Một chuyện bất đắc dĩ nhưng vẫn phải nói

07/01/2010 07:21 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Các nhà lãnh đạo Hà Nội đã quyết tâm xây dựng trái tim cả nước thành một thủ đô văn hóa, điều đó hoàn toàn hợp lòng dân. Xây dựng một cộng đồng văn hóa thì chống lại những hành vi đối nghịch với văn hóa là việc phải làm.

Tiếp sau bài “Phát sợ nhà vệ sinh công cộng”, xin đề cập một hành vi phản văn hóa khác tồn tại đã lâu cần dẹp bỏ: phóng uế nơi công cộng.

Tàn tích văn hóa

Bài tiết là một hoạt động tự nhiên của cơ thể trong chu trình tiêu hóa. Trong các nền văn hóa khác nhau, thái độ ứng xử đối với hoạt động này cũng khác nhau.

Theo ghi chép lịch sử, cho đến TK XVI, ngay trong cung điện Versaille - Pháp, vua chúa và hoàng thân quốc thích đêm đêm vẫn đi vệ sinh vào những vại sành nhỏ, sáng ra thì bưng ra ban công hắt xuống đất. 1539, Francois Đệ Nhất đã phải ban hành một sắc lệnh cấm đổ phân ra đường phố Paris, và buộc mỗi nhà phải làm một hố xí trong thời hạn ba tháng, bằng không sẽ tịch biên gia sản.

Cửa vào nhà vệ sinh và chỉ dẫn
- Nội thất nhà vệ sinh công cộng tại Meguro Gajoen - một trung tâm văn hóa bao gồm vườn hoa, phòng tiệc, phòng cướí, bảo tàng và restaurants tại Tokyo - Nhật Bản (nguồn ảnh: Nguyễn Đình Đăng blog)

Hoạt động bài tiết từng được Dominique Laporte nghiên cứu và viết thành một chuyên khảo nhan đề “Lịch sử của phân” (Histoire de la Merde, khi dịch sang tiếng Anh là History of Shit), trong đó nghiên cứu cách ứng xử của con người với phân từ góc độ triết học như là một tiến trình phát triển của văn minh (ban đầu thải ra chốn công cộng, sau đó được cá nhân hóa dần dần) để nhìn nhận sự hình thành của vai trò cá nhân hay sự hình thành ý thức về cái tôi như một con người cá nhân.

Người phương Tây thường có khuynh hướng đối lập việc bài tiết với văn hóa, họ xem văn hóa là cái cao sang, còn bài tiết là dơ bẩn, xấu xa. Thái độ này bị những người từng tiếp xúc với phương Đông đánh giá là “thói duy tâm đạo đức giả” (Donald Richie).

Donald Richie nhận xét, người Nhật chấp nhận cả hé (trung tiện) lẫn dạng biến thể thông thường của nó là onara (rắm) và không coi đó là những từ “bẩn thỉu”. Trong các cuộc đối thoại thông thường, tần số lặp lại của từ rắm cao hơn nhiều lần so với tần số lặp lại của từ này trong các cuộc đối thoại ở phương Tây, nơi mà người ta phải thường xuyên dùng cụm từ “break wind” (thoát gió) để thay cho từ fart.

Người Việt không chỉ chấp nhận mà còn rất coi trọng hoạt động bài tiết, và có lẽ là dân tộc duy nhất xếp đại tiện vào “tứ khoái”. Người Tây Tạng còn nâng sản phẩm của hoạt động bài tiết lên tầm triết học khi cho rằng phân đứng vào hàng năm chất khởi đầu tạo nên vũ trụ: đất nước lửa gió phân. Nhật có thể thơ bình dân dùng nhiều khẩu ngữ, 17 chữ hình thành thời Edo có tên Senryu (xuyên liễu) nói về những chỗ yếu của con người, trong đó có hoạt động bài tiết. Hội họa có bức He Gassen (trận chiến rắm) sáng tác thời Edo. Thậm chí còn có cả một loại chủ đề riêng gọi là Ningen - Kusai (hơi người), trong đó trung tiện chiếm một vị trí đáng kể. Những gì dễ nhất thế gian đều được gọi là "Kappasan no he", nghĩa là phát rắm của Kappa, nhân vật trong tiểu thuyết ngụ ngôn cùng tên nổi tiếng của Akutagawa Ryonosuke.  Phong tục đi cầu trên chuồng lợn của dân đảo Jeju phía nam Hàn Quốc trở thành đề tài điêu khắc đá thú vị ở công viên Jeju Geumneung Seokbul - won...

Tuy nhiên, dưới bất kỳ góc độ nào, hoạt động bài tiết “vô tư” mà chúng ta vẫn thường gặp trên vỉa hè, lề đường Hà Nội là một hành vi không thể chấp nhận được trong một thủ đô văn minh, từng ngày đổi mới. Trước vấn đề quan trọng nhưng rất tế nhị trên, năm 1995 đã diễn ra một hội thảo quốc tế về nhà vệ sinh công cộng tại Hồng Kông. Sau đó, Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (WTO, The World Toilet Organization) được thành lập; ngày 19/11 được lấy làm Ngày vệ sinh thế giới và đã có một số hội nghị thượng đỉnh về vấn đề này.

Cửa vào từng khu bồn cầu riêng biệt


Phải làm gì?

Hoạt động bài tiết phải được kiểm soát, nếu không là không bình thường với từng cá nhân nói chung. Trẻ em sinh ra cũng đã phải học được cách làm chủ nó để kiểm soát nó, kiềm chế và đối phó với nó. Con người ở mọi nền văn hóa đều biết khoanh vùng giới hạn hoạt động bài tiết trong chủ thể, không gian và thời gian. Đó là một giá trị văn hóa quan trọng.

Đã từng có một phát minh quan trọng liên quan đến nhà vệ sinh được coi là “thuần Việt”, khiến cho không gian phóng uế trở nên sạch sẽ và dễ chịu hơn. Nhật, Trung Quốc, Úc, Thụy Điển... đã quan tâm, tìm hiểu và gọi nó bằng cái tên "toilet sinh thái kiểu Việt Nam" và cải tiến bằng cách lắp đặt thùng đựng tro và chất độn, thiết kế cần giật tro như cần giật nước với bề ngoài sang trọng không kém gì loại nhà tiêu tự hoại giội nước (Tuổi trẻ 16/2/2001). Ưu điểm của loại toilet này là tiết kiệm nước, không gây ô nhiễm nước ngầm, lại tận dụng được nguồn phân hữu cơ khổng lồ và rẻ tiền phục vụ cho nông nghiệp sinh thái bền vững. Thời gian qua đi, sáng kiến này dường như đã bị lãng quên.

Hà Nội mấy triệu dân, nhưng có tất thảy bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng? Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng hẳn rằng rất “khiêm tốn”, do đó hoạt động phóng uế nơi công cộng, điều đáng ra phải được kiểm soát chặt chẽ, lại đã và đang trở nên công khai tại nhiều nơi. 

Theo ý kiến cá nhân tôi, Hà Nội nên xây cho đủ nhà vệ sinh công cộng, thậm chí có thể cần tới biển chỉ dẫn cho bà con ở xa không thuộc đường đi lối lại được biết. Nếu thiếu kinh phí thì có thể xã hội hóa việc vệ sinh môi trường. Trước đây, TP. Hạ Long bụi bẩn có tiếng vì khai thác than rơi vãi, nhiều người thậm chí không dám mặc quần áo trắng ra đường. Sau một thời gian nỗ lực khắc phục, Hạ Long đã sạch sẽ lên rất nhiều. Đã cấm được việc hút thuốc nơi công cộng, thì việc xử phạt đối với các hành vi phóng uế bừa bãi cũng có thể làm được.

Tuy nhiên, không nên phạt tiền, có thể có nhiều dân nghèo. Những cá nhân vi phạm nên chăng bị buộc đi lao động công ích, trong một khoảng thời gian ngắn (như nửa buổi sáng tại công viên…) Làm đồng thời hai việc như vậy, vừa xã hội hóa vừa tuyên truyền, “nhắc khéo” người dân thì có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn là mọi chuyện sẽ đi vào nề nếp.

Đan Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm