Lôi thôi và lúng túng

11/01/2010 09:14 GMT+7 | Đọc - Xem

VĂN HỌC VIỆT NAM
Trước biển lớn hội nhập

     Trong nhiều nỗ lực “ra biển lớn”, hội nhập với quốc tế, của giới văn nghệ Việt Nam từ nhiều năm nay, từ hội họa, điện ảnh đến âm nhạc... hầu hết xuất phát từ những nỗ lực tự thân của cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ, thì có lẽ văn học là lĩnh vực đầu tiên có hẳn một “hội nghị xúc tiến ra nước ngoài” được tổ chức với tầm quốc gia. Đó là Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam, khai mạc ngày 5/1 tại Hà Nội và sẽ kết thúc vào cuối tuần này (10/1). Tuy đã là lần thứ hai tổ chức (lần đầu vào năm 2007), song đây là thời điểm vấn đề quảng bá văn học Việt ra thế giới được quan tâm đặc biệt, với số lượng khách mời kỷ lục: khoảng 150 đại biểu từ nhiều quốc gia và 200 nhà văn, dịch giả trong nước. Sự quan tâm đặc biệt ấy cũng được thể hiện cụ thể ở những mục tiêu lớn lao mà ban tổ chức hội nghị đã đặt ra: 


* Đẩy mạnh công tác quảng bá văn học giúp nhân dân thế giới hiểu rõ lịch sử, con người, văn hóa Việt Nam.
* Tập hợp, đoàn kết đội ngũ dịch giả văn học Việt Nam trong và ngoài nước, chọn giới thiệu các tác phấm tiêu biểu của Việt Nam ra thế giới.
* Đặt quan hệ với các nhà xuất bản, tháo gỡ khó khăn về bản quyền…
* Có kế hoạch dài hạn đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài
* Định kỳ tổ chức hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam 5 năm/lần
* Thành lập Viện hoặc Trung tâm dịch thuật trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam

     Chuyên đề tuần này xin dành cho những góc nhìn khác nhau của người trong cuộc về sự kiện lớn này của giới văn chương Việt Nam.

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN QUỲNH TRANG


(TT&VH Cuối tuần) - Sau một số sự cố văn chương hoặc liên quan tới văn chương năm qua (vụ thơ dịch biến thành thơ sáng tác của một nhân viên Hội Nhà văn Việt Nam và vụ tưởng nhầm phát hiện ra một tài năng văn chương người Việt 19 tuổi, đến cả vụ đổ bể lên phim của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh), việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài càng được dư luận trong và ngoài giới văn quan tâm. Gặp được Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội từ này 5/1 đến ngày 10/1 giống như “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Có điều, đến lần thứ hai tổ chức, nhưng sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc tế của các nhà văn Việt Nam vẫn diễn ra trong sự lôi thôi và lúng túng của chủ nhà.

Giấy mời… nhiều loại

Hội nghị Quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức vào năm 2002 tại Hà Nội với sự tham gia của 25 dịch giả nước ngoài đến từ 12 nước. Sau hội nghị này, mặc dầu 30 tác phẩm của Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài thế nhưng “BCH nhận được không ít những ý kiến phản đối trong đó có cả người của BCH” - theo lời của dịch giả Hoàng Thúy Toàn. Lần này, sau 8 năm “rút kinh nghiệm”, Hội nghị Quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ hai được tổ chức, quy mô “hoành tráng” hơn nhiều”, ban đầu dự kiến có đại biểu đến từ 39 nước, sau đó, trong buổi họp báo sáng ngày 15/12/09 do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, còn lại 108 đại biểu từ 32 nước. Nhưng trên thực tế số đại biểu nước ngoài tham gia hội nghị còn ít hơn nữa vì nhiều người không nhận được vé mời, trong đó có cả đoàn Đài Loan gồm 7 đại biểu (theo thông tin từ nhà văn Trang Hạ). Khi được hỏi về vấn đề này, một thành viên của BTC trả lời rằng “giấy mời của đoàn Đài Loan lẫn vào giấy mời của đoàn Trung Quốc” (?).

Trong các cuộc phỏng vấn với đoàn đại biểu nước ngoài, khá nhiều người “than thở” họ nhận được giấy mời quá sát ngày khai mạc. “Tôi nhận được giấy mời trước khi hội nghị diễn ra có ba ngày”, giáo sư Gunteer - chủ tịch Hội hữu nghị Đức-Việt nói. “Quá ít thời gian để chuẩn bị mọi thứ, việc này thực sự gây nhiều khó khăn cho tôi. Mặc dầu phải tự bỏ tiền lo chi phí đi lại nhưng vì tôi rất yêu Việt Nam, yêu con người Việt Nam, văn chương Việt Nam nên điều đó không thành vấn đề”.

Về vấn đề giấy mời, theo thông tin từ thành viên của BTC ít nhất là có khoảng ba loại giấy mời, phân chia theo màu sắc và dành cho từng đối tượng khác nhau. Ví dụ như với giấy mời màu xanh, đại biểu có thể tham gia hội nghị trọn vẹn từ ngày 5-10/1, với giấy mời màu đỏ, theo lời mời được ghi trên đó, đại biểu sẽ đến với hội nghị vào đúng ngày tổ chức các buổi thảo luận nhóm (6/1). Và giấy mời màu đỏ này được “ưu tiên” dành cho các đại biểu Việt Nam trong hội thảo chuyên đề Gặp gỡ nhà văn trẻ Việt Nam. Dịch giả Thụy Anh khi mở phong bì ra để đọc giấy mời, chị không khỏi… đỏ mặt và bỡ ngỡ. Câu hỏi đầu tiên bật ra là: với giấy mời này, liệu chị và các bạn nhà văn/dịch giả trong nhóm “trẻ” có đến dự buổi khai mạc vào ngày 5/1 được không? có tham dự các buổi giao lưu và tiệc chiêu đãi không? có đi Quảng Ninh để dự Đêm thơ quốc tế tại Lâu đài trắng, Tuần Châu không?.v.v…

Bên cạnh đó, không phải ai cũng “may mắn” như dịch giả Thụy Anh nhận được giấy mời (bằng cách đến cuộc họp trù bị, trước khai mạc nửa ngày, tự lấy giấy mời từ tay BTC). Nhiều dịch giả/ nhà văn không nhận được bất cứ giấy mời nào mặc dầu họ đã có tên trong danh sách đại biểu chính thức tham dự (được phát cho báo chí).

Liên tục bổ sung … đại biểu

Cũng trong buổi họp báo sáng ngày 15/12, một số nhà báo/nhà văn đã thắc mắc với BTC khi nhìn vào danh sách đại biểu tham gia hội nghị đa phần là các “cây đa cây đề” từ 60 đến 80 tuổi, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, người ít tuổi nhất là nhà văn Phan Triều Hải (SN 1969), “trẻ thứ nhì” là nhà thơ Trương Nam Hương (SN 1963). Vậy trong cuộc hội thảo chuyên đề Gặp gỡ các nhà văn trẻ, đại biểu nước ngoài sẽ gặp… ai? Trả lời vấn đề này, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng BTC - nói: “Đây quả là thiếu sót. Chiều 14/ 12 BCH đã có cuộc họp khẩn cấp và sửa chữa thiếu sót bằng cách nhờ Ban Công tác nhà văn Trẻ chọn riêng danh sách 35 nhà văn và dịch giả trẻ để tham gia hội nghị”. (Về sau, danh sách này được bổ sung lên đến 108 đại biểu. Trong đó, các nhà văn/ dịch giả “tóc xanh” có mặt rất khiêm tốn và hầu hết là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam).

Trước thắc mắc vì được mời vào danh sách “nhà văn trẻ”, nhiều nhà văn/ dịch giả tuổi… trung niên đã giãy nảy lên vì “tôi còn trẻ với ai?”, nhà thơ Trần Đăng Khoa giải thích: Mặc dầu tên cuộc hội thảo chuyên đề là Gặp gỡ các nhà văn trẻ, thế nhưng, tính chất của thảo luận này là bàn về văn trẻ, vì vậy, thành phần tham dự tuổi nào cũng được! Có lẽ việc thay đổi tính chất hội thảo này chưa được thông báo rộng rãi với các đại biểu nước ngoài nên mọi người vẫn rất háo hức được gặp gỡ giao lưu với các nhà văn trẻ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống, khuynh hướng sáng tác của họ.


Giao lưu giữa dịch giả/ nhà văn Việt Nam với bạn bè quốc tế
Về đại diện của các nhà xuất bản, các công ty truyền thông tư nhân, sáng ngày 4/1, BTC thông báo với báo chí về việc thay đổi lịch trình và nội dung hội nghị và “quyết định mời bổ sung giới xuất bản, phát hành”, chiều ngày 4/1, những đại biểu “bổ sung” mới nhận được giấy mời để sáng 5/1 “hối hả” đến dự.

Việc thay đổi địa điểm tổ chức hội thảo chuyên đề Văn xuôi Việt Nam hiện đại dường như chỉ kịp thông báo với… báo chí, thế nên, sáng ngày 6/1, BTC phải bố trí ô tô để đưa các đại biểu (trong và ngoài nước) “đi lạc” về đúng địa điểm mới (Hội trường Bảo tàng Văn học Việt Nam, Âu Cơ, Hà Nội). Đại biểu nào chưa kịp lên ô tô thì tự thuê taxi và… xe ôm. Và hội trường diễn ra hội thảo chuyên đề Văn xuôi Việt Nam hiện đại mặc dầu mở đầu rất thú vị với bài phát biểu của giáo sư Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc) nhưng lại vô cùng thưa vắng người tham dự.

Lúng túng và… lúng túng

Gây thất vọng ở khâu tổ chức nhiều nhất có lẽ là buổi khai mạc. Sau màn văn nghệ chào mừng, 10 đại biểu đại diện cho 10 nước trên thế giới được ngồi lên ghế chủ tọa. Thế nhưng, do BTC chỉ nói tiếng Việt, không có người phiên dịch, phát âm tên đại biểu lại chưa đúng nên các đại biểu hết sức lúng túng. Mặc dầu có phiên dịch ở ca-bin, nhưng chỉ có khách nước ngoài ngồi phía dưới có tai nghe, nên đối với đại biểu Việt Nam và các đại biểu nước ngoài ngồi trên ghế chủ tọa thì rơi vào cảnh không hiểu những người nước khác nói gì. Về sau, rút kinh nghiệm, một số đại biểu nước ngoài khi đọc tham luận đã nhanh trí mời dịch giả Việt kiều trong đoàn nên chuyển ngữ hộ. Thế nhưng, việc dịch lại tham luận mà không có văn bản, cũng thiếu kinh nghiệm thông ngôn chuyên nghiệp sẽ vô cùng vất vả đối với các dịch giả quen dịch… chữ. Cả bầu không khí tẻ nhạt bao trùm, không ít người lấy tay che miệng… ngáp hoặc đi ra ngoài phía hội trường để tự gặp gỡ, giao lưu.

“Việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài là cần thiết”, nhà thơ/ dịch giả Dương Tường chia sẻ. “Tôi chờ đợi ở hội nghị các cách thức cụ thể để thúc đẩy việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài, cần tổ chức lực lượng, cần có những ký kết giao kèo với dịch giả và các NXB trên thế giới một cách cụ thể. Cách thức tổ chức như thế nào mới là quan trọng. Đừng lý luận và đưa ra những vấn đề chung chung nữa!”.

Đến tổ chức hội nghị quốc tế mà còn lắm chuyện lôi thôi, lung túng thế, liệu có nhiều hy vọng ở “chiến lược” giới thiệu, quảng bá văn chương Việt Nam ra quốc tế hết lúng túng, lôi thôi?.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm