12/01/2021 06:45 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, câu chuyện về danh hiệu Di sản Thế giới lại đang được dư luận quan tâm sau cuộc họp cuối năm 2020 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Tại đó, cơ quan chuyên môn này có nhắc tới việc đã hướng dẫn một số địa phương lập hồ sơ di sản để trình UNESCO ghi danh, gồm có khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang, cụm di tích và danh thắng Yên Tử, quần thể di tích Óc Eo, quần thể Hạ Long – Cát Bà...
Sự thực, những trường hợp này không mới và từng được nhắc tới rải rác trong các năm qua. Tuy nhiên, ở thời điểm bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, chúng ta sẽ có gì cho 10 năm tới từ những hi vọng này?
Thẳng thắn, so với các danh hiệu khác của UNESCO như Di sản Văn hóa phi vật thể, Khu dự trữ sinh quyển thế giới hay Di sản tư liệu, danh hiệu Di sản Thế giới (hiểu nôm na là Di sản “vật thể”) vẫn có sức hút với các địa phương hơn cả. Đây là điều dễ hiểu, khi chúng gắn với các quần thể danh thắng thiên nhiên, quần thể kiến trúc - di tích và luôn mở ra cơ hội rất lớn để phát triển du lịch trong xu thế hiện nay.
Kể từ trường hợp đầu tiên của quần thể di tích Cố đô Huế vào năm 1993, Việt Nam cũng đã trải qua gần 30 năm để sở hữu 8 danh hiệu này từ UNESCO (không tính 2 di sản được tái công nhận lần thứ 2 là Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng). Đó là một thành tích khá đáng kể, nếu xét tới việc chúng ta có xuất phát điểm chậm hơn nhiều quốc gia khác về kinh nghiệm xây dựng hồ sơ đề cử.
Nhưng ngược lại, sau gần 3 thập niên ấy, con đường đến với danh hiệu cấp thế giới của các di sản Việt Nam đang dần phức tạp hơn trước. Lý do đơn giản: Kể từ năm 2013, UNESCO có xu hướng “xiết” lại số hồ sơ đệ trình của mỗi quốc gia, và những trường hợp được ưu ái thường thuộc về các quốc gia chưa sở hữu di sản nào, hoặc mới gia nhập Công ước trong 10 năm đổ lại. Đó cũng là lý do trong vài năm qua, phía Việt Nam vẫn tự lựa chọn để đệ trình mỗi năm 1 hồ sơ lên tổ chức này.
Ở một hướng khác, bản thân một số hồ sơ được nhắc đến vừa qua cũng từng gặp thất bại trong hành trình đến với danh hiệu Di sản thế giới. Đó là trường hợp của Vườn quốc gia Ba Bể vào năm 1997 (được khuyến nghị bổ sung thêm vì không chứng minh được tính độc nhất) hoặc đảo Cát Bà năm 2004 (hồ sơ được xếp loại N, tức Not recommended for inscription - không khuyến khích ghi danh).
Bởi thế, cũng không có gì lạ khi các di sản Việt Nam đang dần chọn một cách tiếp cận mới trong lộ trinh xây dựng hồ sơ trình UNESCO - cách tiếp cận “liên tỉnh”. Điển hình, từ rất sớm, hồ sơ cho quần thể Yên Tử đã được triển khai với sự góp sức của Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh. Theo đó, từ phía Đông của một Yên Tử thuộc Đông Triều và Uông Bí như từng được biết tới, không gian của di sản mở rộng về phía Tây xuống tận lưu vực sông Lục Nam để “ôm trọn” hành trình phát triển của dòng thiền phái Trúc Lâm và hàng loạt khu thảm thực vật, rừng nguyên sinh, hay những kiến trúc Phật giáo.
Rồi, thay cho bó hẹp trong một tỉnh Bắc Kạn đơn lẻ, hồ sơ của Vườn quốc gia Ba Bể đã được mở rộng sang tới Na Hang (Tuyên Quang). Hoặc, từ Ba Thê (An Giang), hồ sơ của di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo đã được kết nối với Nền Chùa (Kiên Giang) và Gò Tháp (Đồng Tháp) dựa trên những điểm tương đồng về lịch sử. Thậm chí, thay vì chuẩn bị 1 hồ sơ mới, Cát Bà của Hải Phòng cũng được lên kế hoạch để “gộp” vào quần thể Vịnh Hạ Long để trình UNESCO tái công nhận danh hiệu Di sản Thế giới.
Những lựa chọn ấy tất nhiên sẽ cần đi kèm với quyết tâm đủ lớn, cũng như một mô hình liên kết đủ thuyết phục giữa các địa phương trong việc xây dựng hồ sơ khoa học. Nhưng xét cho cùng, đó cũng là xu thế tất yếu của di sản và của dòng chảy xã hội hiện đại, khi những rào cản vô hình về địa giới hành chính và tâm lý cục bộ, manh mún tất yếu sẽ đến lúc bị vượt qua.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất