20/04/2023 15:33 GMT+7 | HighTech
Công nghệ phát triển mang đến sự tiện dụng hơn cho con người trong đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh cãi về những tác động đến sức khỏe của người sử dụng.
Theo New York Times, hóa chất độc hại hiện diện quanh chúng ta. Một trong số đó là hợp chất per và polyfluoroalkyl (PFAS). Đây là loại hợp chất có khả năng chống thấm nước cực kỳ tốt, thường được sử dụng trong rất nhiều loại đồ dùng chống thấm nước và dầu mỡ như thực phẩm đóng gói, dụng cụ nấu nướng như chảo chống chính, đồ nội thất và quần áo đi mưa.
Tiếp xúc với PFAS có thể dẫn đến một loạt rủi ro về sức khỏe, từ ung thư đến các vấn đề về sinh sản. Sự phổ biến của PFAS trong các loại hàng tiêu dùng đồng nghĩa với việc chúng thường được tìm thấy trong đất, nước uống, nhà cửa và cơ thể người.
Mặc dù không ai có thể tránh hoàn toàn PFAS, nhưng bạn có thể thực hiện các hành động cụ thể để giảm phơi nhiễm và rủi ro đối với sức khỏe lâu dài.
PFAS là gì?
Thuật ngữ PFAS đề cập đến một nhóm gồm hơn 4.000 hợp chất được sử dụng trong công nghiệp và hàng tiêu dùng. Những chất này khác nhau về thành phần hóa học, nhưng nhiều người cho rằng chúng có thể tồn tại hàng thế kỷ mà không bị phân hủy sinh học.
Chính sự cứng đầu đó giúp cho PFAS trở nên cực kỳ hữu ích. Các mặt hàng được xử lý bằng PFAS có thể trở nên kháng nước và dầu mỡ cao, đó là lý do tại sao các hóa chất này có xu hướng phổ biến nhất trong những thứ được thiết kế để giữ sạch sẽ và khô ráo: chảo chống dính, thảm trải sàn, dụng cụ ngoài trời, mỹ phẩm, hộp bánh pizza, túi bỏng ngô dùng trong lò vi sóng.
Trong những năm gần đây, PFAS đã được tìm thấy trong mọi thứ, từ bát đũa dùng một lần cho đến quần áo.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về tác động của PFAS về sức khỏe và thực tế là chỉ có một số hợp chất trong số hơn 4.000 là có tác động tiềm ẩn.
Các chuyên gia nói rằng không có sản phẩm nào khiến người dùng tiếp xúc với PFAS gặp nguy hiểm trong một lần sử dụng. Nhưng vì PFAS rất phổ biến và tích tụ trong cơ thể theo thời gian, nên mọi người cần biết nên tiếp xúc với hóa chất này chừng nào là đủ.
Các chuyên gia gợi ý nên tập trung vào ba loại chính, dụng cụ nấu ăn chống dính, bao bì thực phẩm không thấm dầu mỡ hay hàng hóa chống nước và vết bẩn, đồng thời cân nhắc đầu tư vào một bộ lọc nước.
Nên tránh các dụng cụ nấu ăn có chứa PFAS. Hầu hết các dụng cụ nấu ăn chống dính ngày nay, như chảo chống dính đều chứa một số dạng PFAS.
Nếu muốn giảm mức độ tiếp xúc tổng thể, nồi và chảo bằng gang, thép không gỉ và gốm là một lựa chọn tốt hơn. Tránh sử dụng dụng cụ nấu nướng chống dính đã được sử dụng hơn 10 năm trở lên.
Giảm tần suất tiếp xúc đường miệng với các bao bì bằng giấy, bìa cứng và sợi thực vật. Chúng có thể là các loại bát đĩa dùng một lần hoặc hộp đựng bánh pizza, bỏng ngô dùng trong lò vi sóng, có xu hướng chứa nhiều PFAS để giảm thiểu thấm dầu mỡ.
Mua bộ lọc nước, đặc biệt nếu bạn sống ở khu vực nghi ngờ nhiễm PFAS. Tránh sử dụng các loại vải quảng cáo có khả năng chống thấm nước và chống vết bẩn mà không tuyên bố là không chứa PFAS, dù là thảm trải sàn, đồ nội thất bọc nệm, áo khoác lông vũ, ủng đi bộ đường dài hay đồ lót.
Bạn có thể thỉnh thoảng vẫn mua các loại đồ dùng này nhưng nên hạn chế ở mức tối thiểu.
Mặc dù các công ty đang tìm ra những phương thức chống nước tốt hơn nhưng đa phần những mặt hàng này hầu hết vẫn được sản xuất bằng PFAS.
Ảnh hưởng của PFAS đến sức khỏe là gì?
Giới khoa học đã liên hệ các hợp chất PFAS với một loạt kết quả tiêu cực, bao gồm làm tăng cholesterol, viêm loét đại tràng, suy giảm chức năng tuyến giáp, giảm đáp ứng miễn dịch ở trẻ em, tăng huyết áp và tiền sản giật liên quan đến thai kỳ, nhẹ cân khi sinh, rối loạn chức năng gan, và ung thư (cụ thể là ung thư thận và tinh hoàn).
Mọi người chủ yếu tiếp xúc với PFAS qua đường tiêu hóa và hít phải. Các nhóm bệnh nghiêm trọng nhất liên quan đến PFAS thường xuất hiện ở xung quanh các nhà máy và các tổ chức sản xuất hoặc sử dụng hóa chất ở nồng độ cao.
Tuy nhiên, vì PFAS dễ dàng lẫn vào trong nước nên chúng được tìm thấy ở các đại dương, hồ, suối, hồ chứa, nước uống của thành phố và lượng mưa trên mọi lục địa, kể cả ở vùng băng Bắc Cực xa xôi.
Các nhà khoa học đã tìm thấy PFAS trong cơ thể của hàng trăm loài động vật cũng như thực vật, điều đó có nghĩa là chúng chắc chắn sẽ quay trở lại chuỗi thức ăn của con người.
Rất may, một trong những dạng PFAS nguy hiểm nhất là PFOA, phần lớn đã bị loại bỏ ở Mỹ và sắp được liệt kê là chất độc hại.
Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu trọn vẹn tác động của đến sức khỏe con người, nên đó là lý do tại sao một số người cho rằng nên hạn chế tiếp xúc với PFAS bất cứ khi nào có thể.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất