Một loại hình di sản lạ lùng - Cùng người Thái “lên trời, xuống âm phủ"

23/10/2009 10:27 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH) - Ở miền Tây Nghệ An hiện nay, mà nhiều nhất là huyện Con Cuông, người Thái thi thoảng vẫn thường rủ nhau ra thành phố Vinh, đi chơi Hạ Long, hay thậm chí “lên trời” xem Pỏ Then (ông trời) đánh cờ hoặc xuống Lủm (thủy phủ) dạo chơi… Điều lạ lùng là dù lên cõi trời, hay xuống cõi âm, phương tiện để phục vụ cho chuyến đi đơn giản chỉ là những bài hát được “biến tấu” tại chỗ từ kho tàng văn hóa dân gian của người Thái mang đậm yếu tố tâm linh kỳ ảo…

Những “chuyến đi” trong tâm tưởng qua câu hát


 Cụ Vi Thị Lan, 72 tuổi bản Tờ
(Yên Khê, Con Cuông)

Mỗi dịp làng, bản trong cộng đồng người Thái ở Con Cuông có chuyện vui, các cụ cao tuổi ngồi chung mâm cơm, thường tề tựu nhau lại thành nhóm, rủ nhau... lên trời. Và lên chỉ với một mục đích; một là “tỷ thí” cờ quạt với Pỏ Then (ông trời), hai là chầu rìa nếu như đã có người chiếm chỗ trước.


Khi các nghệ nhân “dắt díu nhau lên trời” thường phương tiện hộ giá cho chuyến đi chỉ là những lời ca tiếng hát hết sức mộc mạc, không có trong bất kỳ loại sách nào. Họ hát tự nhiên nhưng lại rất bài bản và thường rủ nhau đi “chán chê đây đó” xong rồi mới về. Để “thăm thú” hết được cả ba cõi (cõi trời - cõi sống - cõi chết) thường phải mất vài ngày và hầu như chỉ dành cho những ông mo, những cụ nghệ nhân tiền bối chứ xưa đến nay chưa thấy người trẻ nào tham gia vào những cuộc hành trình “tưởng tượng” vào ba cõi này. Chúng tôi hỏi cụ Lương Văn Phúc, 83 tuổi (bản Tờ, Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An), vì sao người trẻ không thể lên trời, xuống âm thì cụ bảo do lớp trẻ “cái gan nó không to như gan ông mo, ông già, bà già. Bọn trẻ sợ, thì bọn trẻ không đi dù cũng biết hát...”.

Hỏi tiếp: “Ngồi một chỗ, dùng lời ca tiếng hát để được lên trời, xuống âm có gì khó khăn đâu mà họ phải sợ thưa cụ?” Cụ Phúc lắc đầu, ý cho là tôi không hiểu gì về loại hình nghệ thuật hiếm có này, nên cụ bảo: “Đừng đùa. Trên đường đi toàn gặp ma, mà là ma thì phải sợ chứ. Ngồi đó tôi đi cho mà thấy nhá!”.

     Đây chỉ là cách chơi văn nghệ dân gian lâu đời được truyền miệng qua nhiều thế hệ của người Thái Con Cuông thôi, không có trong sách, trong băng đâu. Muốn biết nó là cái gì, các anh phải ở lại đây mà nghiên cứu, tìm hiểu...” (cụ Lương Văn Phúc)

Nói rồi, cụ Phúc thực hiện chuyến đi (bằng lời hát tiếng Thái) đưa chúng tôi xuống thăm... thành phố Vinh (dĩ nhiên là bằng trí tưởng tượng qua câu hát). Trên “đường đi” cụ (hát) tả lại đoạn đường bằng những bài hát có vần, điệu hài hước với những cách ví von trừu tượng, đầy hình ảnh.


Tuy nhiên, để chuyến đi (mà ở đây là chuyến đi bằng nghệ thuật tâm linh - PV) thì mình cụ Phúc sẽ là rất đơn điệu nên cũng rất tự nhiên, những người khác cũng sẽ “nhập chuyến” bằng những câu hát hỏi, hoặc đáp không khác gì hình thức hát đối đáp trong dân ca quan họ Bắc Ninh vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cứ người này hỏi người kia đáp hoặc cả nhóm cùng góp chuyện bàn luận về sự giàu sang và con người những nơi mình đi qua.

Cụ thể, với đoạn “đi thăm thành phố Vinh”, các cụ gọi là... bản Vinh. Bên hỏi hát rằng (tạm dịch):

Đẹp lắm nhỉ, bản rộng mường Vinh

Xe đi qua khói tỏa ra dưới gầm

Con gà chợ chỉ biết ăn ngô

Trời sẩm tối mặt trời vẫn sáng

Mặt trời soi thấu trời đêm (tả đèn điện)

Bên đáp:

Nghe bảo mường Vinh gạo trắng gái tơ

Có người đi vào ngôi nhà dài đội mũ công an

Áo đủ màu bán treo quanh bản

Anh có vào Cửa Hội đừng quên tìm cá ướp muối về kho


Những nẻo đường ma

Hôm chúng tôi tiếp xúc với các cụ, rất tiếc là không mời được một ông mo - người “nhập đồng” nhanh nhất, thực hiện chuyến đi dài nhất và an toàn nhất trong lối sinh hoạt văn nghệ dân gian đặc trưng này. Các ông mo, bà mo thường chọn những con đường (lên trời hoặc xuống âm phủ) rất bí hiểm, dày đặc những chông gai và tiềm ẩn những yếu tố thuộc về tâm linh ghê rợn như đi qua những mường ma, bản ma, ruộng của ma xơ xác tiêu điều, cảnh quan ảm đạm. Lúc này các nghệ nhân (có thể là ông mo hoặc người bình thường) hát khắp gần như ở trạng thái nhập đồng.

Ta đến rồi mường ma ruộng quanh năm không nước

Con bò cày ngỗ ngược

Lăm ơ...



Những lời hát đưa trí tưởng tượng của mọi người ta
đi chơi thành phố, lên trời, xuống âm phủ

Nhưng khó khăn nhất vẫn là đến cổng mường trời, nơi có đền Chín Gian. Đây là một địa danh có thật ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), là thánh địa tâm linh mà người Thái ở Nghệ An thường mở hội vào giữa tháng 2 Âm lịch hàng năm. Đền Chín Gian được coi là nơi tiếp giáp giữa trời và đất, là cổng vào cõi trời. Người đi nếu không thuyết phục được chủ đất ở đó sẽ không thể đi tiếp. Sau khi đã vào được cõi trời thăm thú khắp mường trời, khách phương xa đến phải hát tiếp bài xin với bề trên, thay cho lời tạm biệt, để trở về với nhân gian. Nếu làm phật lòng những người gác cửa họ sẽ bị giữ lại không cho qua cổng trời. Nếu xảy ra sự cố này, linh hồn của những nghệ nhân sẽ bị giam lại trên trời, sẽ ốm đau triền miên, thậm chí là mất mạng. Muốn không “bỏ mạng ngay cửa nhà giời” người nhà phải sắm lễ, nhờ một thầy mo cao tay đi “lên trời” một chuyến nữa để xin rước linh hồn người ốm trở về mới có cơ may sống được. Và theo như cụ Phúc cho biết thì nếu ai mắc phải “tai nạn” như vậy những nghệ nhân hát dân ca kiêm thầy cúng này chỉ còn cách phải tự giải nghệ mà không thể biết được nguyên do tại sao.

Nao núng khi “lên trời, xuống âm phủ” sẽ bị… cấm khẩu

Cụ Phúc bảo: “Phải những thầy mo thật tài giỏi như ông mo Cát (đã mất) mới đủ bản lĩnh “đi” một mình. Trên đường đi, người nghệ nhân lại phải tỏ rõ bản lĩnh và cả sự gan dạ của mình trước những con ma gác cửa của mường Lủm, chỉ cần người nghệ nhân tỏ ra nao núng một chút cũng có thể bị cấm khẩu ngay tức khắc.

Chỉ còn 4- 5 nghệ nhân cũng sắp “lên trời, xuống âm”

     Hỏi cụ Lương Văn Phúc xem còn bao nhiêu người có thể “lên trời xuống âm” thì cụ chỉ vào mình, chỉ vào bà Lan, bấm đốt ngón tay nhẩm tính, chưa hết một nửa bàn tay đã dừng lại, lắc đầu: “Còn bốn, năm người thôi. Bốn, năm người này, tất cả đều sắp lên trời xuống âm cả rồi”.

Chính cụ mo Cát ở cùng làng với cụ ngày trước đã gặp phải sự cố khi xuống tìm vía của một cụ khác trong bản lạc xuống thủy phủ. Những người chứng kiếm cuộc hát khắp mà thật ra là kể mo, ngồi yên như tượng. Người có kinh nghiệm trong việc cúng bái biết là sắp có chuyện không lành vội đi gọi học trò của ông về mới cứu được vị thầy cúng nổi tiếng của vùng khỏi quy tiên. Sau lần đó, mo Cát không còn đủ sức hành nghề nữa. Từ đó cho đến khi mo Cát mất cách đây đã gần 40 năm, ông không còn dám tham gia những chuyến phiêu lưu như vậy nữa.


Cụ Vi Thị Lan, 72 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, đồng thời là một nghệ nhân hát khắp, hát lăm nhiều tuổi nhất câu lạc bộ hát khắp Bản Tờ (Yên Khê, Con Cuông) cho biết: “Đúng là đi lên mường trời vẫn chưa đáng sợ bằng xuống mường Lủm. Đó là thế giới của ma Ngược (thuồng luồng) ở sâu dưới những vực nước như vực Tả Bó ở Yên Khê hay Văng Cụa nằm trên một khúc sông Lam. Tôi cũng mới chỉ nghe nói lên trời xuống âm có mỗi ông mo Cát là đi được một mình thôi, còn chúng tôi thì... sợ lắm. Người hát khắp để có thể lên trời xem Pả Then đánh cờ và trở về an toàn đòi hỏi người tham gia chyến đi phải bản lĩnh, phối hợp ăn ý, không làm khó nhau bằng cách đưa ra những câu hỏi, câu đố hóc búa khó trả lời có thể làm hại cho chính người bạn đường của mình.

Tuy nhiên, những cuộc du hành ấy mà thiếu những lời trêu ghẹo thì mất vui, kém đi phần ý nghĩa. Ngày trước, đám cưới mà không đi chơi như thế thì buồn lắm. Ít ra cũng phải xuống Vinh, hoặc ra Hà Nội, đi thăm Vịnh Hạ Long...”.

“Mình hát một đằng nhưng khi có dịp xuống đến Vinh và thăm Hà Nội, thấy thực tế khác xa lắm. Toàn ở nhà tưởng tượng thôi...” - cụ Lan cười thú nhận.

***

Một bài báo không thể đánh giá hết một vấn đề lớn, nhất là đối với loại hình văn hóa phi vật thể có bề dày truyền thống đang sống “lay lắt” trong trí óc của cộng đồng người Thái ở Con Cuông (Nghệ An) nhất là khi chưa xác định đó là thể loại gì. Rất mong có sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu.

Hữu Vi - Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm