14/06/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá
Họa sĩ Vương Thạo sinh năm 1969 nổi tiếng với nhiều tác phẩm sắp đặt “hóa thạch sống” về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nhờ đó, ông được trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2011.
Tuy nhiên, lâu nay trong giới bạn bè nghệ sĩ, ông vẫn được gọi với biệt danh là Thạo “mông”, liên quan đến loạt tranh vẽ hình tượng “mông” mà ông đã theo đuổi trong nhiều năm, và cũng tạo được dấu ấn riêng về ngôn ngữ biểu đạt.
Triển lãm Bottoms đang diễn ra tại Blue gallery (32 Tràng Tiền, Hà Nội) và sẽ kéo dài tới 15/6, giới thiệu gần 30 tác phẩm hội họa về hình tượng “mông” được Vương Văn Thạo sáng tác từ 1998 đến nay. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có dịp trao đổi với ông xoay quanh đề tài hội họa này.
* Trong rất nhiều đề tài liên quan đến cuộc sống xung quanh, xin họa sĩ cho biết tại sao ông lại chọn hình tượng “mông” làm đề tài trong các sáng tác hội họa của mình?
- Năm 1995, tôi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, và luôn mong muốn sáng tác tranh đề cập vẻ đẹp khỏa thân của người phụ nữ, một sản phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa mà từ xưa đến nay, văn học nghệ thuật toàn nhân loại tốn biết bao thời gian và bút mực để ca ngợi, ngưỡng mộ. Tôi đã chọn một phần cơ thể (mông) để làm hình ảnh chính cho các bức tranh của mình. Với riêng tôi, phần hình khối của “mông” đẹp, gợi tình và tối giản về đường nét.
* Chọn sáng tác về hình tượng “mông” vào những năm 2001 có phải khá nhạy cảm?
- Tôi vẽ “mông” từ năm 1996, đến 1998, mở triển lãm cá nhân đầu tiên tại Friend gallery với các tác phẩm vẽ mông. Triển lãm mang tên Một nửa, vào thời điểm này không khó khăn gì về nội dung đề tài vì quan niệm xã hội đã cởi mở hơn nhiều.
* Đằng sau đề tài “mông” đó có sự ẩn dụ, câu chuyện hay một thông điệp gì mà họa sĩ muốn truyền tải đến người xem?
- Mỗi một bức tranh là một câu chuyện về đời sống, thân phận cá nhân hay đơn giản là vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Mặc dù thông qua hình tượng có tính chất tối giản cô đọng nhưng tác phẩm của tôi lại gợi mở nhiều chủ đề khác về cuộc sống xung quanh mình như tranh Gánh hàng rong, Tiếng rao đêm, Vũ điệu trăng… Tất cả những tác phẩm trong triển lãm đều có thông điệp truyền tải là ca ngợi vẻ đẹp hình thể và tâm hồn người phụ nữ Á Đông.
* Họa sĩ đã theo đuổi hình tượng “mông” khá lâu rồi. Vậy điều gì đã giữ lửa cho ông để theo đuổi một thời gian dài như vậy và trình bày loạt tranh mới trong triển lãm này? Chúng có gì khác với những loạt tranh trước đây đã từng thể hiện?
- Tất cả các tranh này tôi đặt tên xoay quanh thân thể và những giấc mơ. Chất liệu chủ yếu tôi vẽ bằng màu nước trên giấy dó, giấy dó bồi trên toan, giấy lịch bồi trên toan. Ngoài ra, có một số tranh sơn dầu và một số tác phẩm điêu khắc đồng về “mông”.
Theo thời gian cộng với sự đổi thay của cuộc sống của con người, quan điểm về vẻ đẹp và quan điểm sống cũng sẽ có sự thay đổi. Tôi lại tiếp tục sáng tác khai thác vẻ đẹp hình thể phụ nữ, và vai trò thiết yếu của họ trong xã hội hiện đại này. Ví dụ những năm 1980 - 1990, tiếng rao đêm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống đô thị, thì bây giờ sẽ không còn nữa, đó là sự phát triển tất yếu của xã hội.
* Trong các tác phẩm về “mông” họa sĩ sử dụng chất liệu rất đa dạng, những thử nghiệm đó có những hiệu ứng được tạo ra hay phát hiện thú vị nào không?
- Tôi sử dụng nhiều chất liệu để vẽ đề tài này. Mỗi chất liệu sẽ có ưu điểm riêng và sẽ phù hợp với ý tưởng nội dung của bức tranh, như giấy dó vẽ màu nước để có hiệu quả màu loang, không gian lắng đọng thuần khiết… Hay, tôi vẽ acrylic trên tờ giấy lịch để mượn hình ảnh lịch thể hiện thời gian, mượn những hình ảnh sẵn có trên lịch bổ túc cho tranh mình. Khi ta càng sử dụng nhiều chất liệu ta sẽ cảm thấy thú vị như luôn được làm mới.
Tôi có nhiều thể nghiệm về hình thức cũng như chất liệu tạo hình và đương nhiên trong quá trình thể nghiệm không phải lúc nào cũng đạt kết quả như mong muốn, nghề nào cũng thế. Những tác phẩm được trưng bày với công chúng là kết quả sau bao nỗ lực sáng tác mà người họa sĩ ưng ý nhất cho đến thời điểm này.
* Một số họa sĩ bị tình trạng “sao chép chính mình”. Họa sĩ nghĩ sao về vấn đề này, và làm thế nào để tránh được tình trạng như thế?
- Tôi nghĩ đây là quan điểm riêng của mỗi người và tự chịu trách nhiệm. Khi tốt nghiệp mỹ thuật xong, thường các họa sĩ đều mong muốn tìm một con đường riêng và sống cho nghệ thuật. Nhưng điều chắc chắn rằng không thể ai cũng làm được điều ấy, vì rất rất nhiều con đường các họa sĩ trước đó đã đi rồi, vì cuộc sống, vì trách nhiệm gia đình mà họ sẽ từ bỏ con đường sáng tác hoặc tạm thời dừng sáng tác, để mưu sinh bằng chính nghề của mình hoặc chuyển sang làm nghề khác.
Còn một số họa sĩ khẳng định được con đường riêng sau một thời gian dài làm việc, nhanh chóng chiếm được thị trường và đã “sao chép chính mình”, thì tôi nghĩ người họa sĩ hoàn toàn hiểu và chấp nhận việc đó. Có thể là sự chấp nhận khả năng của mình chỉ đến đấy hoặc đã và đang ấp ủ một ý tưởng mới bước tiếp… Họ cần rất nhiều thời gian để tìm kiếm con đường đi tiếp.
Với tôi, ngay từ đầu tôi đã xác định vẽ những bức tranh này theo ý thích của mình, để diễn tả những suy nghĩ xung quanh đời sống và vẻ đẹp của người phụ nữ. Vẫn đề tài như vậy, nhưng loạt tranh trưng bày bây giờ sẽ khác nhiều. Hiện tại, những bức tranh trong triển lãm này có thể gọi là kiệm hình và màu tối giản. Bên cạnh đó, tôi làm nhiều điêu khắc (hóa thạch sống) bằng chất liệu composite, mang tinh thần nghệ thuật đương đại để triển lãm và bán lấy tiền tái đầu tư cho nghệ thuật của mình.
* Sau khi nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2011 của báo Thể thao & Văn hóa cho những tác phẩm hóa thạch, xin họa sĩ hãy chia sẻ về dòng điêu khắc “hóa thạch sống”? Hiện tại họa sĩ còn tiếp tục theo đuổi việc sáng tác các tác phẩm “hóa thạch sống” nữa không?
- Tôi bắt đầu ý tưởng điêu khắc “hóa thạch sống” bắt đầu từ năm 2004 và hoàn thành 2 tác phẩm đầu tiên triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2006. Sau đó, tôi có triển lãm cá nhân Hóa thạch phố năm 2009 tại Trung tâm Văn hóa Pháp. Những tác phẩm “hóa thạch sống” được Bảo tàng Nghệ thuật Singapore sưu tập vào năm 2007. Hiện giờ, tôi đang dành thời gian cho các tác phẩm điêu khắc mới. Tôi sáng tác với chất liệu là gỗ đốt, chất liệu này thể hiện được mong muốn diễn tả phần năng lượng bên trong của mỗi con người, sự biến đổi theo thời gian: âm ỉ, dồn nén và bùng cháy.
* Xin cảm ơn họa sĩ!
Nguyễn Thu Nga (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất