Mỗi tuần một chuyện: Cây gậy của Van Gaal

13/07/2015 17:36 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu nhìn vào lịch sử chuyển nhượng các mùa của Van Gaal, chúng ta hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về trách nhiệm của ông trong việc bán đi các ngôi sao.

1. Một loạt ngôi sao của Ajax ra đi Hè 1996; Ivan de la Pena (1998); Sony Anderson (1999); Pepe Reina (2002); Demichelis (2010) và gần đây nhất là Van Persie, người từng được Sir Alex coi là món quà quý giá.

Dĩ nhiên, bán các ngôi sao còn phụ thuộc vào chính sách và các dự án của CLB nhưng ở cương vị một HLV, người thực thi nhiệm vụ giành thành tích để củng cố thương hiệu cho CLB, Van Gaal hoàn toàn có thể can thiệp để một ngôi sao không phải rời CLB. Nhưng dường như ông ít khi sử dụng quyền năng đó. Dễ hiểu, ông nghĩ ông mới là ngôi sao duy nhất, người có năng lực duy nhất để xoay chuyển cục diện của cả một tập thể.

Van Gaal luôn thể hiện quyền lực thép trong tập thể, đặc biệt là trước những ngôi sao có cái tôi lớn. Mourinho dường như cũng học hỏi được điều đó từ ông và sau này cũng hành xử gần tương tự. Chính Van Gaal, thời mới nhận việc huấn luyện Bayern Munich, đã tuyên bố một câu xanh rờn rằng “Tôi không có thói quen mua về các ngôi sao mà tôi thích giúp các cầu thủ phát huy hết tiềm năng để thành ngôi sao”.

Đó là một tuyên bố ngạo nghễ, dù nó có vẻ bẻ cong sự thật một chút. Nhưng chút bẻ cong ấy không làm giảm đi giá trị có thật của một HLV thích hành xử với cây gậy hơn là với củ cà rốt.

2. Sẽ có nhiều người nhìn vào mùa đầu tiên của Van Gaal ở Man United để đặt dấu hỏi rằng “Ừ thì ông ta đã làm được cái gì trong việc phát triển tiềm năng cầu thủ ở Old Trafford khi mà Di Maria thì mất phong độ và Van Persie thì chìm nghỉm?”.

Đó là một câu hỏi hay, nhưng nó sẽ còn hay hơn nữa nếu chúng ta tự hỏi “tại sao Real lại bán Di Maria khi anh góp phần rất lớn cho chức vô địch Champions League thứ 10?” và “Vì lý do gì mà một đội giàu như PSG lại chê Di Maria đắt để không cố gắng cạnh tranh với Man United?”. Tất cả đều có lý do của nó. Di Maria nhanh nhẹn, thông minh, khéo léo nhưng không bao giờ có thể là đầu tàu và anh càng không thể phù hợp với một giải đấu thiên về sức mạnh như Premier League. Mua Di Maria không phải ý của Van Gaal và điều ông làm được ở Old Trafford mùa giải đầu chính là việc giới thiệu thành công Herrera, Blind và cho McNair trở thành một ngôi sao tiềm năng khi người ta còn chưa kịp biết chàng trai ấy là ai. Không phải HLV tài năng, không thể làm được những việc như thế ở một mùa giải đầu tiên đầy sức ép. Và cũng chính Van Gaal đã từng thừa nhận ông cần ít nhất 3 năm để gầy dựng lại đế chế Man United đó thôi.

3. Van Persie đến Man United vào thời điểm nhà Glazers cần vực giá chứng khoán ở NYSE chứ không chỉ cần bổ sung sức mạnh chuyên môn đơn thuần. Và phong độ của anh ở Old Trafford suốt mùa vừa rồi cũng cho thấy anh nên ra đi để giải tỏa bớt gánh nặng lương cũng như tạo vị trí cho một cá nhân có khả năng hơn. Sẽ là vô luân nếu Van Gaal cứ căn cứ vào tình đồng hương mà cố nài giữ anh ở lại. Còn chuyện ông giữ kín ý đồ bán Van Persie từ giữa mùa trước cũng chẳng có gì là xấu xa cả. Đơn giản, ở đúng giai đoạn Man United cần tập trung cho mục tiêu top 4, bất kỳ một tuyên bố nào khiến phòng thay đồ xáo trộn cũng đều là tội lỗi cả.

Thế nên, hãy quen dần với cây gậy của Van Gaal, còn mắng mỏ ông là ‘vô luân’ hay gì gì đó, đợi đến lúc xách va li ra đi rồi hẵng nói ra, bởi ông cũng chẳng cần quan tâm đến mấy lời nhận xét kiểu ấy…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm