Jose Mourinho: Trận đấu bắt đầu từ họp báo

14/08/2013 19:07 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - Jose Mourinho hứa hẹn sẽ mang trở lại nước Anh một “đặc sản” của ông ở bất kỳ quốc gia nào từng đi qua: Tâm lý chiến.

Đó là một kỹ năng đã “ăn vào máu” nhà cầm quân người BĐN, và có lẽ ông không dễ dàng từ bỏ nó: “Khi tôi đi đến buổi họp báo trước trận đấu, trong tâm trí tôi, trận đấu đã bắt đầu rồi”.

Lời nói là vũ khí

Cuộc chiến ấy bắt đầu ngay từ thời điểm Mourinho bước ra ánh sáng nhờ khoảnh khắc trượt dài trên thảm cỏ ăn mừng bàn thắng phút cuối giúp Porto vượt qua M.U năm 2004. Sau trận, Sir Alex Ferguson bực tức đi vào đường hầm và bỏ qua thủ tục bắt tay Mourinho. HLV người Bồ chế giễu đầy ẩn ý: “Tôi hiểu tại sao ông ấy lại thể hiện cảm xúc như vậy. Ông ấy có những cầu thủ hàng đầu thế giới và họ đáng ra đã làm được nhiều hơn… Bạn hẳn sẽ buồn nếu đội bóng của bạn bị áp đảo rõ ràng bởi một đội hình chỉ được xây dựng với ngân sách bằng 10% ngân sách của bạn”.

Câu nói ấy tác động tâm lý rất hiệu quả, và khiến cho Sir Alex lẫn các học trò của ông không còn gì để phản đối nữa. Sau này, Sir Alex đã hiểu gã HLV trẻ vừa đánh bại ông là một bậc thầy về miệng lưỡi.

Mourinho sẽ lại dùng tài ăn nói để chinh phục Premier League?

Khi hai người gặp lại ở vòng 1/8 Champions League mùa trước, Real Madrid gặp M.U, Sir Alex đã thừa nhận luôn: “Tôi nghĩ Jose sẽ chơi trò tâm lý chiến. Ông ấy giỏi hơn tôi ở lĩnh vực này. Tôi tự nhủ với chính bản thân rằng sẽ không bị cuốn vào cuộc chơi ấy, bởi Mourinho rất khéo léo”. Trước trận đấu ấy, cả hai người đã đối mặt với nhau tổng cộng 14 lần. Chỉ 2 lần HLV vĩ đại người Scotland giành chiến thắng.

Arsene Wenger cũng từng là nạn nhân của Mourinho: “Có những kẻ chỉ ngồi nhà mà vẫn muốn bắc kính thiên văn soi nhà người khác. Ông ta cứ nói đi nói lại về Chelsea” – HLV người Bồ nhận xét một cách cay nghiệt. Wenger phát khùng: “Rất nhiều HLV từng đoạt Champions League, nhưng không được coi là người vĩ đại. Điều quan trọng là nhìn lại sự nghiệp trong 10,15 và 20 năm sau của họ”. Kết thúc khẩu chiến, cả hai bước vào trận chung kết Carling Cup 2007, và kết quả, Mourinho của Chelsea giành thắng lợi với một cú đúp của Didier Drogba.

Chiến tranh tâm lý lần thứ hai

Trong ngày trở lại nước Anh, Mourinho tuyên bố sẽ không gây chiến với Wenger và cả David Moyes, người kế nhiệm Alex Ferguson, nhưng cuộc chiến tâm lý vẫn tiếp tục. Mourinho bảo Wenger là “một người tử tế”, nhưng cũng không quên thòng thêm một câu: “Tôi cảm thấy kỳ lạ nếu đội bóng của mình không thể giành danh hiệu”. Để tự giải tỏa sức ép cho bản thân, Mourinho hạ thấp chiến công của người tiền nhiệm Rafa Benitez: “Tôi không muốn giành Europa League. Đó sẽ là một sự thất bại lớn. Tôi không muốn các cầu thủ của mình cho rằng Europa League là mục tiêu”.

Các nhà tâm lý học cho rằng lạm dụng lời nói là để giành lấy quyền kiểm soát một mối quan hệ, và người lạm dụng nó cố gắng nắm bắt suy nghĩ của nạn nhân, trước khi tấn công và làm xói mòn sự tự tin, lẫn lòng tự trọng của đối thủ. Các nạn nhân không nhận ra rằng đó là một sự lạm dụng có chủ ý, vì vào thời điểm ấy, cảm xúc đã che mờ mắt họ.

Tấn công bằng lời nói làm nạn nhân cảm thấy mình không được yêu thương, xấu hổ, có cảm giác tội lỗi và thậm chí tự cho mình là kẻ vô dụng. Họ bối rối và tức giận. Mourinho còn khiến cho cảm xúc của các đối thủ rối loạn bởi ông thường bất chấp tất cả để đưa ra những chỉ trích vô lý và nếu không tỉnh táo, họ sẽ rơi vào cuộc chiến của HLV người Bồ.

Đó là nghề của Mourinho. Nhà báo Graham Hunter của tờ The Guardian phân tích: “Mourinho rất thích làm việc với báo chí, chủ yếu vì ông rất giỏi thao túng họ. Ông thường xuyên đánh lạc hướng dư luận khỏi thất bại của đội bóng, để giải tỏa áp lực cho các cầu thủ, thậm chí là đẩy quả bóng áp lực về phía các đối thủ”.

Các HLV và trọng tài của TBN có lẽ đã thở phào sau khi Mourinho trở lại Anh. Cuộc chiến tâm lý đã được khởi động lại, dù sau một lớp vỏ “hiền hòa” hơn. Truyền thông thị phi của nước Anh sẽ còn khiến miệng lưỡi của Mourinho trở nên đáng sợ hơn nữa. Hãy cẩn thận, Premier League!

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

Mourinho, tốt nhất & tệ nhất

1,64 Số năm trung bình gắn bó với 1 CLB

2 Số lần giành cú ăn ba (cùng Porto 2004 và Inter Milan 2010)

6 Số ngôn ngữ Mourinho sử dụng thành thạo

100 Số điểm cao nhất từng giành được trong một mùa giải (cùng Real Madrid mùa 2011-2012)

150 Số trận bất bại trên sân nhà của Mourinho từ năm 2006 đến 2011

8-0 Chiến thắng đậm nhất trên sân nhà (Madrid trước Levante)

6-0 Chiến thắng đậm nhất trên sân khách (Madrid trước Zaragoza)

1-3 Thất bại đậm nhất trên sân nhà (Madrid trước Barcelona)

0-5 Thất bại đậm nhất trên sân khách (Madrid trước Barcelona)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm