Mùa Đông khắc nghiệt của La Liga nhìn từ thị trường chuyển nhượng

06/02/2025 06:42 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

Đã trôi qua rồi các vụ "bom tấn", La Liga có kỳ chuyển nhượng mùa Đông ảm đạm, cả khía cạnh mua và bán. Bóng đá Tây Ban Nha chỉ tiêu bằng nửa số lẻ Premier League.

Các yếu tố như thuế, kiểm soát và giới hạn ngân sách, hay cuộc khủng hoảng tài chính là những nguyên nhân chính.

Thua giải Mexico lẫn Czech

La Liga chỉ chi 13,13 triệu euro cho các bản hợp đồng ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông, đứng thứ 16 trong số các giải đấu có chi tiêu cao nhất thế giới. Hợp đồng đắt nhất là Akor Adams từ Montpellier đến Sevilla, giá 5 triệu euro. Trong khi đó, Premier League dẫn đầu với 427 triệu euro. Man City mạnh tay nhất với 210 triệu euro cho Omar Marmoush, Nico Gonzalez, Abdukodir Khusanov và Vitor Reis. Hay các thương vụ cho mượn như Marco Asensio và Marcus Rashford đến Aston Villa.

Man City chờ đến phút chót để hoàn tất thương vụ Nico Gonzalez, con trai của huyền thoại Fran, cựu đội trưởng Deportivo, từ Porto. Thương vụ này mang về 40% lợi nhuận cho Barcelona, đội bóng đã bán anh vào mùa Hè 2023 do khó khăn tài chính, nhưng vẫn giữ tỷ lệ phần trăm từ việc bán lại trong tương lai.

Hơn 400 triệu euro là khoảng cách chi tiêu giữa Premier League và La Liga. Một mùa Đông khá nhàm chán với bóng đá Tây Ban Nha. Nguyên nhân? Rất nhiều lý do. Barca và nhiều đội bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Real Madrid từ vài tháng trước đã xác nhận không tham gia mua sắm mùa Đông, bất chấp chấn thương hàng loạt của hàng thủ. Diego Simeone sớm hài lòng khi Atletico có đội hình đủ chiều sâu. Các đội bóng tầm trung vốn có thể tiêu mạnh tay trong quá khứ hiện cũng im lặng.

Chỉ có 5 vụ chuyển nhượng tại La Liga: Sevilla, ngoài Akor Adams, còn lấy Ruben Vargas (2,5 triệu euro); Jones El-Abdellaoui cập bến Celta Vigo (4,2); Bilbao mua Maroan Sannadi (3) để đua Top 4, thậm chí mơ vô địch; Tamas Nikitscher đến Valladolid (1). Phần còn lại chủ yếu là các vụ cho mượn. Betis rất năng động trong loại hình này: Mượn Antony từ MU; chia tay Juanmi (đến Getafe), Iker Losada (Celta). Các vụ cho mượn đáng chú ý khác gồm Bajcetic (Liverpool đến Las Palmas); Pablo Ramon (Real Madrid B đến Espanyol); Sadiq (Sociedad đến Valencia; Juan Bernat (PSG đến Villarreal). Atletico, Barca, Real Madrid, Sociedad, Leganes, Mallorca, Osasuna và Rayo Vallecano không có cầu thủ mới.

Thị trường chuyển nhượng mùa Đông: Mùa đông khắc nghiệt của La Liga - Ảnh 1.

La Liga mua ít hơn, mượn nhiều hơn như trường hợp Antony

Quy định khắt khe và tính hiệu quả

Ngoài Premier League dẫn đầu bảng về chi tiêu, tất cả các giải lớn ở châu Âu là Serie A (195 triệu euro), Ligue 1 (189) và Bundesliga (169) đều vượt trội La Liga. Các giải đấu khác như Brasileirao (174), Saudi Pro League (166), MLS (131 triệu), Argentina (109), Mexico (67) và Qatar (21) đều hơn Liga. Thậm chí, giải Czech cũng chi nhiều hơn: 14 triệu euro.

Chi ít, doanh thu bán cầu thủ cũng rất thấp, phản ánh tình hình chung của La Liga. Các CLB La Liga, vốn từng có thu nhập cao từ bán cầu thủ, giờ đây hầu như không để nhân sự của mình ra đi. Assane Diao từ Betis đến Como với giá 12 triệu euro là thương vụ đạt doanh thu cao nhất, hơn 20 triệu euro. Nhân tiện, Como, đội tranh suất trụ hạng Serie A, chi 48 triệu euro.

Nhìn ra châu Âu, các giải lớn khác có doanh thu hơn 140 triệu euro (Ligue 274; Premier League 170; Serie A 183; Bundesliga 144). Tại sao? Đại diện La Liga tuyên bố rằng giải đấu Tây Ban Nha "hiệu quả nhất" thế giới vì duy trì được "cân bằng tài chính". Các CLB cũng thừa nhận ít phụ thuộc vào việc bán cầu thủ hơn trước, vì không phải điều chỉnh ngân sách quá nhiều. Tuy nhiên, họ cũng không có sự tự do tài chính như các giải khác.

Trong 4 năm qua, chuyển nhượng La Liga giảm 50% so với mức cao nhất ở mùa 2019-20: Từ 1,307 tỷ euro xuống 655 triệu euro mùa trước (583 triệu euro mùa này). Ở Tây Ban Nha, có ít chuyển nhượng hơn, ít cầu thủ ra đi và ít cầu thủ đến hơn, nhưng khả năng giữ chân nhân tài cao hơn.

Vấn đề quan trọng khác tạo chênh lệch lớn như vậy nằm ở quy định của các giải đấu. La Liga tuân thủ chặt chẽ nhất tính công bằng tài chính, và áp lực thuế ở Tây Ban Nha cũng cao hơn nhiều so với các nước láng giềng, nên khó cạnh tranh chuyển nhượng.

Premier League có mô hình "chấp nhận lỗ" tạo ra "một bong bóng với giá cả không thực tế", như Javier Tebas, chủ tịch La Liga, nhận xét. Tebas cũng chỉ trích mô hình Ligue 1 (lỗ 650 triệu euro trong 3 mùa), Serie A (nợ 800 triệu euro). La Liga, đặc biệt là những đội tầm trung, gần đây gây áp lực lên UEFA để siết chặt hơn Luật công bằng tài chính.

Nhìn chung, La Liga vẫn đang cố gắng cạnh tranh hết sức có thể. Real Madrid là đương kim vô địch Champions League; Barca và Atletico vào Top 8. Bilbao đứng nhì bảng và là ứng viên vô địch Europa League. Không chuyển nhượng, nhưng vẫn chiến thắng.

Ngọc Linh

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm