Viết cho lễ hội phố hoa Hà Nội năm 2010

05/01/2009 11:42 GMT+7 | Đời sống

(TT&VH) - Hà Nội vừa đón năm mới 2009 với lễ hội Phố Hoa đầu tiên. Mặc dù còn nhiều điều phải rút kinh nghiệm, nhưng không thể phủ nhận lễ hội Phố Hoa đã đem lại cho người Hà Nội những ngày đầu năm mới một không khí lễ hội, báo hiệu ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang đến rất gần.



Xác định lại không gian và xã hội hóa tổ chức

Đặc biệt nó đã chứng minh, các sự kiện văn hoá, lễ hội nếu biết huy động tốt sự đóng góp từ các nguồn xã hội hoá, sẽ đem lại những hiệu quả to lớn. Đã có những kỷ lục Việt Nam được công nhận, những nét hào hoa của người Tràng An đã được các nghệ nhân thổi hồn qua những tác phẩm trưng bày tại Phố Hoa. Rất nhiều các bài viết phản ứng và lên án những hành vi thiếu ý thức của người Hà Nội đã làm xấu đi hình ảnh của lễ hội phố hoa cũng thể hiện tình cảm của giới truyền thông với hoạt động này.

Lễ hội phố hoa đầu tiên của Thủ đô


Và đã có quá nhiều các bài viết bàn về Phố Hoa, khen có, chê có. Bài viết này chỉ xin góp ý và đề xuất về khâu tổ chức lễ hội. Đúng là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức, nên việc xác định không gian chính của Phố Hoa cũng cần được cân nhắc lại. Không thể có một Phố Hoa xen lẫn các phương tiện giao thông ôtô, xe máy với còi xe và khói bụi. Sẽ không có du khách nào có thể thư thái ngắm nhìn những tác phẩm hoa của các nghệ nhân, khi sau lưng là tiếng còi xe inh ỏi.

Có cảm tưởng sự phối hợp giữa các cơ quan công quyền chưa được tốt, nên đã dẫn đến quá nhiều những sự cố đáng tiếc. Chúng ta hoàn toàn có thể cấm toàn bộ xe cộ trên phố Đinh Tiên Hoàng từ ngã ba Đinh Lễ đến đền Bà Kiệu, biến nơi đây thành phố đi bộ trong thời gian diễn ra lễ hội. Việc phân luồng giao thông khu vực này hoàn toàn có thể làm được bằng cách chuyển phố Lê Thái Tổ thành đường hai chiều vì phố này mới chuyển thành một chiều mấy năm nay. Phố Hàng Khay cũng chuyển thành đường một chiều theo hướng phố Tràng Tiền đến Tràng Thi. Hoặc  phố Lê Thái Tổ từ trước khách sạn Phú Gia đến Thuỷ Tạ sẽ là một chiều hướng từ phố Bà Triệu lên hàng Đào và phố hàng Trống sẽ là đường một chiều từ hàng Bông xuống Bà Triệu. Nếu phân luồng được như vậy, ta sẽ có không gian chính của phố hoa là đường Đinh Tiên Hoàng và toàn bộ công viên Lý Thái Tổ và hai phố Lê Thạch, Lê Lai cùng một phần của Quảng trường trước Ngân hàng Nhà nước.

Phác thảo phối cảnh phố hoa TP.HCM


Toàn bộ khu vực này sẽ chỉ dành cho đi bộ, cấm hoàn toàn các loại xe. Đây sẽ là một không gian lý tưởng cho việc tổ chức lễ hội hoa cũng như các hoạt động khác chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Các lễ hội Phố Hoa cũng như đại lễ 1.000 năm chỉ nên tổ chức tại khu vực này vì nó hội đủ các yếu tố lịch sử, tâm linh. Khi đã xác định được không gian chính tổ chức lễ hội, cần gấp rút thông báo việc xã hội hoá việc trang hoàng để tạo ra không khí lễ hội ngay từ bây giờ. Trước tiên cần thí điểm việc treo đèn toàn bộ đường Đinh Tiên Hoàng từ ngã tư Tràng Tiền đến đền Bà Kiệu, để các nhà tài trợ có thể thực hiện được trước Tết Nguyên đán một đường phố ngập tràn ánh sáng như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ của TP HCM.

Làm sao để các sai lầm không lặp lại?

Việc trưng bày hoa và các tiểu cảnh trên Phố Hoa cũng cần được bổ sung rút kinh nghiệm. Nếu tiếp tục tổ chức, lễ hội Phố Hoa sẽ được tổ chức vào dịp Tết đến Xuân về, nghĩa là vào mùa Đông khi khí hậu miền Bắc đang vào thời điểm lạnh nhất, các loại hoa tươi trưng bày ngoài trời chỉ một thời gian rất ngắn là héo. Vì vậy, tại những khu vực trưng bày phải chuẩn bị sẵn sàng lượng hoa tươi đủ để trưng bày trong những ngày diễn ra lễ hội. Cần tạo ra nhiểu tiểu cảnh về không khí mùa Xuân ở các miền quê phía Bắc với hoa đào, hoa mận, thậm chí hoa ban... Làm sao để du khách khi bước chân vào phố hoa là như được sống trong mùa Xuân nước Việt. Các tiểu cảnh và các khu trưng bày cần có sự cách ly, kiên quyết không để những người thiếu ý thức bước vào hay hái hoa, bẻ cành. Cùng các cuộc trưng bày các loại hoa cây cảnh quý, cần có giải thưởng cho các loại cây, hoa, tiểu cảnh đẹp. 

Phố hoa TP. HCM nhìn từ trên cao


An ninh trật tự trong lễ hội Phố Hoa là điều cực kỳ quan trọng. Vẫn biết ý định của những người tổ chức muốn tạo ra một không khí lễ hội, khi sử dụng lực lượng bảo vệ thay cho lực lượng công an giữ trật tự. Nhưng những gì đã xảy ra tại lễ hội có thể khẳng định giữ gìn trật tự an ninh tại lễ hội không có lực lượng nào thay thế được lực lượng công an!

Không thể để tiếp tục diễn ra cảnh hàng trăm hàng rong, những chiếc chiếu nhậu trải bên bờ hồ, cảnh ăn nhậu nhếch nhác, bẩn thỉu giữa trung tâm thủ đô. Cần nghiêm cấm hàng rong, đặc biệt là các hàng mực nướng hoạt động trong khu vực phố hoa. Cần mở một số quán ăn nhanh trên vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng phục vụ khách tham quan. Ban tổ chức cần phải có hệ thống loa phóng thanh riêng, thường xuyên thông báo nhắc nhở khách tham quan có ý thức bảo vệ và tôn trọng các tác phẩm trưng bày, đồng thời cũng thông báo công khai tên các đối tượng vi phạm bị xử lý. Cùng sự phối hợp xử lý nghiêm của các lực lượng bảo vệ, tin rằng những điều không hay xảy ra trong lễ hội vừa qua sẽ không còn tái diễn.

Muốn làm tốt được những việc trên, UBND TP Hà Nội, ban tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng long phải là người cầm trịch, là đầu mối chỉ đạo trực tiếp các hoạt động của lễ hội. Đại lễ 1.000 năm Thăng Long không còn bao xa nữa. Thành phố cần phát động một phong trào sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân thủ đô niềm tự hào là người Hà Nội thanh lịch trong cuộc sống cũng như thái độ ứng xử trong các hoạt động văn hoá, lễ hội đang đã và sẽ diễn ra.

Cần phải chứng minh cho bạn bề gần xa thấy Hà Nội của chúng ta không chỉ có bề dày lịch sử mà còn là Thủ đô mến khách và ứng xử đầy văn hoá.

Đình Hiếu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm