Món phở

17/07/2011 14:11 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - 1. Nhạc sỹ Tuấn Minh (đã mất) từng đọc cho tôi nghe bài ca về cơm và phở như thế này:

Bồ là phở
Vợ là cơm.
Ăn cơm xong lại thèm ăn phở
Ăn phở rồi lại nhớ tới cơm.
Nói chung thì phở ngon hơn
Mấy ai ăn phở trừ cơm suốt đời.


Cô gái người Mông đang làm bánh phở. Ảnh chụp tại một bản Mông
vùng Cán Cấu - Si Ma Cai - Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.

Bài ca ra đời vào quãng cuối thời bao cấp, đầu thời kinh tế thị trường, có “bồ” trở thành một cái mốt, và người ta gọi các “cô bồ”, (tất nhiên cả “anh bồ”), là phở. Không biết do ông nhạc sỹ sáng tác ra hay là vè dân gian. Lại có bài khác như sau:

Sáng đưa cơm đi ăn phở
Trưa đưa phở đi ăn cơm
Chiều đưa cơm về nấu cơm

Tối ăn cơm nhớ tới phở.

Một quán hàng rong tại chân cầu Long Biên, Hà Nội. Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20.
Nguồn: NXB Thế giới.

Về mặt đạo đức bài vè này thật đáng chê trách, nhưng nằm trong cái văn hóa tiếu lâm của người Việt, nó là bậc thầy của cách chơi chữ.

Nói tóm lại đối với người Việt, phở là một món rất ngon, hấp dẫn, tuy không ăn thay cơm hoàn toàn nhưng người ta rất thích nó. Phở được ví như người tình, bồ bịch, ăn thêm, và luôn thòm thèm. Vào thời bao cấp, chỉ những ai ốm mới được ăn phở, đôi khi người ta mua một bát phở về cho cả nhà ăn, đổ thêm cơm nguội vào đó, rồi múc cho mỗi người một bát nhỏ. Những đợt liên hoan cơ quan cuối năm, nhiều cơ quan tổ chức nấu phở chiêu đãi nhân viên, có những vị cán bộ nghèo chỉ biết vị phở cơ quan chứ chưa bao giờ được thưởng thức món này ở nhà hàng bên ngoài. Lúc ấy cửa hàng ăn mậu dịch cũng bán phở, nhưng rất nhạt nhẽo và hiếm khi có thịt, nên gọi là Phở không người lái. Lại có câu rằng: Phở mậu dịch, kịch tivi.

Quán hàng rong người Hoa ở Sài Gòn. Ảnh trong sưu tập của ông Poujade de Ladeveze,
bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20. Nguồn: NXB Thế giới.

2. Người ta cho rằng phở ra đời ở Nam Định cách đây hơn trăm năm (những năm 1905 - 1908). Có người nói phở là tác phẩm của người Việt, có người nói đó là món của người Tàu, có thể là dân Triều Châu, đem vào Nam Định. Chữ “phở” được giải thích theo nhiều nghĩa. Nó tương đương với chữ “phẩn” tiếng Tàu, và chính là chữ “phấn”, “phân” - chỉ bột gạo. Người Tàu có hai từ chỉ món ăn làm từ bột gạo là Phẩn néo (hay thẻo) và Phẩn xi, tiếng Hán đọc là phấn điềuphấn hệ. “Điều” chỉ các sợi gạo to bẹt, “hệ” chỉ các sợi gạo nhỏ tròn. Như vậy “điều” tương đương với bánh phở thái ra, và “hệ” tương đương với sợi bún.

Người Tàu hay ăn mỳ, chế từ bột lúa mạch. Món mỳ của Tàu có đến vài trăm loại, nhưng không loại nào có hương vị như phở, chỉ giống nhau về hình thức là mỳ ăn với nước có thịt thà hành ớt và các loại gia vị khác nhau. Đối với người Tàu, vị của phở nồng, mặn không thanh như mỳ, khó ăn hơn.

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm