MU đã qua thời 'đốt tiền' vô vạ

21/07/2025 05:59 GMT+7 | Bóng đá Anh

Khi mùa giải Premier League đầy rắc rối của Man United kết thúc, vấn đề then chốt cần được giải quyết của họ là sự thiếu hụt bàn thắng, đồng nghĩa với sự xuất hiện của Cunha và Mbeumo.

Điều đó phản ánh toàn bộ câu chuyện ở Old Trafford, bởi phía sau sự chậm chạp và bế tắc trên bàn đàm phán là một kế hoạch mua sắm rõ ràng.

Giữa tái thiết và kỳ vọng

Khi được hỏi thành tích bê bết mùa vừa rồi có khiến họ gặp khó khăn trong việc mua cầu thủ mới, Giám đốc điều hành Omar Berrada khẳng định CLB quan tâm đến việc kí hợp đồng với những cầu thủ muốn gia nhập MU. Vì họ tin vào CLB, chứ không phải vì đội bóng có giành suất tham dự Champions League hay không.

Ở góc nhìn người trong cuộc, nếu bất kì cầu thủ nào chỉ muốn đến vì đội bóng được tham dự cúp châu Âu thì MU có lẽ cũng không thật sự cần có họ. Điều có vẻ như không logic và thiếu thực tiễn nhưng sự thật là "Quỷ đỏ" rất hấp dẫn, họ có những điều mà Tottenham, Arsenal hay thậm chí là Man City cũng không có được, đó là họ nằm trong nhóm những câu lạc bộ lớn nhất thế giới bên cạnh Barcelona hay Real Madrid.

Đội bóng này có một lịch sử chiến thắng, thất bại và trải qua những bi kịch, cùng với vô số những huyền thoại trở thành những điều hấp dẫn nhất trong bóng đá. Họ có DNA của bóng đá tấn công, thúc đẩy các cầu thủ trẻ, không bao giờ bỏ cuộc và thường tạo ra những ngôi sao lớn cho bóng đá thế giới.

Họ có những cổ động viên trung thành, một chủ sở hữu cố gắng đưa đội bóng trở lại bằng lý trí và cảm xúc. Rõ ràng, MU vẫn mang đến niềm tin rằng, họ có cơ hội để tuyệt vời hơn trong mùa giải mới với những người đã đến đây như Matheus Cunha hay Bryan Mbeumo.

Tất nhiên, cầu thủ nào cũng muốn giành được danh hiệu ở các đội bóng có khả năng làm điều đó mỗi mùa giải. Nhưng đây là nơi mà họ sẽ được bước theo chân của Eric Cantona, của David Beckham, của Cristiano Ronaldo, trước hết để trở thành chính mình và sau đó là đạt được thành tựu nào đó.

MU đã qua thời “đốt tiền” vô vạ - Ảnh 1.

BLĐ của MU đổi “chiến thuật”, mua cầu thủ phù hợp thay vì “đốt tiền” vào ngôi sao

Lùi bước hay tái thiết thật sự?

Theo thống kê, tính đến hiện tại, MU mới chỉ chi khoảng 147 triệu euro để mua Matheus Cunha và Bryan Mbeumo, nếu chưa tính đến Leon. Trong khi đó, họ chưa bán được cầu thủ nào để cân bằng ngân sách ngoại trừ việc cho Barcelona mượn Marcus Rashford.

Nếu so sánh với các đối thủ quen thuộc, như Man City, Arsenal, Liverpool hay Chelsea, sự thua kém là rất rõ ràng. Nhưng sự thận trọng của "Quỷ đỏ" trong mùa Hè này không phải là điều ngẫu nhiên. Tính từ năm 2014, họ là đội có mức chi tiêu ròng cao nhất tại Premier League, với tổng số tiền lên tới hơn 1,372 tỉ euro nhưng đạt được rất ít danh hiệu.

MU rõ ràng đang đứng trước ngã rẽ, hoặc tiếp tục kiên trì với con đường xây dựng dài hạn, hoặc buộc phải bạo chi để không bị bỏ lại quá xa. Vấn đề là, họ đã từng chi rất nhiều và thất bại rất lớn. Nên có lẽ, một chiến lược chuyển nhượng thận trọng, khôn ngoan, và nhất quán, dù không gây phấn khích ngay lập tức lại là điều mà Quỷ đỏ cần nhất lúc này.

Sự thay đổi tư duy quản lý ở thượng tầng cũng ảnh hưởng đến cách đội bóng vận hành trên thị trường chuyển nhượng. Từ khi Sir Jim Ratcliffe tiếp quản bộ phận thể thao, triết lý "mua cầu thủ phù hợp hơn là nổi tiếng" dần được áp dụng. HLV Ruben Amorim cũng đề cao chiến thuật kiểm soát, bóng ngắn và ưu tiên tính linh hoạt thay vì dàn sao.

Vì vậy, dù Cunha hay Mbeumo không phải những cầu thủ lớn hoặc có sức hút về truyền thông, nhưng lại là mẫu chăm chỉ, đa năng, phù hợp hệ thống pressing tầm cao của Amorim. Thêm vào đó, việc không theo đuổi các ngôi sao cũng là cách MU tránh "đốt tiền" để nhận lại thất vọng như các năm trước đây.


Thiên Ý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm