tôi không “đánh trống bỏ dùi” đâu. Chúng tôi đã đánh trống và sẽ tiếp tục đánh trống. Tuy nhiên, chúng tôi còn bàn bạc nhiều phương thức cho có hiệu quả, có tác động mạnh. Trước tiên một số nhà mạng đồng ý cho chúng tôi một góc để “nghe có ý thức”. Chúng tôi sẽ đưa lên đó những file nhạc với nhiều định dạng khác nhau, từ mp3 cho đến file gốc của bản thu âm. Mặt khác chúng tôi dự định tổ chức “nghe có ý thức” thành những show sự kiện ca nhạc, thậm chí là một festival âm nhạc “nghe có ý thức”.

* Về “góc” nghe có ý thức thì Hiệp hội Ghi âm Việt Nam và Công ty MV Corp đã tiến hành từ 1/11/2012. Nhưng dường như không được thành công lắm và MV Corp đã chấm dứt hợp đồng với Hiệp hội Ghi âm…

- Theo tôi có hai vấn đề cơ bản: nguồn nhạc của Hiệp hội Ghi âm Việt Nam đa số là những bài cũ cách đây cả vài chục năm, kho nhạc đó không phải là nguồn “tiêu thụ” của thị trường âm nhạc hiện nay. Mặt khác chất lượng âm thanh cũng là công nghệ thu âm cách đây 1 đến vài thập niên, chất lượng không được cao, dù dùng cả file gốc.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

HỮU TRỊNH (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm