Mua lòng nhiệt tình

19/08/2009 11:05 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Không ai dám chắc Bình Dương, Đồng Tháp, Khánh Hòa và SHB.ĐN có đá hết sức ở vòng cuối hay không. Cả 4 đội bóng ấy đang quyết định tới hơn 50% sự thành bại của các đội bóng khác đang đua trụ hạng. 

“Chích” là một khái niệm khá phổ biến trong BĐVN. Nó ám chỉ một đội bóng nào đó tác động bằng tiền, vật chất đối với một hoặc một vài cầu thủ của đối phương để họ đá không đúng sức. “Nằm” cũng là một thuật ngữ khác để chỉ hiện tượng này. V-League 2009 từ lượt về hầu như vòng nào cũng râm ran ở hậu trường chuyện “chích” và “nằm”.

Giả sử, nếu bây giờ LĐBĐ TP HCM thưởng cho mỗi cầu thủ Đồng Tháp 1 lượng vàng SJC và cho mỗi bàn thắng là một chuyến du lịch châu Âu dành cho 2 người, để họ đá như đá sinh tử với Nam Định, thì đó có bị coi là hành động “chích” hay không?

Rõ ràng, khi không đòi hỏi người khác phải giả đau, giả yếu, hay đá không đúng với phong độ hoặc nôm na là không phải ghi bàn vào lưới nhà như Lã Xuân Thắng của Công an Hà Nội năm nào, thì không phải là “chích”. Thưởng công khai, thậm chí tổ chức họp báo để công bố giải thưởng để người khác không tiêu cực là hành động hoàn toàn ngược lại. Nếu gọi nó là hành động mang tính ĐỘNG VIÊN có lẽ không sai.


 Sòng phẳng mà đá thì liệu QK4 (phải) có thắng được K.KH ngay tại Nha Trang?

Bóng đá thế giới không thiếu tiền lệ. Ở Tây Ban Nha đã có và ở World Cup cũng từng có. Sự động viên ấy rõ ràng là mang tính tích cực và nhìn ở góc độ này, nó phần nào đảm bảo tính công bằng của cuộc chơi, của lịch thi đấu (để việc được gặp đội bóng đã hết mục tiêu phấn đấu ở những vòng cuối không phải là những món quà).

Song, nó lại là một hành vi phạm luật. Cụ thể, nó vi pham Quy định kỷ luật VFF 2009. Ở đó người ta coi cứ cho tiền, cho quà, và hứa hẹn với bất cứ cá nhân, tập thể đội bóng khác đã là tiêu cực.

Lịch sử BĐVN gọi sự động viên đó là “mua Cúp”. Cụ thể, Sông Lam cách nay 8 năm đã bỏ ra vài trăm triệu để “kêu gọi” các cầu thủ Cảng Sài Gòn khi ấy đá thắng Nam Định để họ có thể lên ngôi, và cuối cùng đã vô địch, khi Cảng SG đè bẹp Nam Định, còn Sông Lam thắng Công an TPHCM. Vụ mua Cúp ấy đã bị khởi tố và đã có khá nhiều người (cả đi mua và được mua) phải vào nhà đá cách nay 3 năm.

Vụ Sông Lam và Cảng Sài Gòn bị xử được đa số ủng hộ, bởi 3 lý do: không ai dám chắc Sông Lam không tác động tới đối thủ CA TPHCM; nó không công bằng khi đội bóng cạnh tranh với họ là Nam Định đã không “mua sự nhiệt tình” của CA TPHCM; và vụ việc được phanh phui ở thời điểm cả nước đang “đánh tiêu cực” trong bóng đá: vụ trọng tài bị bắn thủng, vụ U23 bán độ ở SEA Games.  

Tuy nhiên, nếu có một sự lựa chọn, cứ để mặc 4 đội bóng Bình Dương, Đồng Tháp, Khánh Hòa và SHB.ĐN đá theo ý của họ, thậm chí chủ thua (bị “chích”) để nhường điểm cho đội bóng đang cần điểm và đối đầu với họ, hoặc có một sự tác động nào đó để tất cả cùng dốc sức đá, để kết cục cuộc đua trụ hạng là “xanh chín”, những người hâm mộ trung lập có lẽ sẽ chọn phương án thứ hai.

Phải chăng, luật chơi đã cứng nhắc khi đánh đồng 2 hành động “chích” và “động viên” làm một? Và có phải vấn đề còn nằm ở chỗ 4 đội bóng không đồng loạt “động viên” mà nó sẽ là mạnh ai người đó thưởng. Thậm chí, có một khả năng là sẽ có đua thưởng và quy luật “tiền đè chết người” chi phối.

Đặt ra vấn đề này không phải để kêu gọi một sự điều chỉnh luật chơi trong tương lai. Nó là sự cảnh báo về một cuộc đua ngầm ở hậu trường từ nay (có lẽ sớm hơn) cho tới ngày 23-8/tới đây, khi vòng 26 sẽ diễn ra: Cuộc đua “chích”.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm