09/12/2012 13:11 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Những mộ chum lớn là di vật và là đặc trưng dễ nhận biết của Văn hóa Sa Huỳnh. Khái niệm mộ chum Sa Huỳnh, kho mộ chum Sa Huỳnh…được coi là tên gọi của nền văn hóa này.
Mộ chum Sa Huỳnh, gốm, văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay 2.000 - 2.500 năm, hiện vật Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
1. Nghi thức chôn cất bằng chum của người Sa Huỳnh có vẻ rất tương đồng với nghi thức chôn cất bằng thạp trong xã hội Lý - Trần ở Đại Việt. Tuy nhiên ta không rõ hình thức mộ chum có liên quan đến tục cải táng hay thiêu xác hay không. Ở thời đại Lý - Trần có hai hình thức chôn cất, hoặc là chôn xuống đất một thời gian, ngoài 3 năm, đào lên lấy xương cho vào thạp gốm (giống như ngày nay người Việt vẫn làm cho vào tiểu sành), hoặc thiêu người chết - hỏa táng theo nghi thức Phật giáo đương thời, rồi cho tro hài vào thạp. Các thạp táng thời Lý - Trần cũng phổ biến kiểu lồng thạp nhỏ vào thạp lớn. Một vài di vật gốm Lý - Trần (tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) cho thấy, hình như người ta nung sơ thạp nhỏ trước, rồi đặt vào thạp lớn đang làm làm rồi tiếp tục nung cả hai. Bởi vì miệng thạp lớn thường nhỏ hơn kích thước thạp nhỏ, nên không thể đút qua khi đã nung xong. Những mộ chum Sa Huỳnh cũng có dạng kép như vậy, tức là một chum nhỏ lồng vào trong chum lớn. Tuy nhiên, chum Sa Huỳnh có miệng rộng, thừa chỗ để đưa chum nhỏ vào trong.
Mộ chum được chôn thành cụm, thường ở cồn cao ven biển, ven sông với nhiều hình thức mai táng: Cải táng, hoả táng, hung táng trẻ em và mộ tượng trưng. Mộ chum Sa Huỳnh đa dạng về kích thước và kiểu dáng như chum hình trụ, chum hình trứng, chum trung gian giữa hình trụ và hình trứng, chum hình cầu, chum lồng nhau... Chum thường có nắp hình nón cụt đáy bằng, loại gần hình chóp nón đáy gần nhọn, loại hình cầu đáy lòng chảo... Kích thước chum khá đa dạng, chum lớn nhất có chiều cao tới 1,8m, đường kính 1m, đa phần cao dưới 1m, đường kính 50 - 60cm. Ngoài mộ chum, văn hoá Sa Huỳnh còn có loại hình mộ đất, mộ nồi vò nhưng ít phổ biến hơn. (nguồn baotanglichsu.vn)
2. Gần như không định dạng được cách mai táng duy nhất của người Sa Huỳnh. Họ có cả nguyên táng, tức là chôn người chết nguyên vẹn, có cả hỏa táng, tức là thiêu người chết rồi đưa tro hài vào chum, có cả cải táng. Đặc biệt hình thức táng chung cho một số người mà hiện nay chưa xác định được những người được táng chung là vợ chồng, cha con và mẹ con, có thể nhận thấy điều ấy qua tuổi của các xương và tro hài khác nhau. Trải dài từ thời đại đồ đồng đến thời đại đồ sắt và muộn hơn nữa, những đồ tùy táng trong mộ chum Sa Huỳnh cho biết thời đại và công nghệ kim khí thô sơ nhất định, có những đồ tùy táng bằng đồng và sắt ở giai đoạn muộn, có những đồ gốm chôn theo người chết và rất nhiều đồ trang sức bằng gốm và thủy tinh, lại có cả những miếng gốm có khắc vạch như một lá bùa.
Như vậy qua những đồ tùy táng và cách thức mai táng, người Sa Huỳnh rõ ràng có một tổ chức xã hội quy củ và có một tập tục đã xác định có tính truyền thống với tín ngưỡng hướng về thế giới bên kia. Những mộ chum được làm cẩn thận chứng tỏ thái độ kính trọng và tiếc thương với người đã khuất được bầy tỏ sâu sắc và tỷ mỷ. Những đồ tùy táng đẹp cho thấy sự dành cho người chết những ưu ái nhất định, hoặc giả đó chính là của nả của người chết mà người sống vẫn chôn theo, để về thế giới bên kia họ có đồ vật để dùng.
|
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất